Huyện Duyên Hải: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác giảm nghèo
Trong suốt quá trình xây dựng quê hương, Đảng bộ huyện Duyên Hải luôn xác định, công tác giảm nghèo bền vững có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện, xem giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội
Đường nông thôn ấp Sóc Ruộng, xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải vừa được xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng. Ảnh: BTV
Đặc biệt, ngày 23/6/2021, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030; Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 08/10/2021 của Tỉnh ủy Trà Vinh về công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 như một luồng gió mới giúp cho sự lãnh đạo thực hiện công tác giảm nghèo của Đảng bộ huyện Duyên Hải đạt nhiều thành tựu.
Để đưa nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy Trà Vinh về công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 đi vào cuộc sống, Ban Thường vụ Huyện ủy Duyên Hải ban hành Kế hoạch số 37, ngày 08/12/2021 về thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 08/10/2021 của Tỉnh ủy về công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030.
Theo đó, Ban Thường vụ Huyện ủy huyện Duyên Hải yêu cầu các Đảng bộ xã, thị trấn, các chi Đảng ủy trực thuộc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt các nội dung như: các cấp ủy, tổ chức Đảng trong huyện tập trung quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp về công tác giảm nghèo bền vững theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư và Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 08/10/2021 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030. Xem đây là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng và là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân tại địa phương.
Công tác giảm nghèo bền vững là nội dung quan trọng trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị; lấy mức độ hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo hằng năm là một trong các chỉ tiêu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu, cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị
Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia và phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa huyện Duyên Hải giai đoạn 2021 - 2025 được thành lập do Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban. Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện làm thành viên; thành lập các Bộ phận giúp việc thực hiện các Chương trình; đồng thời, ban hành Quy chế làm việc và phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban Chỉ đạo phụ trách, theo dõi, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương trong việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn. Có 06/06 xã đã thành lập Ban Quản lý, 53/53 ấp thành lập Ban Phát triển theo quy định.
Ông Trần Văn Quận, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đôn Châu cho biết: thực hiện Kế hoạch số 37 của Ban thường vụ Huyện ủy Duyên Hải, Đảng bộ xã Đôn Châu tập trung công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác giảm nghèo; phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần "tương thân, tương ái" của dân tộc ta đối với người nghèo.
Đặc biệt, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội vận động phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau", khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên "thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no" của người dân và cộng đồng; chỉ đạo triển khai thực hiện một số chương trình, hỗ trợ xây dựng, nhân rộng và phát triển một số mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả phù hợp với người nghèo, nhất là ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo.
Lồng ghép, tích hợp hiệu quả nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là Chương trình giải quyết việc làm; phân bổ nguồn lực phù hợp hơn để thực hiện hiệu quả công tác giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân; ưu tiên nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để giảm nghèo nhanh và bền vững. Nhờ vậy, từ năm 2022 đến nay, xã Đôn Châu có 50 hộ thoát nghèo. Hiện tỷ lệ hộ nghèo xã Đôn Châu còn dưới 2,4%.
Chúng tôi đến thăm xã Ngũ Lạc, địa phương có 64% dân số là đồng bào dân tộc Khmer, kinh tế của địa phương chủ yếu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi, một phần tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ.
Bà Kiên Thị Sa Mít, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: phát triển kinh tế nông thôn, thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo đa chiều, về nhà ở dân cư luôn là những tiêu chí khó. Đó cũng là nhiệm vụ được Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong xã nỗ lực phấn đấu. Đặc biệt, sự tác động của 03 Chương trình mục tiêu quốc gia gồm: Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025 và Chương trình XDNTM đã góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn dưới 2,5%.
Ông Thạch Lâm, Trưởng Ban nhân dân ấp Sóc Ruộng, xã Ngũ Lạc cho biết: qua các dự án từ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo của ấp được hỗ trợ nhà ở, học nghề, giải quyết việc làm, các mô hình sản xuất tạo sinh kế, đã vươn lên trong cuộc sống, từ đó tạo được niềm tin của người dân với Đảng và Nhà nước.
Ông Võ Văn Tý, ở ấp Cái Cối, xã Long Vĩnh chia sẻ: trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, vừa qua, được Nhà nước hỗ trợ căn nhà và dự án sinh kế nuôi bò sinh sản. Nhờ đó, mà kinh tế gia đình từng bước ổn định, tôi quyết định làm đơn xin thoát nghèo. Tuy kinh tế chưa phải dư giả nhưng gia đình sẵn sàng đóng góp vào quỹ an sinh ở địa phương với mong muốn chia sẻ phần nào khó khăn với bà con nghèo.
Ông Khưu Thanh Hùng, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Duyên Hải cho biết: năm 2022, khi bắt tay vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022 - 2025, qua rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều, huyện có 453 hộ nghèo chiếm 2,21% so với tổng số hộ, 554 hộ cận nghèo chiếm 2,7%.
Sau 03 năm thực hiện Chương trình mục quốc gia tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, cùng với tác động từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM. Qua đó, huyện Duyên Hải kết hợp, lồng ghép, huy động được nhiều nguồn vốn cho công tác giảm nghèo.
Trong quá trình thực hiện được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận, đoàn thể, sự vào cuộc quyết liệt của các thành viên Ban Chỉ đạo và nhất là sự nỗ lực vươn lên của người nghèo, nhờ đó công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện thời gian qua đạt nhiều kết quả quan trọng. Đến cuối năm 2023, hộ nghèo chỉ còn 2,2% và hộ cận nghèo chiếm 1,1%. Huyện Duyên Hải đề ra nhiệm vụ trong năm 2024, là giảm thêm 0,31% hộ nghèo, trong đó, giảm nghèo trong vùng đồng bào Khmer 0,57%.
Để thực hiện thành công công tác giảm nghèo, Huyện ủy huyện Duyên Hải đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp, trong đó tập trung tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện công tác giảm nghèo bền vững. Các cấp ủy, tổ chức Đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác giảm nghèo bền vững. Xác định giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Tiếp tục xác định công tác giảm nghèo bền vững là chỉ tiêu, nhiệm vụ trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, 2025 - 2030 của các ngành, địa phương, đơn vị. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn và chức năng, nhiệm vụ để thực hiện công tác giảm nghèo, an sinh xã hội.
Song song đó, thì cần phải tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác giảm nghèo. Tiếp tục thực hiện các chính sách giảm nghèo gắn với mục tiêu phát triển bền vững. Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho công tác giảm nghèo. Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giảm nghèo. Thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm theo chuẩn nghèo đa chiều, đảm bảo công tác điều tra, rà soát có kết quả chính xác, công khai, minh bạch, đúng thực trạng.
Thực hiện phương pháp quản lý hồ sơ hộ nghèo, hộ cận nghèo hợp lý, khoa học, xây dựng cơ sở dữ liệu về giảm nghèo làm cơ sở đề xuất các giải pháp hỗ trợ phù hợp, tránh trông chờ thụ hưởng chính sách, tăng cường cung cấp thông tin, giúp người nghèo kết nối với thị trường lao động, thị trường hàng hóa... Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách về hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ tiền điện, miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập… cho thành viên hộ nghèo, cận nghèo. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách, chương trình, đề án giảm nghèo và an sinh xã hội trên địa bàn.
Với mục tiêu là thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.