Huyện Đakrông đa dạng các hình thức hỗ trợ nông dân

Với nhiều hoạt động thiết thực, Hội Nông dân huyện Đakrông đã đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ nông dân, tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên, nông dân tiếp cận các nguồn vốn, khoa học kĩ thuật, chính sách phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Đối với những hội viên nông dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, hội cũng đã có cách làm hay, sáng tạo nhằm hỗ trợ, động viên các hội viên nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

 Hội Nông dân xã Hướng Hiệp tặng gạo cho các hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn (ảnh do Hội Nông dân xã Hướng Hiệp cung cấp)

Hội Nông dân xã Hướng Hiệp tặng gạo cho các hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn (ảnh do Hội Nông dân xã Hướng Hiệp cung cấp)

Tháng 4/2019, mô hình “Hũ gạo tình thương nông dân” được Hội Nông dân huyện Đakrông phát động thực hiện điểm tại xã Hướng Hiệp với mục đích phát huy tinh thần “Tương thân tương ái”, gắn kết yêu thương, giúp đỡ hội viên, con em hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn, người già cô đơn, người tàn tật và trẻ mồ côi trên địa bàn vươn lên trong cuộc sống. Sau 3 tháng triển khai, “Hũ gạo tình thương nông dân” đã phát huy hiệu quả trong hỗ trợ, động viên kịp thời những hội viên nông dân gặp khó khăn tại địa phương. Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đakrông Nguyễn Như Thặng cho biết: “Ngay trong lễ phát động, Hội Nông dân huyện đã vận động, quyên góp được trên 1,6 tấn gạo. Từ nguồn này, hội trích để tặng gạo cho các hội viên, con em hội viên nông dân, người già neo đơn, người tàn tật và trẻ mồ côi trên địa bàn xã Hướng Hiệp. Số gạo còn lại hội đã phân về cho các chi hội nông dân tại các thôn, động viên các chi hội tiếp tục quyên góp gạo để giúp đỡ những người khó khăn”. Thực hiện mô hình “Hũ gạo tình thương nông dân” đã góp phần nhân lên nghĩa cử cao đẹp, tinh thần nhân ái trong cộng đồng của người dân, hỗ trợ, động viên kịp thời các hội viên nông dân khó khăn tại xã Hướng Hiệp.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Hướng Hiệp Hồ Văn Sơn cho biết thêm: “Trên cơ sở huyện phát động xây dựng mô hình điểm tại xã, chúng tôi đã triển khai xây dựng mô hình “Hũ gạo tình thương nông dân” đến 6/10 chi hội trên địa bàn. Sau hơn 3 tháng phát động, Hội Nông dân xã đã quyên góp thêm 170 kg gạo. Từ số gạo tiết kiệm được, Hội Nông dân phối hợp với các hội, đoàn thể khác tiến hành họp, bình xét những hội viên nông dân thực sự khó khăn để trao gạo tình thương, bình quân mỗi hộ được nhận 10 kg gạo/lần. Được nhận gạo hỗ trợ, những hội viên nông dân khó khăn rất phấn khởi; các hộ tham gia mô hình “Hũ gạo tình thương nông dân” cũng rất hài lòng khi thấy mình đã đóng góp một phần gạo để chia sẻ với những hộ khó khăn hơn. Là một xã miền núi, đời sống của các hội viên nông dân còn gặp nhiều khó khăn, do vậy trên cơ sở hiệu quả bước đầu mà mô hình “Hũ gạo tình thương nông dân” đem lại, Hội Nông dân xã phấn đấu đến cuối năm 2019 sẽ phát động thực hiện mô hình này đến 100% chi hội, để ngày càng có thêm nhiều hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ, giúp đỡ”. Đối với Hội Nông dân huyện Đakrông, với kết quả đạt được khi thực hiện điểm mô hình “Hũ gạo tình thương nông dân” tại xã Hướng Hiệp, sắp tới hội tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm và nhân rộng tại các xã còn lại trên địa bàn huyện. Theo dự kiến hội sẽ chọn thời gian vào tháng 3 hằng năm (thời điểm giáp hạt) để triển khai mô hình “Hũ gạo tình thương nông dân” tại các xã, qua đó huy động sự hỗ trợ gạo từ cộng đồng để giúp đỡ những hội viên nông dân, các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, thiếu đói. Riêng cụm xã Tà Rụt- A Ngo, hội sẽ phối hợp với đồn biên phòng đóng trên địa bàn để phát động xây dựng “Hũ gạo tình thương nông dân”.

Hội Nông dân huyện Đakrông có 6.388 hội viên với 103 chi hội, trong đó số hội viên là đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô chiếm khoảng 70%. Với mục đích hỗ trợ, giúp đỡ các hội viên nông dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống, những năm qua, Hội Nông dân huyện luôn quan tâm, thực hiện tốt các hoạt động, triển khai nhiều cách làm hay để hỗ trợ các hội viên, nông dân. Bên cạnh xây dựng mô hình “Hũ gạo tình thương nông dân”, Hội Nông dân các cấp trong huyện đã tổ chức phát động phong trào hộ nông dân đăng kí danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Đồng thời, hội cũng tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT cho các hộ hội viên, nông dân vay vốn phát triển sản xuất, chăn nuôi. Để giúp các hội viên sử dụng nguồn vốn vay có hiệu quả, Hội Nông dân các cấp trong huyện còn chủ động phối hợp với Trạm Khuyến nông, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện… tổ chức nhiều lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kĩ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi cho hội viên như tập huấn trồng rau sạch, kĩ thuật trồng lúa nước, nuôi bò nhốt chuồng… Với sự vào cuộc tích cực của Hội Nông dân trong việc hỗ trợ nông dân đã góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống của hội viên, từ đó trên địa bàn xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả. Toàn huyện hiện có 401 mô hình kinh tế hiệu quả, tiêu biểu như các mô hình nuôi gà thả vườn tại xã Triệu Nguyên với quy mô gần 1.000 con gà; trồng dưa hấu tại thôn Phú Thành, xã Mò Ó và Triệu Nguyên; trồng đậu xanh, lạc gần 100 ha tại xã Ba Lòng…Để tạo điều kiện cho sản phẩm của các hội viên, nông dân tiêu thụ thuận lợi trên thị trường, Hội Nông dân huyện phối hợp xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp như dưa hấu Phú Thành (xã Mò Ó), rượu men lá (xã Pa Nang), rượu cần Nhất Hùng (xã Hướng Hiệp), lạc (xã Ba Lòng)…

Nhờ đa dạng các hình thức hỗ trợ nông dân đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hội, đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Lệ Như

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=140992