Huyện Châu Thành cần có giải pháp hỗ trợ, phát triển sản xuất, kinh doanh đúng nghĩa, đúng chất

Sáng 27-12, Ban Thường vụ Huyện ủy Châu Thành, tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ huyện lần thứ 23 tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2024 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.

Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Dự hội nghị có Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Châu Thị Mỹ Phương.

Năm 2024, Huyện ủy xác định là năm có ý nghĩa rất quan trọng trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, nên công tác lãnh đạo, điều hành luôn bám sát Nghị quyết Đại hội, nghị quyết năm để lãnh đạo, chỉ đạo và tăng cường kiểm tra, đánh giá tiến độ, kết quả các chỉ tiêu nghị quyết đề ra.

Kết quả thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu. Trong đó, nổi bật so với chỉ tiêu nghị quyết, cơ cấu kinh tế theo giá trị sản xuất khu vực I tăng 1,5 lần và khu vực III tăng 4,6 lần. So với cùng kỳ trên địa bàn huyện, năm 2024, giá trị sản xuất tăng 6,95%, trong đó tăng trên các lĩnh vực nông nghiệp 3,07%, công nghiệp - xây dựng 7,09% và thương mại - dịch vụ 7,41%. Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp 7,2%, tổng mức bán lẻ hàng hóa - dịch vụ tăng 8,75%.

Thu ngân sách đạt nghị quyết đề ra và tăng cao (tăng 4,17%) so nhiều năm. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 160,31%. Huyện duy trì 100% xã, thị trấn đạt 10 tiêu chí quốc gia về y tế cơ sở. Quỹ Đền ơn đáp nghĩa vận động đạt 221,5% nghị quyết. Khó khăn, vướng mắc trong xây dựng nông thôn mới được tập trung tháo gỡ, góp phần đạt 3 xã nông thôn mới nâng cao, 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Đồng chí Châu Thị Mỹ Phương phát biểu tại hội nghị.

Đồng chí Châu Thị Mỹ Phương phát biểu tại hội nghị.

Nâng đến nay, huyện có 6 xã nông thôn mới nâng cao, 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế, đời sống xã hội được quan tâm đầu tư. Xây dựng cơ bản có nhiều chuyển biến so với các năm trước. Giải ngân vốn đầu tư công được tập trung triển khai quyết liệt.

Trong năm, nổi bật là công tác lãnh đạo, chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 và công tác quy hoạch trên địa bàn huyện được Ban Thường vụ Huyện ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy.

Huyện kịp thời cụ thể hóa và triển khai thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị, các văn bản hướng dẫn của Trung ương và Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác này. Công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ huyện và cơ sở thực hiện đảm bảo nội dung, tiến độ đề ra.

Tại hội nghị, đồng chí Châu Thị Mỹ Phương nhấn mạnh năm 2024 kết thúc, nhìn lại năm qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Châu Thành đồng tâm, nỗ lực thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024, mặc dù còn những khó khăn, hạn chế nhất định, nhưng nhìn chung tập thể đã hoàn thành đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu Nghị quyết năm 2024.

Theo đó, đồng chí Châu Thị Mỹ Phương nêu một số gợi ý thực hiện trong thời gian tới. Đối với công tác xây dựng Đảng: Thứ nhất, lãnh đạo công tác chuẩn bị Đại hội, trong đó có 2 vấn đề cần quan tâm, gồm: (1) Văn kiện cần tập trung đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, rút ra bài học kinh nghiệm, thực hiện tốt công tác dự báo, từ đó bổ sung một số nội dung mới, nhất là vấn đề lý luận kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, bám sát thực tiễn; xác định thuận lợi, điểm nghẽn, khâu đột phá để từ đó đưa ra giải pháp thực hiện.

(2) Nhân sự cần chú ý điều kiện, tiêu chuẩn, nhất là chú trọng đặc điểm, năng lực thực tế. Thứ hai, lãnh đạo thực hiện hiệu quả, đúng tiến độ việc sắp xếp bộ máy tinh, gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, nhất là tập trung phát huy năng lực, sở trường từng cán bộ, công chức. Tập trung xây dựng đề án sắp xếp cấp huyện là việc rất khẩn trương, với tinh thần “vừa chạy, vừa xếp hàng”. Đây là việc rất bức thiết, là thời điểm thuận lợi để chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Đồng thời, nghiên cứu kỹ các quy định của Trung ương, nghiên cứu pháp luật để thực hiện đúng. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý cần nâng cao hơn nữa tính năng động, chủ động, quyết tâm và thể hiện năng lực trong thực hiện nhiệm vụ.

Đối với công tác phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh: Thứ nhất, đánh giá cụ thể, nhất là đánh giá thực trạng kinh tế của huyện, từ đó có định hướng, giải pháp phát triển. Trong đó, cần tập trung cụ thể như: Cây trồng chủ lực của huyện, vùng trồng rau màu, hoạt động của các doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ; giải pháp hỗ trợ, phát triển sản xuất, kinh doanh đúng nghĩa, đúng chất; đầu ra cho các sản phẩm OCOP, giải pháp nâng cao hiệu suất.

Thứ hai, thực hiện tốt việc xóa nhà tạm, dột nát; phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan để tham mưu cấp ủy thực hiện. Đồng thời, rà soát để xây dựng, sửa chữa nhà cho gia đình chính sách, làm tốt công tác chính sách cho người có công; chú trọng xác định đúng đối tượng để kịp thời tham mưu xây dựng, sửa chữa.

Thứ ba, chú trọng đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là xác định công trình xây dựng cụ thể ưu tiên để tham mưu thực hiện; thu ngân sách đảm bảo thu đúng, thu đủ, tạo nguồn thu, giải pháp tạo nguồn thu mới.

Thứ tư, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác tổ chức các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân, chế độ, chính sách người có công, hỗ trợ gia đình chính sách, hộ nghèo vui xuân đón tết.

Cuối cùng, lãnh đạo quan tâm công tác tuyển quân, kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự, nhất là kế hoạch tấn công trấn áp tội phạm dịp tết, để người dân yên tâm, đón tết.

MINH MINH

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202412/huyen-chau-thanh-can-co-giai-phap-ho-tro-phat-trien-san-xuat-kinh-doanh-dung-nghia-dung-chat-1030710/