Huy Hạ phát triển nuôi đại gia súc nhốt chuồng
Trong điều kiện khu vực chăn thả ngày càng thu hẹp, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn xã Huy Hạ, huyện Phù Yên đã tận dụng diện tích đất vườn tạp, đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ; vay vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư nuôi đại gia súc nhốt chuồng, mang lại nguồn thu nhập ổn định.
Hội Nông dân xã Huy Hạ đã chỉ đạo chi hội nông dân 9 bản tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi tận dụng trên 10 ha ruộng bỏ hoang và đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cỏ voi VA 06 làm thức ăn cho trâu, bò. Đồng thời, nhận ủy thác với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh huyện cho 111 lượt gia đình hội viên vay vốn phát triển sản xuất, trong đó có đầu tư nuôi trâu, bò nhốt chuồng, với tổng dư nợ trên 5 tỷ đồng. 3 tháng đầu năm nay, Hội còn phối hợp tổ chức 6 buổi tập huấn kỹ thuật sản xuất cho hơn 300 lượt hội viên, nông dân...
Hiện, tổng đàn gia súc toàn xã lên gần 2.000 con, trong đó, gần 300 con trâu, trên 900 con bò, còn lại là dê và ngựa. Hầu hết các hộ đều chăn nuôi theo hình thức nhốt chuồng, với nguồn thức ăn chủ yếu là phụ phẩm nông nghiệp và chủ động trồng thêm cỏ để đảm bảo nguồn dinh dưỡng. Từ chăn nuôi trâu, bò nhiều hộ có thu nhập từ 130 đến 500 triệu đồng/năm. Điển hình là các gia đình: Sa Văn Đình, Sa Văn Thân, Đinh Tất Thành, Sa Thị phượng, Sa Văn Yêu, bản Trò 1; Đinh Văn Vấn, Vì Văn Hều, bản Trò 2...
Gia đình anh Đinh Văn Thánh, bản Trò 1, trước đây nuôi trâu, bò theo hình thức chăn thả trên nương, thời gian nuôi kéo dài mà hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2015, được vay 50 triệu đồng từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, anh đã đầu tư nuôi theo hình thức nhốt chuồng. Trồng 1,3 ha cỏ voi và tận dụng rơm, rạ sẵn có làm nguồn thức ăn, đồng thời, bổ sung thêm thức ăn tinh, như cám ngô, cám gạo... Anh Thánh chia sẻ: Từ 7 con bò cái sinh sản ban đầu, đến nay, gia đình có 60 con bò. Trung bình mỗi năm xuất bán 2 lứa, khoảng 15 con bò thịt, bò giống. Ngoài ra, tôi còn buôn bán thêm trâu, bò. Mỗi năm, gia đình thu nhập trên 400 triệu đồng.
Chuyển sang nuôi bò theo hình thức nhốt chuồng được 4 năm, ông Lò Văn Bạt, bản Nà Lò 1 đã bố trí khu chuồng nuôi gia súc tách biệt với nhà ở, có mái che và cứng hóa nền, bảo đảm thông thoáng. Đồng thời, thường xuyên vệ sinh chuồng trại; những ngày nắng nóng, kết hợp phun nước tắm hạ nhiệt cho bò. Bên cạnh đó, ông chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng và viêm da nổi cục đúng liều lượng và khuyến cáo của cán bộ thú y... Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, 7 con bò của gia đình ông tăng trọng lượng nhanh, ít bị bệnh, chất lượng thịt tốt, bán giá cao, mang lại thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.
Bảo vệ đàn gia súc, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh được cấp ủy, chính quyền xã quan tâm. Cán bộ thú y thường xuyên bám cơ sở hướng dẫn người dân làm tốt công tác vệ sinh chuồng trại, tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi, vận động các chủ hộ giãn mật độ nuôi, tăng khẩu phần thức ăn dinh dưỡng cho đàn vật nuôi. Đồng thời, chấp hành tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định; thường xuyên theo dõi đàn gia súc, nếu có triệu chứng bệnh phải báo ngay cho chính quyền địa phương để xử lý.
Anh Nông Văn Tân, cán bộ thú y xã Huy Hạ, thông tin: Từ đầu năm đến nay, xã đã thực hiện phun khử trùng tiêu độc hơn 2.000 m² chuồng trại tại các hộ chăn nuôi gia súc; tổ chức tiêm 1.000 liều vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục cho trâu, bò, trong đó, 100 liều do Nhà nước hỗ trợ, 900 liều do người dân đăng ký và chi trả. So với phương thức chăn thả truyền thống, nuôi nhốt gia súc tập trung giúp các hộ chăn nuôi có thể chủ động trong việc tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại, xử lý chất thải chăn nuôi, hạn chế thấp nhất vật nuôi chết do dịch bệnh; đàn gia súc được bảo vệ, phát triển tốt hơn.
Khuyến khích nhân rộng mô hình nuôi đại gia súc nhốt chuồng theo hướng hàng hóa, thời gian tới, xã Huy Hạ tăng cường phối hợp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, cách lựa chọn con giống, góp phần nâng cao số lượng và chất lượng đàn đại gia súc, nâng cao thu nhập cho bà con.