Huyện Đầm Hà (Quảng Ninh) làm đê hơn trăm tỷ rồi bỏ không?

Tuyến đê này thuộc huyện Đầm Hà, theo Phó Chủ tịch UBND huyện, mục đích làm tuyến đê để tạo các ao nuôi thủy sản bên trong.

Tuyến đê bao dài 3.590m, rộng 6,7m, mặt đê đổ cấp phối đá dăm, mái đê phía biển gia cố bằng đá hộc. Ảnh: Minh Cương

Tuyến đê bao dài 3.590m, rộng 6,7m, mặt đê đổ cấp phối đá dăm, mái đê phía biển gia cố bằng đá hộc. Ảnh: Minh Cương

Tuyến đê này dài gần 3,6km thuộc Dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về thủy sản tại huyện Đầm Hà (Quảng Ninh) được đầu tư 125 tỷ đồng đã hoàn thành 3 năm nay, nhưng đang bị bỏ không.

3,6km đê vây rừng ngập mặn

Từ năm 2018, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có quyết định phê duyệt dự án hạ tầng nói trên, trong đó yêu cầu xác định rõ diện tích từng loại cần giải phóng, diện tích cần trồng rừng thay thế.

Ngày 26/11/2019, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh có quyết định phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công - dự toán xây dựng dự án hạ tầng. Tổng mức đầu tư 125 tỷ đồng, trong đó 105 tỷ đồng để xây đê vây rừng ngập mặn, còn lại khoảng 20 tỷ đồng không nằm trong chi phí xây dựng, được phân bổ như sau: Hơn 1,7 tỷ đồng chi phí quản lý dự án; Hơn 6,3 tỷ đồng chi phí tư vấn đầu tư xây dựng; Hơn 8,2 tỷ đồng chi phí khác; Chi phí dự phòng 3,6 tỷ đồng.

Tuyến đê bao dài 3.590m, rộng 6,7m, cao trình đê +4,7m. Mặt đê đổ cấp phối đá dăm, mái đê phía biển gia cố bằng đá hộc lát khay lót đá dăm, phía dưới lót vải lọc địa kỹ thuật. Toàn tuyến đê có 3 cống cấp thoát nước.

Công trình là dự án nhóm B, thuộc nhóm đê điều cấp V, có thể chịu được bão cấp 9, có tổng mức đầu tư là 125 tỷ đồng từ ngân sách, do UBND huyện Đầm Hà làm chủ đầu tư.

Sở NN&PTNT Quảng Ninh cũng nêu rõ, khu vực này có khoảng 127ha rừng ngập mặn, 33,8ha rừng trồng, 4,35ha đất không có rừng và 13,47ha đất mặt nước…

Sở NN&PTNT Quảng Ninh đề nghị UBND huyện Đầm Hà có trách nhiệm chỉ đạo phối hợp rà soát ranh giới dự án, đánh giá rõ từng loại rừng để chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định của pháp luật.

Thế nhưng, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, nhất là rừng ngập mặn theo yêu cầu tại quyết định của Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh chưa được hoàn thiện thì UBND huyện Đầm Hà đã cho triển khai đầu tư dự án tuyến đê trên. Dự án được thi công từ năm 2019 và hoàn thành năm 2021.

Thời gian gần đây, nhiều người dân xã Tân Lập và Đầm Hà, huyện Đầm Hà phản ánh: Nhiều diện tích rừng ngập mặn trong và phụ cận dự án, là nơi sinh trưởng của nhiều loại hải sản quý, tạo sinh kế cho người dân địa phương đang có nguy cơ bị xâm hại nghiêm trọng.

Phía trong tuyến đê bao, do lưu lượng nước biển vào hạn chế lại bị bồi lắng bởi đất đá từ phía đồi, những dòng nước ngọt từ phía trong đưa ra đã khiến nhiều héc ta rừng ngập mặn đang bị uy hiếp, một số khu vực đã có hiện tượng cây chết khô.

Còn ở phía ngoài đê bao, nhiều diện tích rừng ngập mặn vùng phụ cận cũng đang bị tác động tiêu cực. Dù dự án đã hoàn thành từ lâu, nhưng nhiều mét khối bùn, đất đã không được thanh thải.

