Huyện Đà Bắc cấp bách ứng phó với sạt lở, mưa lũ

Huyện Đà Bắc đang tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, cấp ủy, chính quyền địa phương rà soát, cấp bách triển khai các phương án, kịch bản ứng phó với diễn biến cực đoan của thời tiết, phòng chống mưa lũ, trượt sạt, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại, nhất là về người.

Huyện Đà Bắc phối hợp nhà thầu khẩn trương hoàn thiện, tu sửa các tuyến giao thông trên địa bàn.

Đợt mưa lớn trung tuần tháng 5 vừa qua đã gây thiệt hại cơ sở vật chất, sản xuất của huyện Đà Bắc khoảng 260 triệu đồng, tiếp tục xuất hiện nguy cơ trượt sạt ở nhiều khu vực trên địa bàn huyện. Theo lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện, mưa gió lớn đã khiến cây đổ vào 1 nhà dân xóm Tuổng Đồi, xã Mường Chiềng làm vỡ 10 tấm xi măng. Tại xóm Yên, xã Tân Minh có 1 hộ bị đất đá trượt làm hư hỏng toàn bộ bếp. Xã Đồng Ruộng có 1 nhà dân bị hư hỏng do nhà hàng xóm đang xây dựng bị đổ vào. Xã Toàn Sơn có 1 nhà bị đổ sập tường khoảng 10 m. Tại xã Tân Minh, đất, đá sạt lở làm 8 con lợn bị chết. Mưa bão gây hư hỏng 40 m rãnh thoát nước tại xóm Kìa, xã Đoàn Kết; cuốn trôi 20 m đường tránh tại cầu suối Chông, xã Đồng Ruộng; hỏng mố cầu xóm Cò Phày, xã Tân Minh…

Đà Bắc là huyện vùng cao, địa hình chia cắt, độ dốc cao, thường xuyên xảy ra trượt sạt, đá lở, đá lăn, lũ ống, lũ quét, đe dọa nghiêm trọng tính mạng, tài sản người dân. Trước tình hình thời tiết diễn biến cực đoan, khó lường, UBND huyện tập trung kiểm tra, rà soát các vị trí có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét trên địa bàn, triển khai phương án cụ thể, kịp thời thông báo tới hộ dân trong vùng nguy hiểm để chủ động phòng tránh.

Đồng chí Chủ tịch UBND huyện Lường Văn Thi cho biết: Qua rà soát, tại 17/17 xã, thị trấn của huyện có 83/122 thôn, bản còn các điểm nguy cơ cao về thiên tai, với 170 điểm có nguy cơ sạt lở đất, đá, lũ quét. Toàn huyện có khoảng 850 hộ nằm trong khu vực nguy cơ về thiên tai, trong đó có 630 hộ nằm trong khu vực nguy trượt sạt đất, đá; 190 hộ nằm trong khu vực có nguy cơ lũ ống, lũ quét. Đặc biệt, có 4 điểm có dân cư tập trung nhiều hồ tại các chòm xóm như: Bưa Xen, Cơi, Duốc (xã Nánh Nghê) với 74 hộ nằm trong khu vực đá lăn, lũ quét từ năm 2018, hiện còn những khối đá to treo lửng phía trên khu dân cư. Xóm Tuổng Bãi (xã Mường Chiềng) có 51 hộ dân nằm dưới điểm sụt lún từ năm 2016 và điểm lũ quét từ năm 2017. Tại xóm Rằng (xã Cao Sơn) còn 14 hộ nằm trong điểm sạt lở đất, lũ quét từ năm 2017. Xóm Riêng (xã Tú Lý) còn 12 hộ nằm trong điểm sạt lở đất từ mùa mưa bão năm 2016, hiện có vết nứt, sụt lún, điểm sụt trượt cao xuống khoảng 25 cm, rãnh rộng từ 25 - 30 cm, rất nguy hiểm. Trong khi chưa có kinh phí để di chuyển dân, UBND huyện đã chỉ đạo Ban chỉ huy PCTT&TKCN các cấp thường xuyên theo dõi sát diễn biến thời tiết, chỉ đạo UBND và BCH PCTT&TKCN cấp xã di chuyển người dân đến các khu trú, tránh, đến các điểm trường học, nhà văn hóa, bà con chòm xóm, người thân quen. Về lâu dài, cần tính toán phương án sắp xếp di chuyển dân ra khỏi các khu vực nguy cơ cao thiên tai, trượt sạt, lũ ống, lũ quét.

Huyện đang tích cực tuyên truyền nâng cao ý thức tự phòng tránh thiên tai cho người dân; chỉ đạo đối với các khu vực đã xảy ra hiện tượng sạt lở hoặc vùng mới di dân tái định cư, thường xuyên kiểm tra theo dõi các hiện tượng bất thường để chủ động phòng tránh, sẵn sàng di dời người dân đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản. Đặc biệt, tập trung tuyên truyền, khuyến cáo người dân không đi qua các ngầm tràn khi nước lũ dâng cao.

P.V

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/28/153955/huyen-da-bac-cap-bach-ung-pho-voi-sat-lo,-mua-lu.htm