Huyện Đà Bắc: Đảm bảo hoạt động khám, chữa bệnh sau sáp nhập xã

Thực hiện Nghị quyết số 830 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ tháng 2/2020, huyện Đà Bắc sáp nhập 6 xã thành 3 xã, hiện, trên địa bàn huyện có 17 xã, thị trấn. Theo đó, huyện cũng đã sáp nhập còn 17 trạm y tế (TYT). Tuy nhiên, để đảm bảo công tác khám, chữa bệnh (KCB) cho Nhân dân, huyện vẫn duy trì 20 cơ sở KCB.

Trạm y tế xã Tú Lý (Đà Bắc) duy trì 2 cơ sở khám, chữa bệnh, đảm bảo cho người dân tiếp cận với các dịch vụ y tế sau khi sáp nhập.

Huyện đã sáp nhập TYT Hào Lý, Tu Lý thành TYT xã Tú Lý; TYT Suối Nánh, Đồng Nghê thành TYT xã Nánh Nghê; TYT xã Mường Tuổng, Mường Chiềng thành TYT xã Mường Chiềng. Sau khi sáp nhập, Trung tâm Y tế huyện đã rà soát cán bộ và tiến hành sắp xếp đội ngũ cán bộ để không ảnh hưởng đến công tác KCB tại tuyến cơ sở. Đồng chí Trần Hồng Quân, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết: Sau sáp nhập, trạm Nánh Nghê có 2 bác sỹ, huyện đã điều chuyển 1 bác sỹ sang làm việc tại trạm Giáp Đắt, điều chuyển 1 bác sỹ từ trạm Tú Lý sang công tác tại xã Toàn Sơn, nhằm đảm bảo các TYT xã đều được bố trí bác sỹ và đầy đủ các chức danh đối với tuyến y tế cơ sở. Hiện, huyện còn 2 trạm là trạm Yên Hòa, Đồng Chum chưa có bác sỹ. Ngoài ra, đối với chức danh chuyên trách dân số, sau khi sáp nhập, huyện đang đề nghị đối với cán bộ có bằng chuyên môn về y thì chuyển ngạch sang chuyên môn y.

Là huyện miền núi, địa bàn chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, việc tiếp cận với các dịch vụ y tế là hết sức cần thiết đối với người dân. Chính vì vậy, để các hoạt động KCB được đảm bảo sau khi sáp nhập TYT, Trung tâm Y tế huyện vẫn duy trì 20 cơ sở KCB, đảm bảo 100% cơ sở hoạt động khám bệnh và thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh, quản lý thai sản, tiêm chủng mở rộng... Đồng chí Trần Hồng Quân cho biết thêm: Do đặc thù của của huyện giao thông khó khăn, địa bàn rộng nên sau sáp nhập, huyện chủ trương giữ nguyên nguồn nhân lực, duy trì hoạt động KCB như thông thường. Bởi thực tế như các xã Nánh Nghê, Mường Chiềng, từ xóm đến trung tâm xã cách xa đến 20 - 30 km đường đồi quanh co, nếu không duy trì hoạt động KCB tại các cơ sở cũ thì rất vất vả cho người dân khi đi khám bệnh. Bên cạnh đó, huyện cũng chỉ đạo tất cả các TYT làm tốt công tác quản lý thai sản, theo dõi, kiểm tra định kỳ đối với thai phụ, để có kế hoạch xử lý, tránh xảy ra sự cố. Tổ chức tiêm chủng theo điểm để giảm bớt khó khăn cho người dân khi đi lại. Ngoài ra, huyện đã thành lập đội phẫu thuật ngoại viên để kịp thời can thiệp khi có sự cố y khoa xảy ra trên địa bàn. Áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động điều hành, KCB và tập huấn cho đội ngũ y, bác sỹ tuyến cơ sở. Hiện, Trung tâm Y tế huyện đã triển khai hệ thống trực tuyến đến TYT xã tại 13/17 trạm, đang tiến hành hoàn thiện 4 trạm còn lại. Với việc tích hợp vừa họp trực tuyến, hướng dẫn chuyên môn, khám bệnh trực tuyến, Trung tâm Y tế huyện kỳ vọng có thể kết nối gần hơn với các địa bàn vùng sâu, vùng xa, chỉ đạo, hỗ trợ chuyên môn cho tuyến y tế cơ sở.

Nhờ những giải pháp tích cực, hoạt động KCB tuyến cơ sở trên địa bàn huyện Đà Bắc được duy trì đảm bảo. Tuy nhiên, theo bác sỹ Trần Hồng Quân, Bộ Y tế đã dự thảo về định mức cho cán bộ y tế tuyến cơ sở dựa theo dân số và chỉ tính đến TYT, mà không có cơ sở KCB. Nếu thực hiện theo quy định này sẽ rất khó khăn đối với huyện vùng cao như Đà Bắc. Bởi đặc thù là một huyện miền núi, địa bàn rộng, chia cắt, nếu thu gọn lại về 1 TYT thì người dân sẽ rất vất vả để tiếp cận với các dịch vụ y tế, bản thân cán bộ y tế cũng sẽ rất khó khăn để quản lý, nắm bắt địa bàn, cũng như triển khai các chương trình phòng, chống dịch bệnh, tiêm chủng mở rộng. Vì vậy, ngành Y tế cần xem xét đến đặc thù đối với khu vực miền núi.

Đinh Hòa

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/219/146260/huyen-da-bac-dam-bao-hoat-dong-kham,-chua-benh-sau-sap-nhap-xa.htm