Hậu quả là chất thải trong quá trình xây dựng để lại này đã bị thủy triều cuốn trôi tràn vào thảm rừng ngập mặn, làm hạn chế sinh trưởng của cây.

Lý giải về việc này, đại diện BQLDA đầu tư xây dựng huyện Đầm Hà cho biết, quá trình thi công, do yếu tố địa hình phức tạp nên phải thiết kế bệ phản áp để chống lún, xô đẩy thân đê. Sau khi dự án hoàn thành, nhà thầu phải tiến hành thanh thải theo quy định. Tuy nhiên, do không có hướng, tuyến lắp đặt thiết bị, nên còn một lượng chất thải không thể thu dọn hết.

Tuyến đê bao có chiều dài 3.590m, có hình chữ U quây bên trong là 127ha rừng ngập mặn đang bị uy hiếp. Ảnh: Minh Cương

Tuyến đê bao có chiều dài 3.590m, có hình chữ U quây bên trong là 127ha rừng ngập mặn đang bị uy hiếp. Ảnh: Minh Cương

Nhiều vị trí ở rừng ngập mặn xuất hiện cây chết khô. Ảnh: Minh Cương

Nhiều vị trí ở rừng ngập mặn xuất hiện cây chết khô. Ảnh: Minh Cương

Chưa phát huy được hiệu quả

Kể từ khi dự án hạ tầng trăm tỷ nói trên hoàn thành vào năm 2021 đến nay chưa phát huy được hiệu quả mong đợi. Dự án hạ tầng này nhằm thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh về thủy sản tại huyện Đầm Hà, nhanh chóng trở thành trung tâm khoa học – công nghệ; tạo ra công nghệ cao phục vụ ngành công nghiệp tôm của tỉnh Quảng Ninh cũng như vùng Đồng bằng sông Hồng...

Thế nhưng những kỳ vọng về nông nghiệp công nghệ cao thủy sản vẫn chỉ “nằm trên giấy”. Suốt 3 năm qua không có một nhà đầu tư, doanh nghiệp nào vào triển khai hoạt động sản xuất tại đây.

Lãnh đạo BQLDA đầu tư xây dựng huyện Đầm Hà cho biết, ngay sau khi có các quyết định của HĐND, UBND tỉnh về đầu tư dự án hạ tầng, UBND huyện đã phối hợp rà soát, đánh giá hiện trạng các loại đất, rừng để xây dựng phương án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chuyển mục đích sử dụng.

Hiện nay, phần diện tích đất rừng sản xuất đã được cấp có thẩm quyền của tỉnh và địa phương thông qua. Đối với diện tích rừng ngập mặn đã được hoàn thiện hồ sơ gửi tới các bộ, ngành Trung ương để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chuyển đổi mục đích.

Còn việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng ngập mặn được triển khai song song với quá trình đầu tư dự án đê bao, tuy nhiên, quy trình thực hiện phải qua nhiều bộ, ngành Trung ương nên chưa xong.

Theo lãnh đạo BQLDA đầu tư xây dựng huyện Đầm Hà, dự án này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tỉnh Quảng Ninh nói chung, huyện Đầm Hà nói riêng. Chính vì vậy, địa phương rất mong muốn cấp có thẩm quyền sớm cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng rừng ngập mặn để hoàn thiện dự án hạ tầng, từ đó thu hút các nhà đầu tư thứ cấp.

Theo ông Trần Anh Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Đầm Hà, thời điểm đó dự án chưa có trong quy hoạch về nông nghiệp chất lượng cao nên phải thực hiện lại đề án để phù hợp với quy hoạch chung của UBND tỉnh Quảng Ninh, sau đó trình Bộ NN&PTNT phê duyệt.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đầm Hà, mục đích làm tuyến đê để tạo các ao nuôi thủy sản bên trong. Tuy nhiên, khi dự án đang triển khai thì có quy định phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng nên việc tạo các ao nuôi tạm thời dừng lại.

Minh Cương

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/huyen-dam-ha-quang-ninh-lam-de-hon-tram-ty-roi-bo-khong-post675104.html