Hủy thầu cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn Quốc lộ 45 – Nghi Sơn
Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn vừa được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) hủy thầu với lí do doanh nghiệp trúng thầu không đáp ứng được yêu cầu hồ sơ mời thầu.
Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn dài 43km, đi qua địa phận tỉnh Thanh Hóa, được đầu tư theo hình thức PPP, tổng mức đầu tư khoảng 6.333 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước khoảng 2.033 tỷ đồng, còn lại là vốn của nhà đầu tư huy động.
Quyết định hủy thầu của Bộ GTVT nêu rõ lí do hồ sơ đề xuất kỹ thuật của nhà đầu tư không đáp ứng các yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Bộ GTVT yêu cầu Ban Quản lý dự án 2 có trách nhiệm tiếp thu, hoàn thiện các ý kiến thẩm định (nếu có), hoàn thiện các thủ tục (QLDA) có liên quan về việc hủy thầu lựa chọn nhà đầu tư và triển khai các bước tiếp theo đảm bảo đúng quy định pháp luật.
Trước đó, dự án Quốc lộ 45 - Nghi Sơn được gia hạn thời gian mời thầu do thời điểm đóng thầu 5/10/2020 dự án không có nhà đầu tư nộp hồ sơ. Kết thúc thời gian gia hạn đóng thầu lần thứ 2 vào ngày 12/10, Ban QLDA 2 nhận được 1 hồ sơ dự thầu của nhà đầu tư là liên danh Công ty CP Licogi16 - Công ty CP FECON - Công ty CP Đầu tư 468 - Công ty TNHH xây dựng Điền Phước - Công ty CP Hạ tầng và phát triển đô thị FECON.
Đây là dự án thứ 2 trong tổng số 5 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) phải hủy thầu. Trước đó GTVT đã phải hủy thầu dự án PPP đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu do không có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu.
Theo quy định, các dự án thành phần có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu, bên mời thầu được đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật, trình phê duyệt kết quả đánh giá đề xuất kỹ thuật; nhà đầu tư đạt điểm kỹ thuật theo yêu cầu sẽ được tiếp tục mở và đánh giá đề xuất tài chính thông qua phương pháp vốn góp nhà nước để đánh giá về tài chính - thương mại; các thông số khác như thời gian hoàn vốn, mức giá dịch vụ,... sẽ được xác định cố định.
Nhà đầu tư có đề xuất giá trị vốn góp nhà nước thấp nhất và không vượt giá trị vốn góp tối đa của nhà nước đã quy định trong hồ sơ mời thầu sẽ được xem xét đề nghị trúng thầu. Trên cơ sở kết quả đánh giá về tài chính, bên mời thầu trình phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư. Dự kiến hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư trong tháng 12/2020.
Theo yêu cầu tại Nghị quyết 20/2018 của Chính phủ, nhà đầu tư có thời gian tối đa 6 tháng (từ thời điểm ký kết hợp đồng) để huy động vốn tín dụng; trường hợp nhà đầu tư không huy động được vốn tín dụng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ hủy hợp đồng và tịch thu bảo đảm thực hiện hợp đồng.
Đối với dự án thành phần không có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu theo quy định tại Nghị quyết 52/2017 của Quốc hội, Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định việc chuyển đổi phương thức đầu tư.