Huyện Điện Biên áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa
ĐBP - Diện tích sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, nông dân thiếu vốn đầu tư thiết bị, máy móc… là những khó khăn, vướng mắc trong áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất lúa ở huyện Điện Biên. Khắc phục những hạn chế trên, huyện Điện Biên đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp, như: dồn điền đổi thửa, hình thành các vùng sản xuất tập trung, hỗ trợ nông dân mua máy móc, thiết bị… từng bước nâng cao dần tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa trên địa bàn huyện.
Nông dân xã Thanh An, huyện Điện Biên sử dụng máy tuốt lúa để giải phóng sức lao động.
Đánh giá về hiện trạng đồng ruộng trên địa bàn huyện Điện Biên hiện nay cho thấy, toàn huyện có gần 17.900 hộ dân sản xuất lúa gạo, với tổng số trên 102.000 thửa ruộng (bình quân mỗi hộ có 5,7 thửa). Mỗi thửa có diện tích trung bình hơn 527m2, nhiều thửa có diện tích chỉ từ 200 – 300m2, thậm chí ít hơn. Diện tích thửa ruộng manh mún, nhỏ lẻ, phân tán không đồng đều trong một khu đồng, khiến việc đưa máy móc, thiết bị vào ruộng để làm đất, gieo cấy, thu hoạch gặp nhiều khó khăn… Trước thực trạng trên, xác định dồn điền đổi thửa là một trong những giải pháp căn cơ nhằm tạo vùng sản xuất tập trung, đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa, tháng 9/2018, UBND huyện Ðiện Biên ban hành Kế hoạch số 1437/KH-UBND về việc thí điểm dồn điền đổi thửa đất sản xuất tại 2 xã: Thanh Hưng và Thanh Yên.
Ông Nguyễn Hồng Thắng, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên, cho biết: Dù là chương trình mới, lần đầu triển khai, chưa có chính sách cụ thể của tỉnh, song nhờ vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách, chú trọng công tác tuyên truyền, vận động về chủ trương, lợi ích của việc dồn điền đổi thửa nên các dự án được triển khai khá thuận lợi. Ðặc biệt, việc triển khai dồn điền đổi thửa đều dựa trên cơ sở nhu cầu, nguyện vọng của người dân, phát huy tính dân chủ thông qua các cuộc họp dân để người dân được tham gia, góp ý vào các công đoạn của dự án; tất cả các kế hoạch, phương án, dự toán kinh phí… đều được công khai, minh bạch nên nhận được sự đồng thuận cao của người dân. Trong giai đoạn 2018 – 2020, huyện Điện Biên đã thuận lợi thực hiện thí điểm dồn điền đổi thửa với diện tích trên 59ha. Sau khi triển khai, mỗi hộ chỉ còn 1 đến 2 thửa ruộng với diện tích từ 700m2 trở lên, thuận lợi cho việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, xây dựng cánh đồng lớn.
Trước khi dồn điển đổi thửa, gia đình anh Lò Văn Hưng, thôn 10A, bản Phú Yên, xã Thanh Yên có 7 thửa ruộng với tổng diện tích gần 2.500m2. Các thửa ruộng có diện tích nhỏ lẻ, có thửa chỉ rộng hơn 50m2, lại cách xa nhau khiến việc chăm sóc, thu hoạch, nhất là việc đưa máy móc, thiết bị vào đồng ruộng còn hạn chế. Bởi vậy, khi có chủ trương dồn điền đổi thửa, gia đình anh Hưng là một trong những hộ tiên phong hưởng ứng. Anh Hưng chia sẻ: Quá trình thực hiện dự án, gia đình tôi phải đối ứng gần 7 triệu đồng để cải tạo mặt bằng, xây dựng đường, kênh mương nội đồng và tham gia thêm 3 ngày công. Sau khi dồn điền đổi thửa, gia đình tôi còn 2 thửa, diện tích mỗi thửa trên 1.200m2. Hiện nay 100% diện tích ruộng đã được cơ giới hóa ở tất cả các khâu từ làm đất, gieo cấy đến thu hoạch; năng suất, sản lượng lúa tăng từ 10 - 15% so với trước.
