Huyện Đakrông chú trọng phát triển cây dược liệu

Thời gian qua, huyện Đakrông khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ở địa phương phát triển diện tích cây dược liệu, tạo nguồn nguyên liệu phục vụ cho thị trường ngành dược. Nhờ sản xuất cây dược liệu, nhiều người dân có nguồn thu nhập ổn định, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường và đảm bảo an sinh xã hội.

Chuẩn bị giống cây dược liệu tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hùng Anh - Ảnh: M.L

Huyện Đakrông có lợi thế diện tích rừng tự nhiên lớn, hệ sinh thái, nguồn thực vật đa dạng và phong phú đã tạo điều kiện tốt cho nhiều loài cây dược liệu có giá trị y học, kinh tế cao như: bảy lá một hoa, sa nhân, sâm cau, khôi tía, thiên niên kiện, đẳng sâm, quế, chè vằng, cà gai leo, an xoa, nghệ, quế... phát triển.

Hằng năm, người dân thu hái được khoảng 100 tấn cây dược liệu tươi các loại, chủ yếu bán thô, không qua chế biến.

Để bảo vệ, khai thác hiệu quả cây dược liệu trên địa bàn, UBND huyện đã ban hành đề án phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030 và đề án phát triển trồng cây dược liệu giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 trình HĐND huyện thông qua để tổ chức thực hiện.

Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu, tổ chức thực hiện hiệu quả các nội dung đề án; ưu tiên nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia, các nguồn vốn khác đầu tư phát triển trồng rừng, cây dược liệu.

Giai đoạn 2015 - 2020, trên địa bàn huyện đã trồng được 300 ha cây dược liệu (ba kích tím, sả, húng quế, sâm Bố Chính...) tại các xã Hướng Hiệp, Tà Rụt, Triệu Nguyên, Ba Lòng, hiện nay một số loài cây đã cho thu hoạch. Qua đánh giá, các mô hình trồng sâm Bố Chính, sả… bước đầu đem lại nguồn thu nhập cho người dân.

Riêng dự án trồng cây dược liệu sâm Bố Chính, năm 2019, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đầu tư trồng thử nghiệm 2 ha trên địa bàn xã Triệu Nguyên, thời gian trồng khoảng tháng 11/2019.

Kết quả bước đầu cho thấy hiệu quả kinh tế cao, năng suất trung bình đạt từ 19 tạ/ha trở lên, giá bán 150.000 - 200.000 đồng/kg, được Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Tuệ Lâm (tỉnh Quảng Bình) thu mua, bao tiêu sản phẩm tại nơi sản xuất. Sâm Bố Chính là cây trồng mới trên địa bàn huyện đem lại nguồn thu nhập cao gấp 2,5 - 3 lần so với các loại cây trồng ngắn ngày khác.

Đối với dự án trồng cây ba kích tím, triển khai thực hiện 189,4 ha trên địa bàn các xã Tà Rụt, Hướng Hiệp thuộc Dự án Hành lang Bảo tồn đa dạng sinh học tiểu vùng Mê Kông mở rộng giai đoạn 2 (BCC).

Diện tích cây ba kích tím được trồng dưới tán rừng tự nhiên đã giao cho cộng đồng dân cư thôn A Đăng, xã Tà Rụt, Gia Giả (Kreng cũ) xã Hướng Hiệp. Giai đoạn trồng từ năm thứ nhất đến năm thứ ba, cây sinh trưởng tốt, từ năm thứ ba cây lớn đã tạo củ.

Hiện tại kích thước củ có đường kính khoảng 1,5 - 2 cm (3,5 tuổi), dự kiến vài năm tới sẽ khai thác, bán ra thị trường; mức giá ba kích tím trên thị trường hiện nay khoảng 300.000 - 350.000 đồng/kg.

Dự án trồng cây sả triển khai tại các xã Ba Lòng, Triệu Nguyên, Hướng Hiệp. Cây sả rất phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu trên địa bàn, là loại cây được trồng từ lâu, người dân sử dụng trong gia đình, một phần trao đổi, mua bán.

Cây sả cho năng suất khoảng 15 - 17 tấn/ha (bao gồm cả lá, thân), 1 tấn chưng cất tinh dầu thu khoảng 4 lít, giá 1 lít tinh dầu khoảng 800.000 đồng, mỗi năm doanh thu khoảng 48 - 54 triệu đồng/ha. Dự án cây quế triển khai thực hiện mô hình trồng thử nghiệm tại xã Hướng Hiệp, nơi có điều kiện tự nhiên về thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp.

Nhờ sự quan tâm của UBND tỉnh, các sở, ngành, UBND huyện đã nỗ lực xây dựng, định hướng phát triển các sản phẩm thế mạnh của địa phương, xây dựng các sản phẩm chất lượng, đạt chứng nhận sản phẩm OCOP. Đến nay, huyện Đakrông có 3 sản phẩm về dược liệu của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hùng Anh sản xuất được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, bao gồm trà thất tiên thảo (4 sao), trà trinh nữ (3 sao), trà diệp thảo đan (3 sao).

Đến nay, trên địa bàn huyện có 3 hợp tác xã nông nghiệp nhưng chỉ có 1 hợp tác xã nông nghiệp (chiếm 33,3%) tham gia liên kết với 20 hộ kinh doanh (cửa hàng bán lẻ), 5 doanh nghiệp trong sản xuất, thu hoạch chế biến và tiêu thụ sản phẩm dược liệu. Các sản phẩm từ cây dược liệu ngày càng được hoàn thiện hơn về mẫu mã, chất lượng sản phẩm.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông Lê Đại Lợi cho biết: “Thời gian tới, huyện tiếp tục khai thác tối đa tiềm năng về đất đai, lao động, tay nghề để mở rộng diện tích, đưa cây dược liệu trở thành một trong những sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực của huyện, kết nối với sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Phát triển dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra các sản phẩm dược liệu có thương hiệu đủ sức cạnh tranh trên thị trường, gắn sản xuất nguyên liệu với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng vùng trồng dược liệu gắn với cơ sở chế biến, cơ cấu sản phẩm đa dạng, bảo đảm an toàn và chất lượng, khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu thị trường dược liệu trong và ngoài tỉnh, hướng tới xuất khẩu.

Thu hút các nhà đầu tư phát triển các cơ sở sản xuất, chế biến dược liệu, thuốc và thực phẩm chức năng. Xây dựng các mô hình khép kín từ ươm, trồng, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ cây dược liệu.

Gắn phát triển dược liệu với phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô, sử dụng các bài thuốc cổ truyền gắn với du lịch sinh thái cộng đồng”.

Minh Long

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/huyen-dakrong-chu-trong-phat-trien-cay-duoc-lieu/175855.htm