Huyện Chợ Gạo phấn đấu năm 2023 đạt 3 xã nông thôn mới nâng cao
Ngày 12-10, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh Tiền Giang do đồng chí Tạ Minh Tâm, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang làm Trưởng đoàn giám sát tiếp tục chương trình giám sát chuyên đề việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM), Chương trình Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 tại huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang.
Báo cáo tại buổi làm việc, lãnh đạo huyện Chợ Gạo cho biết, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các địa phương trong huyện đã tập trung cao, chỉ đạo xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, Chương trình Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; chủ động phối hợp giữa 2 chương trình này, tạo điều kiện thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đã đề ra. Chương trình đã đạt được những kết quả tương đối toàn diện, nổi bật, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng cải thiện và nâng cao.
Kết quả thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về NTM giai đoạn 2021 - 2025: Huyện Chợ Gạo có 18/18 xã được UBND tỉnh Tiền Giang công nhận xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (Bình Ninh, Mỹ Tịnh An, Phú Kiết, Trung Hòa, Tân Thuận Bình).
Từ tháng 7-2021 - 6-2023, huyện tập trung phấn đấu đảm bảo duy trì, giữ vững 18/18 xã đạt chuẩn xã NTM; tập trung xây dựng 5 xã NTM nâng cao, nâng đến nay có 5/18 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (xã Tân Thuận Bình, Phú Kiết, Trung Hòa, Bình Ninh và xã Mỹ Tịnh An); phấn đấu năm 2023 đạt 3 xã NTM nâng cao (Đăng Hưng Phước, Bình Phan và Hòa Định).
Đối với Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững, Huyện ủy, UBND huyện xác định giảm nghèo là mục tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Trong những năm qua, bên cạnh những nguồn vốn Trung ương, tỉnh, huyện vận động các doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, sự đồng thuận của người dân trên địa bàn huyện trong công tác giảm nghèo.
Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững được triển khai thực hiện đem lại hiệu quả thiết thực, đã giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo từ 4,08% (đầu năm 2016) xuống còn 1,25% (cuối năm 2022), dự kiến tổng số hộ nghèo đến cuối năm 2023 còn 1,02%. Huyện luôn được sự quan tâm của lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương với nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực.
Kế hoạch hộ thoát nghèo năm 2023 cho các xã, thị trấn thực hiện 120 hộ (tỉnh giao thoát nghèo năm 2023 là 100 hộ, dự kiến tổng số hộ nghèo đến cuối năm 2023 còn 552 hộ, tỷ lệ 1,02%).
Bên cạnh những kết quả đạt được, lãnh đạo địa phương này cũng cho biết, quá trình thực hiện 2 chương trình MTQG, huyện còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế như: Chương trình giảm nghèo hằng năm đều thực hiện một cách đồng bộ và có hiệu quả, nhưng chất lượng cuộc sống của đại đa số hộ nghèo chưa được nâng lên, còn đạt ở mức thấp; một số hộ vẫn còn khó khăn, nhất là đời sống kinh tế, việc làm... Số hộ thoát nghèo nhanh nhưng chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo cao. Ngân sách nhà nước dành cho chương trình rất hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu của các địa phương.
Bên cạnh đó, Bộ tiêu chí NTM các cấp có nhiều chỉ tiêu chưa sát với thực tiễn, yêu cầu đạt chuẩn cao hơn như: Hiện nay việc thực hiện Bộ tiêu chí mới về NTM và NTM nâng cao trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo gặp nhiều khó khăn, do có nhiều trường chưa đảm bảo đầy đủ các hạng mục về cơ sở vật chất theo quy định tại Thông tư số 13 ngày 27-5-2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trung học phổ thông có nhiều cấp học. Do các trường đã xây dựng trước khi Thông tư số 13 ngày 27-5-2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo được ban hành, nên còn thiếu nhiều hạng mục không đảm bảo đầy đủ theo quy định…
Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát, các đại biểu cùng lãnh đạo huyện đã thảo luận nguyên nhân dẫn đến những hạn chế còn tồn tại; đồng thời, đề nghị Đoàn ĐBQH tỉnh có kiến nghị về Trung ương tháo gỡ những khó khăn, hạn chế về mặt cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương thực hiện các chương trình MTQG tốt hơn trong thời gian tới.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Tạ Minh Tâm ghi nhận những kết quả huyện đã đạt được trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các chương trình MTQG, góp phần quan trọng trong thúc đẩy kinh tế - xã hội Tiền Giang ngày càng phát triển.
Đồng thời, ghi nhận các kiến nghị của địa phương và sẽ có ý kiến về cấp có thẩm quyền khắc phục tồn tại, hạn chế; điều chỉnh, xử lý những vướng mắc trong quá trình thực hiện; đề xuất giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả của các chương trình MTQG giai đoạn tiếp theo.