Huyện Đông Anh: Khởi công 4 dự án Cụm công nghiệp

Kinhtedothi – Ngày 5/9, UBND huyện Đông Anh (TP Hà Nội) đã tổ chức Lễ khởi công – động thổ nhóm dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật 4 Cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn huyện gồm: Thiết Bình, Liên Hà 2, Dục Tú, Thụy Lâm.

Tới dự buổi lễ có Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền; đại diện lãnh đạo các sở, ngành TP Hà Nội, Huyện ủy – UBND huyện Đông Anh, lãnh đạo và đông đảo Nhân dân 4 xã: Vân Hà, Liên Hà, Dục Tú, Thụy Lâm. Buổi lễ được tổ chức tại CCN Thiết Bình (xã Vân Hà) và trực tuyến ở điểm cầu các xã.

Quang cảnh buổi lễ khởi công.

Quang cảnh buổi lễ khởi công.

Thế mạnh làng nghề

Phát biểu khai mạc buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng cho biết, theo quy hoạch chung phát triển Thủ đô Hà Nội, Đông Anh được định hướng trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao khu vực phía Bắc của Thủ đô. Hiện tại, trên địa bàn huyện đã có 1 KCN và 4 CCN đang hoạt động sản xuất kinh doanh, đóng góp lớn, ổn định nguồn thu cho sự phát triển kinh tế - xã hội của TP và huyện; đồng thời tạo nhiều việc làm cho người lao động địa phương và khu vực lân cận.

Đông Anh cũng là vùng đất có nhiều làng nghề, làng nghề truyền thống đã được TP công nhận; sản phẩm từ các làng nghề truyền thống ngày càng khẳng định được uy tín, xây dựng được thương hiệu, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của thị trường trong và ngoài huyện, góp phần thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng phát biểu khai mạc.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng phát biểu khai mạc.

“Nhằm tạo không gian, mở rộng và thúc đẩy phát triển các KCN, CCN với mục tiêu cụ thể hóa Quy hoạch phát triển các CCN trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020, có xét đến năm 2030 đã được UBND TP phê duyệt tại Quyết định số 1292/2018/QĐ-UBND. Huyện ủy, UBND huyện Đông Anh đã xác định công tác đầu tư, xây dựng 4 CCN trong năm 2023 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng hàng đầu, nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy chuyển dịch lao động, cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa” – ông Nguyễn Anh Dũng cho hay.

Theo quyết định của UBND TP Hà Nội, CCN Thiết Bình có diện tích khoảng 20,98ha, tổng mức vốn đầu tư 491,7 tỷ đồng. Ngành nghề hoạt động chủ yếu: chế biến gỗ, mộc dân dụng, chạm khắc mỹ nghệ, sơn mài...; CCN Liên Hà 2, diện tích 21,99 ha, tổng mức vốn đầu tư 426,776 tỷ đồng, tập trung thu hút sản xuất chế biến gỗ, mộc dân dụng, trạm khắc mỹ nghệ, sơn mài, các ngành nghề sản xuất, kinh doanh khác theo hướng công nghiệp sạch, phù hợp với Quy hoạch phát triển CCN TP Hà Nội đến năm 2020.

Quy hoạch phân khu chức năng, bao gồm: Khu nhà máy, nhà kho; Khu hành chính, dịch vụ; Khu cảnh quan cây xanh; Khu hạ tầng kỹ thuật. Chủ đầu tư của cả 2 Cụm công nghiệp Thiết Bình và Liên Hà 2 là Công ty CP Phát triển Đầu tư xây dựng Việt Nam (Vinadic) - thành viên của Tập đoàn Amaccao.

Với lịch sử gần 30 năm xây dựng và phát triển, hiện sở hữu 5 cụm công nghiệp, 16 nhà máy hiện đại và 25 công ty thành viên hoạt động trong các lĩnh vực: năng lượng và môi trường, sản xuất công nghiệp, bất động sản, giáo dục và đào tạo, thi công xây dựng... Đến nay, đã trở thành Tập đoàn Đầu tư – Tập đoàn Công nghiệp – Tập đoàn Xây dựng có tốc độ phát triển nhanh, bền vững hàng đầu tại Việt Nam.

Phó Chủ tịch Tập đoàn Amacao Tô Nhật cam kết sớm hoàn thiện đầu tư hạ tầng để dự án đi vào hoạt động.

Phó Chủ tịch Tập đoàn Amacao Tô Nhật cam kết sớm hoàn thiện đầu tư hạ tầng để dự án đi vào hoạt động.

Bên cạnh CCN Thiết Bình và Liên Hà 2, CCN Dục Tú, có diện tích 15ha, tổng vốn đầu tư 336,78 tỷ đồng; CCN Thụy Lâm, diện tích 17ha, được khởi công trong dịp này cũng tập trung thu hút doanh nghiệp sản xuất chế biến gỗ, mộc dân dụng, trạm khắc mỹ nghệ, sơn mài... các ngành nghề sản xuất, kinh doanh khác theo hướng công nghiệp sạch, phù hợp với Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp TP Hà Nội đến năm 2020.

Tập trung hỗ trợ chủ đầu tư

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân huyện Đông Anh, các sở, ban, ngành TP, đặc biệt là của chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kĩ thuật các CCN và hộ dân có đất canh tác đã ủng hộ công tác giải phóng mặt bằng để có thể tổ chức triển khai thi công.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại buổi lễ.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại buổi lễ.

Phó Chủ tịch UBND TP cho biết, căn cứ Kế hoạch số 97/2023 của UBND TP, xác định nhiệm vụ trọng tâm là đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật đối với 43 CCN đã có quyết định thành lập để sớm hoàn thành, thu hút đầu tư, tạo mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh, tạo bước đột phá trong phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề của TP.

Trên địa bàn huyện Đông Anh hiện có 1 KCN Thăng Long, 4 CCN, 5 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận và nhiều làng nghề đang tiếp tục được huyện quan tâm đề xuất TP công nhận theo quy định với hàng nghìn cơ sở đang hoạt động sản xuất, kinh doanh. Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã đóng góp đáng kể vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn huyện theo hướng tích cực.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng (thứ 5 từ trái sang) cùng các đại biểu làm lễ khởi công - động thổ 4 CCN tại huyện Đông Anh.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng (thứ 5 từ trái sang) cùng các đại biểu làm lễ khởi công - động thổ 4 CCN tại huyện Đông Anh.

Theo Quy hoạch phát triển CCN TP Hà Nội đến năm 2020, xét đến năm 2030, trên địa bàn huyện được quy hoạch 8 CCN với diện tích hơn 200 ha. Đến nay đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đi vào hoạt động 4 CCN; UBND TP đã ban hành quyết định thành lập 4 CCN còn lại, tập trung thu hút các doanh nghiệp và phát triển làng nghề đảm bảo sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, không để phát sinh các vấn đề về ô nhiễm môi trường.

“Để đẩy nhanh tiến độ sớm hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật và thu hút nhà đầu tư thứ phát vào sản xuất kinh doanh, tôi đề nghị các Sở, ban, ngành TP, huyện Đông Anh và các xã tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Chủ đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án; Các chủ đầu tư cần tập trung toàn bộ nguồn lực để nhanh chóng hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đưa dự án vào hoạt động để phát huy tối đa hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của huyện Đông Anh nói riêng và TP Hà Nội nói chung” – Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.

Doãn Thành

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/huyen-dong-anh-khoi-cong-4-du-an-cum-cong-nghiep.html