Hủy phán quyết trọng tài thương mại thiếu sự rõ ràng
Một trong những bất cập và được quan tâm nhất của Luật Trọng tài Thương mại là việc hủy phán quyết của trọng tài. Do đó, các chuyên gia cho rằng đây là vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu và làm rõ.
Ngày 29/11, Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với Tạp chí Đời sống và Pháp luật đã tổ chức Hội thảo Góp ý hoàn thiện Báo cáo rà soát Luật Trọng tài Thương mại.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cho biết, thời gian qua, việc giải quyết tranh chấp hợp đồng, kinh doanh thương mại bằng phương thức trọng tài, hòa giải thương mại, được Đảng, Nhà nước ta khuyến khích, bắt đầu từ Nghị quyết số 49 năm 2005 của Bộ Chính trị.
Cùng với đó, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra sâu rộng, gắn kết với nền kinh tế toàn cầu, quá trình liên doanh, liên kết, mở rộng hợp đồng trong và ngoài nước nên việc phát sinh ngày càng nhiều các quan hệ giao dịch thương mại. Tất yếu sẽ nảy sinh những vấn đề tranh chấp.
“Sự ra đời của trọng tài như một hệ quả tất yếu trong việc đa dạng hóa các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết tranh chấp”, ông Quyền khẳng định.
Trong 12 năm qua, số lượng trung tâm trọng tài và trọng tài viên ở nước ta đã có sự phát triển mạnh mẽ. Cụ thể, trên cả nước ghi nhận khoảng 700 trọng tài viên, trong đó có một số trọng tài viên là người nước ngoài. Nhiều trọng tài viên có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm trong các lĩnh vực hội nhập quốc tế như bảo hiểm, thương mại quốc tế, đầu tư nước ngoài,….
Về kết quả giải quyết, trong 10 năm (từ 2011-2020) các Trung tâm trọng tài đã giải quyết được 2.900 vụ tranh chấp. Không những số lượng vụ việc trọng tài thụ lý tăng lên mà các lĩnh vực tranh chấp ngày càng đa dạng, phong phú hơn.
Ông Nguyễn Văn Huệ, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội, Trưởng Ban Nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật, Hội Luật gia Việt Nam đánh giá, Luật Trọng tài Thương mại đã quán triệt tinh thần Nghị quyết số 49 năm 2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Bên cạnh đó, Luật Trọng tài Thương mại đã tiếp thu các tiêu chuẩn và thực tiễn pháp luật trọng tài quốc tế, thúc đẩy trọng tài trở thành một phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả.
Tuy nhiên, sau thời gian thi hành Luật, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật cũng bộc lộ những hạn chế nhất định như: thỏa thuận về trọng tài, quyền và nghĩa vụ của trọng tài, các quy định phán quyết của trọng tài, mối quan hệ giữa tòa án đối với trọng tài, thời hiệu khởi kiện,…Trong đó, vấn đề hủy phán quyết trọng tài đặc biệt được quan tâm.
Ông Huệ thông tin, Luật Trọng tài Thương mại đã đưa ra thuật ngữ “các nguyên tắc xử sự cơ bản có hiệu lực bao trùm đối với việc xây dựng và thực hiện pháp luật Việt Nam”, nhưng không có hướng dẫn bổ sung cụ thể. Vì vậy, quy định này có thể dẫn đến việc áp dụng tùy tiện, không thống nhất trong nhiều vụ việc, dẫn đến nguy cơ phán quyết của trọng tài bị hủy là rất cao.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, Ths. Nguyễn Thị Thùy Dung, Phó Chánh án Tòa án nhân dân TP. HCM đồng tình, trong báo cáo về căn cứ hủy phán quyết trọng tài, dù đã có quy định liên quan đến giải thích phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, nhưng cách giải thích không thực sự rõ ràng, còn mang tính dung chung.
Điều này dẫn đến tình trạng có nhiều cách hiểu khác nhau và áp dụng khác nhau. Bởi tranh chấp trong lĩnh vực kinh doanh thương mại có phạm vi rộng, liên quan đến nhiều hệ thống văn bản pháp luật khác nhau, như: Luật Thương mại, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán,... Do đó, sẽ rất khó cho việc xác định đâu là nguyên tắc cơ bản và đâu là nguyên tắc không cơ bản.
Vậy nên, bà Dung cho rằng, cần quy định dễ hiểu hơn, cụ thể hơn về các nguyên tắc cơ bản của luật pháp Việt Nam. Thời hiệu thi hành cũng vướng mắc khi cơ quan thi hành án thường có văn bản hỏi Tòa án liên quan đến thông tin yêu cầu hủy phán quyết trọng tài. Tuy nhiên, tòa án không có quy định nào trả lời những dạng văn bản này, dẫn đến mất thời gian của bên được thi hành.
Trong khi đó, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Trung tâm Trọng tài Thương mại Luật gia Việt Nam góp ý, có hàng chục luật quy định, song chúng ta chỉ cần sửa lại thành những nguyên tắc cơ bản của trọng tài thì sẽ phù hợp hơn.
Luật Trọng tài Thương mại, được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 17/6/2010, có hiệu lực ngày 01/01/2011 thay thế Pháp lệnh Trọng tài thương mại số 08/2003/PL-UBTVQH11.
Luật Trọng tài Thương mại đã quán triệt tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đó là: “Khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài; tòa án hỗ trợ bằng quyết định công nhận việc giải quyết đó”.