Huyện Đakrông nỗ lực cải thiện đời sống cho người dân khu vực khó khăn
Trong những năm qua, huyện Đakrông đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao đời sống KT-XH cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) khu vực vùng sâu, vùng xa và biên giới, tác động tích cực đến đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Cụ thể, tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều trên địa bàn huyện duy trì mức giảm trên 5%/năm. Đến cuối năm 2023, tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều toàn huyện còn 38,04%, hộ cận nghèo chiếm tỉ lệ 11,10%.
Hằng năm, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện xây dựng các nghị quyết, chương trình hành động, chương trình trọng tâm để chỉ đạo về phát triển KTXH; xây dựng các chương trình kiểm tra, giám sát thực hiện các chính sách trên địa bàn. Trên cơ sở đó, huyện đã chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, cơ quan, đoàn thể triển khai quán triệt sâu rộng các chính sách về phát triển KT - XH gắn với công tác dân tộc, chính sách dân tộc, chủ động bám sát địa bàn; theo dõi, nắm bắt tình hình địa phương, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS; từng bước nâng cao hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, nâng cao hiệu quả, trách nhiệm của các cấp trong thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc tại địa phương.
Qua thực tế cho thấy, việc thực hiện các chương trình, chính sách, dự án đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi đưa lại hiệu quả rõ nét, trong đó các chương trình như: Chương trình Giảm nghèo nhanh và bền vững; xây dựng nông thôn mới; phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi có tác động tốt nhất trong phát triển KTXH và xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Trong giai đoạn 2019-2023, bằng nhiều nguồn vốn của các chương trình, dự án, huyện đã đầu tư xây dựng 176 công trình, trong đó tập trung chủ yếu là các công trình giao thông nông thôn tại các xã đặc biệt khó khăn, tạo thuận lợi cho việc đi lại và thông thương hàng hóa các thôn, bản, vùng biên giới. Tiểu dự án Nâng cao năng lực cộng đồng và cán bộ cơ sở tổ chức 19 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ xã, thôn, bản, người có uy tín với khoảng 800 lượt người tham gia.
Chương trình Phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2023 đã thực hiện hỗ trợ cho 47 hộ thiếu đất ở, 247 hộ làm nhà ở, 715 hộ phân tán thiếu nước sinh hoạt, 126 hộ chuyển đổi nghề do thiếu đất sản xuất. Nâng cấp, sửa chữa các công trình nước sinh hoạt tập trung. Thực hiện bố trí xen ghép và ổn định tại chỗ dân cư xã Tà Rụt với 51 hộ và bố trí định canh, định cư tập trung cho 4 xã trên địa bàn huyện.
Xác định công tác cán bộ ở miền núi là một bộ phận quan trọng trong chính sách dân tộc, từ năm 2019 đến nay, huyện đã phối hợp thực hiện đào tạo 2 lớp sơ cấp chính trị với 134 học viên, trung cấp chính trị 2 lớp với 139 học viên, tổ chức 5 lớp đào tạo tiếng Brũ - Vân Kiều cho 249 học viên. Tính đến nay, tổng số cán bộ, công chức, viên chức toàn huyện có 1.584 người, tăng 11,31% so với năm 2019. Trong đó, cán bộ, công chức, viên chức người đồng bào DTTS 524 người, chiếm 33,05%, tăng 25,96% so với năm 2019. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã có những chuyển biến tích cực so với năm 2019.
Chủ tịch UBND huyện Đakrông Thái Ngọc Châu cho biết: “Công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc đã huy động được nguồn lực của trung ương, địa phương, các tổ chức cá nhân, góp phần thay đổi cơ bản, toàn diện bộ mặt cơ sở hạ tầng nông thôn miền núi, là động lực thúc đẩy sự phát triển KT-XH trên địa bàn.
Tuy nhiên, đối với một huyện nghèo như Đakrông thì vẫn còn nhiều khó khăn. Huyện Đakrông có xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng còn thiếu đồng bộ, nhu cầu đầu tư của huyện hằng năm tương đối lớn nhưng nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng đủ. Tỉ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn vẫn còn cao...”.
Quyết tâm vượt qua những khó khăn, thời gian tới, huyện Đakrông tiếp tục tăng cường hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của các cấp chính quyền; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân. Khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng phát triển KT-XH toàn diện, bền vững, rút ngắn khoảng cách phát triển với miền xuôi.
Phát triển nguồn nhân lực, tăng cường cả về số lượng lẫn chất lượng đội ngũ cán bộ là người DTTS. Củng cố hệ thống chính trị cơ sở, giữ vững khối đại đoàn kết các dân tộc, đảm bảo ổn định tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh.