Huyện Ba Vì: Tập trung phát triển kinh tế vùng dân tộc miền núi

Những năm qua, huyện Ba Vì đã tổ chức triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trên các lĩnh vực về công tác dân tộc.

Nhiều chương trình, dự án, kế hoạch được triển khai, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững cho đồng bào.

Khai thác tiềm năng, lợi thế

Huyện Ba Vì có 31 xã, thị trấn, trong đó có 7 xã miền núi (Minh Quang, Khánh Thượng, Ba Vì, Vân Hòa, Yên Bài, Tản Lĩnh, Ba Trại), với khoảng 28.000 đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 37,1%. Có mặt tại xã Ba Vì trong những ngày đầu tháng 9, phóng viên cảm nhận rõ nét sự “thay da đổi thịt” của địa phương xa trung tâm huyện này, khi những con đường đất trơn trượt, lầy lội vào mùa mưa đã được thay thế bằng đường bê tông sạch sẽ, khang trang.

Huyện Ba Vì quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Ảnh: Ngọc Tú

Huyện Ba Vì quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Ảnh: Ngọc Tú

Theo Bí thư Đảng ủy xã Ba Vì Bạch Hồng Nam, thực hiện Kế hoạch số 253/KH-UBND của UBND TP Hà Nội thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030, xã Ba Vì đã được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để nâng cấp cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Người dân được sử dụng điện lưới quốc gia ổn định. Xã Ba Vì cũng hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Là địa bàn có đông đồng bào dân tộc sinh sống, cùng với hỗ trợ của TP, huyện và sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, xã Yên Bài cũng đã sớm cán đích nông thôn mới, kinh tế - xã hội phát triển đồng bộ. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Yên Bài Nguyễn Văn Thành, trong những năm qua, Yên Bài đã tận dụng và khai thác tốt tiềm năng, nội lực của địa phương, đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả canh tác. Kết quả tự chấm điểm nông thôn mới nâng cao của xã đạt 3/19 tiêu chí, được 54,6/100 điểm.

“Hiện tại, các mô hình chăn nuôi bò sữa của xã đang phát triển mạnh, cho thu nhập khá. Bên cạnh đó, tận dụng tiềm năng sẵn có về du lịch, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn đã học hỏi thêm nghiệp vụ để phát triển du lịch cộng đồng” – ông Nguyễn Văn Thành chia sẻ.

Cùng với việc gìn giữ những bản sắc văn hóa của đồng bào vùng dân tộc thiểu số, chính quyền địa phương cũng tích cực vận động đồng bào bỏ dần các hủ tục lạc hậu, bài trừ tệ nạn, xây dựng đời sống văn hóa văn minh.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh

Cùng với Ba Vì, Yên Bài, các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số khác trên địa bàn huyện Ba Vì cũng tập trung phát triển nhiều mô hình kinh tế theo lợi thế, tiềm năng sẵn có ở địa phương như trồng mai trắng, nuôi ong tại Tản Lĩnh, phát triển làng nghề, điểm du lịch tại Vân Hòa, làm miến dong tại xã Minh Quang, làng nghề sản xuất, chế biến chè búp khô ở xã Ba Trại, làng nghề chế biến thuốc Nam tại xã Ba Vì…

Thu hẹp khoảng cách

Theo Trưởng phòng Dân tộc huyện Ba Vì Bùi Huy Giáp, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi là một nhiệm vụ trọng tâm của huyện. “Năm 2011, 7 xã miền núi có 2.693 hộ nghèo, chiếm 13,15%. Theo Quyết định 447/QĐ-UBDT ngày 19/9/2013 của Ủy ban Dân tộc, giai đoạn 2013 - 2015, huyện có 1 xã và 13 thôn đặc biệt khó khăn. Qua quá trình đầu tư, phát triển đến năm 2022 chỉ còn 7 xã Minh Quang, Khánh Thượng, Ba Vì, Vân Hòa, Yên Bài, Tản Lĩnh, Ba Trại thuộc khu vực I; không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn” – ông Bùi Huy Giáp nhấn mạnh.

Đặc biệt, sau 15 năm sáp nhập về Thủ đô Hà Nội, đồng bào dân tộc thiểu số huyện Ba Vì đã được quan tâm, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Sự phát triển của đa dạng các loại hình kinh tế đã và đang góp phần giúp giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho đồng bào các dân tộc tại 7 xã khu vực miền núi thuộc huyện Ba Vì. Thu nhập bình quân đầu người 7 xã miền núi là 50,1 triệu đồng/người/năm.

Huyện Ba Vì đã nỗ lực vươn lên, tạo thêm những bước chuyển mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc. Ảnh: Ngọc Tú

Huyện Ba Vì đã nỗ lực vươn lên, tạo thêm những bước chuyển mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc. Ảnh: Ngọc Tú

Trong đó, xã Tản Lĩnh có sự bứt phá về thu nhập bình quân đầu người năm 2022 là 55,2 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 2,55 lần so với năm 2008 (21,6 triệu đồng/người/năm). Đến nay, 7/7 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của huyện Ba Vì đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Xác định công tác dân tộc là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, Thành ủy Hà Nội đặc biệt quan tâm chỉ đạo thực hiện hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số... Trong những năm qua, TP đã đẩy mạnh đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt ưu tiên các xã khu vực nông thôn miền núi.

Hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ sản xuất và đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được đầu tư đồng bộ, 100% số xã có đường bê tông hóa, ô tô vào đến trung tâm xã. 100% trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố. Học sinh mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt trên 98%, học sinh trong độ tuổi học tiểu học đến trường đạt trên 97%, cấp THCS đạt trên 95%.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh khẳng định, công tác dân tộc trên địa bàn được thực hiện đồng bộ, kịp thời. Việc thực hiện các chính sách được công khai, dân chủ, khách quan, bảo đảm đúng mục đích, đúng đối tượng và thu hút được nhiều lực lượng xã hội tham gia.

Tuy nhiên, vẫn còn đó những khó khăn và hạn chế như một số bản sắc văn hóa của các dân tộc có nguy cơ dần bị mai một, chưa được kịp thời bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó, cán bộ làm công tác dân tộc còn thiếu, chưa bảo đảm biên chế. Đặc biệt, nguồn kinh phí hỗ trợ cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ chưa được quan tâm...

“Huyện Ba Vì sẽ tiếp tục đẩy chỉ đạo tổ chức thực hiện hiệu quả các nội dung tại Kế hoạch số 253/KH-UBND ngày 11/11/2021 của UBND TP Hà Nội về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Cùng với đó, chú trọng giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức thiết; thúc đẩy đào tạo nghề, giải quyết việc làm; huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển. Nâng cao hiệu quả và mở rộng vốn tín dụng ưu đãi đối với các dự án, hộ gia đình, cá nhân, tổ chức phát triển sản xuất, kinh doanh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi ” – ông Nguyễn Đức Anh nhấn mạnh.

Ngọc Tú

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/huyen-ba-vi-tap-trung-phat-trien-kinh-te-vung-dan-toc-mien-nui.html