Thực tế cho thấy, trong sản xuất lúa trên địa bàn huyện hiện nay, nếu tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa ở khâu làm đất và thu hoạch chiếm tỷ lệ cao (làm đất gần 93%, thu hoạch khoảng 67%) thì trong khâu gieo cấy vẫn còn khá khiêm tốn, khoảng 6%. Do đó, cùng với dồn điền đổi thửa, hình thành các vùng sản xuất tập trung, việc đầu tư thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất cũng là giải pháp được huyện chú trọng chỉ đạo triển khai. Từ vụ mùa năm 2018, huyện Điện Biên đã khuyến khích người dân thay đổi phương pháp xuống giống từ gieo sạ sang cấy bằng máy với chính sách hỗ trợ 50% kinh phí mua máy cấy kéo tay; hỗ trợ tập huấn kỹ thuật sử dụng máy, làm mạ. Tính đến thời điểm hiện tại, huyện đã hỗ trợ tổng số 81 máy cấy lúa, chủ yếu ở xã Thanh Xương, với 51 máy.
Là một trong những HTX luôn tiên phong trong áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, đây là năm thứ 4 HTX Dịch vụ kinh doanh tổng hợp nông, lâm nghiệp xã Thanh Xương triển khai sử dụng máy cấy trong sản xuất lúa. Ông Lò Văn Bun, Chủ nhiệm HTX cho biết: Việc sử dụng máy cấy giảm tỷ lệ lúa lẫn từ 80 - 90% so với gieo sạ, chi phí sản xuất giảm từ 20% - 25%, lãi thuần chênh lệch trên 10 triệu đồng/ha so với ruộng gieo sạ. Công lao động bình quân giảm 20%. Hơn nữa, mạ cấy bằng máy ít bị ảnh hưởng của điều kiện thời tiết, phòng chống rét hiệu quả; khoảng cách giữa cây với cây, hàng với hàng thưa nên thuận lợi trong quá trình chăm sóc; lúa sinh trưởng và phát triển đồng đều nên chất lượng hạt gạo được nâng lên đáng kể. Đến nay, HTX có 50% diện tích sản xuất lúa (tương đương 150ha) sử dụng máy cấy gắn động cơ trong khâu cấy lúa.
Với mục tiêu đến năm 2022 toàn huyện có 500ha/vụ cấy lúa bằng máy và đến năm 2025 có 1.500ha/vụ. Vụ Đông xuân 2021 – 2022, huyện Điện Biên tiếp tục có chủ trương hỗ trợ kinh phí mua máy cấy lúa kéo tay có gắn động cơ cho nông dân. Cụ thể, đối với tổ chức, cá nhân có tham gia liên kết sản xuất, xây dựng cánh đồng lớn, dồn điền đổi thửa được hỗ trợ 50% giá trị mua máy (không quá 10 triệu đồng/máy); còn với tổ chức, cá nhân không tham gia các chương trình trên sẽ được hỗ trợ 30% giá trị mua máy (không quá 5 triệu đồng/máy).
Chú trọng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đến nay tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất lúa trên địa bàn huyện Điện Biên đạt 70%, riêng vùng lòng chảo đạt 90%. Toàn huyện có trên 335 máy cày, máy phay các loại; 81 máy cấy; gần 1.900 bình phun thuốc động cơ; 25 máy gặt đập liên hợp; 36 máy gặt loại nhỏ, gần 300 máy tuốt lúa… Theo tính toán của nông dân và cán bộ chuyên môn, diện tích lúa được sản xuất theo mô hình cơ giới hóa đồng bộ vừa tiết kiệm được chi phí đầu vào từ 3-5 triệu đồng/ha, vừa tiết kiệm được thời gian, năng suất cũng tăng lên từ 10-15% so với cách làm truyền thống. Điều này, không chỉ góp phần giải bài toán về giảm sức lao động thủ công, các khoản chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng hệ số sử dụng đất, mà còn góp phần tạo ra sự chuyển dịch về cơ cấu cây trồng, cơ cấu lao động để huyện Điện Biên thực hiện thắng lợi Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên địa bàn.