Với 6 xã, thị trấn tái phát và xuất hiện dịch bệnh, huyện Đà Bắc trở thành ổ dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) lớn nhất tỉnh. Hiện, ngành chức năng của huyện tích cực triển khai các biện pháp để dập dịch, ngăn dịch lây lan.
Sau khi tiêu hủy lợn mắc bệnh, người dân xóm Ngù, xã Hiền Lương (Đà Bắc) phun tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi để diệt mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi. Từ ngày 17/4 đến nay, trên địa bàn huyện, DTLCP đã xảy ra tại 13 xóm thuộc 6 xã, thị trấn, gồm: Tú Lý, Hiền Lương, Vầy Nưa, Cao Sơn, Trung Thành và thị trấn Đà Bắc. Theo đó, đã có 529 con lợn mắc bệnh phải tiêu hủy, với trọng lượng hơn 16 tấn. Đồng chí Bùi Khắc Vinh, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Khi dịch bệnh xảy ra, UBND các xã, thị trấn có dịch đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh, thực hiện khoanh vùng, bao vây, dập dịch. Tổ chức tiêu hủy 100% lợn trong ổ dịch, cấm buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn ra, vào khu vực ổ dịch; rắc vôi bột đường làng, ngõ xóm và hệ thống cống, rãnh thoát nước. Lập chốt kiểm dịch động vật tạm thời tại các trục đường làng, ngõ xóm, phun tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi gia súc, gia cầm trong phạm vi 10 km xung quanh ổ dịch. Khuyến cáo người chăn nuôi thực hiện các biện pháp chăn nuôi đảm an toàn sinh học. Tuy nhiên, theo đồng chí Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện, hiện nay, công tác phòng, chống DTLCP trên địa bàn gặp nhiều khó khăn. Bởi con đường lây lan dịch bệnh đa dạng, công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ đối với tuyến huyện chưa thực hiện được do việc sáp nhập các trạm chuyên môn. Đặc biệt là người chăn nuôi còn chủ quan, không khai báo đến cơ quan chức năng kịp thời khi phát hiện lợn bị bệnh. Thậm chí, đã có hộ chăn nuôi lợn ở xã Hiền Lương khi phát hiện lợn mắc bệnh không những không báo cáo cơ quan chức năng, mà còn thuê người nơi khác đến chữa bệnh cho lợn. Trong khi người này không hề có chứng chỉ hành nghề về thú y. Đến nay, trên thế giới vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc chữa bệnh cho lợn mắc DTLCP. Thín và Tham là 2 xóm của xã Vầy Nưa xuất hiện DTLCP vào cuối tháng 4 vừa qua. Từ khi xuất hiện dịch đến nay, 128 con lợn của 15 hộ dân mắc bệnh phải tiêu hủy, tổng trọng lượng hơn 4 tấn. Trong số lợn mắc bệnh có cả giống lợn bản địa giá trị kinh tế cao. Ghi nhận thực tế tại xóm Thín, nhiều chuồng nuôi của bà con đã trống lợn, một số hộ có lợn lo lắng khi lợn có biểu hiện mắc bệnh. Gia đình ông Lý Văn Bẩy là 1 trong 14 hộ nuôi lợn của xóm Thín có lợn bị mắc DTLCP và phải tiêu hủy. Ông Bẩy cho biết: Nhiều năm nay, gia đình tôi duy trì nuôi lợn lai bản địa, những năm trước, lợn nuôi đều khỏe mạnh, chỉ năm nay mới mắc bệnh. Ban đầu phát hiện lợn bị ốm, gia đình tôi đã rắc vôi bột và phun tiêu độc, khử trùng, nhưng mỗi ngày lợn lại chết 1 con. Sau đó, qua tuyên truyền của cơ quan chức năng, chúng tôi biết lợn mắc DTLCP sẽ không chữa được, nên phải tiêu hủy để ngăn dịch không lây lan. Đồng chí Lương Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y đánh giá: Năm nay, mặc dù địa bàn xuất hiện, tái xuất hiện DTLCP và số lượng lợn mắc bệnh giảm so với năm 2019, nhưng tính chất cũng khá phức tạp, vì xảy ra lẻ tẻ ở các hộ chăn nuôi, nên việc dập dịch gặp nhiều khó khăn. Trước hết, các hộ chăn nuôi phải nêu cao ý thức trong phòng, chống DTLCP. Khi lợn mắc bệnh phải báo cho cơ quan chức năng, không giết mổ hoặc tìm cách tiêu thụ lợn bệnh, vì như vậy sẽ khiến dịch bệnh lây lan. Viết Đào