Huyện Gia Lâm: Đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển toàn diện

Chiều 27/6, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội và Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Gia Lâm tổ chức hội nghị trao đổi kinh nghiệm, thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn huyện Gia Lâm giai đoạn 2024 - 2025.

Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Việt Hùng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội; Nguyễn Tiến Sỹ - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội; Nguyễn Việt Hà - Bí thư Huyện ủy Gia Lâm; Đặng Thị Huyền - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm; Trương Văn Học - Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm, cùng các lãnh đạo phòng, ban của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội và huyện Gia Lâm.

Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Tại hội nghị, ông Trương Văn Học - Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm báo cáo tóm tắt tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số 6 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn huyện Gia Lâm.

Xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, từ đó UBND huyện đã ban hành các kế hoạch về thực hiện chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn huyện và Kế hoạch số 137/KH-UBND về thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”, qua đó tạo được những chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn.

6 tháng đầu năm 2024, huyện Gia Lâm đạt kết quả nổi bật trên 3 trụ cột của chuyển đổi số. Về phát triển chính quyền số: Bộ phận Một cửa huyện và 22 xã, thị trấn được trang bị đầy đủ thiết bị công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu tại Quyết định số 4379/QĐ-UBND ngày 10/11/2022 của UBND thành phố Hà Nội.

Người dân được hướng dẫn thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả TTHC tại xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm.

Người dân được hướng dẫn thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả TTHC tại xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm.

Huyện tiếp tục triển khai Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của Thành phố tại địa chỉ: https://dichvucong.hanoi.gov.vn/; kết quả, 6 tháng đầu năm 2024, toàn huyện tiếp nhận và giải quyết 53.100 hồ sơ TTHC, tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến đạt 17,6%; 100% hồ sơ TTHC được trả kết quả đúng hạn/trước hạn; 100% hồ sơ được tiếp nhận, giải quyết và số hóa hồ sơ trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC thành phố Hà Nội.

100% cơ quan chuyên môn, đơn vị, UBND xã, thị trấn; cán bộ công chức, viên chức từ huyện đến xã, thị trấn được cấp chữ ký số chuyên dùng chính phủ. Các phòng chuyên môn thuộc huyện và UBND các xã, thị trấn trên địa bàn ứng dụng chữ ký số trong việc trao đổi văn bản điện tử qua hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp.

Về phát triển kinh tế số: Huyện chủ động, tích cực triển khai hoạt động chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội. Nổi bật như: Huyện rà soát các vị trí đề xuất lắp đặt 24 bảng tin điện tử công cộng trên địa bàn, đảm bảo chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra (cấp huyện có bảng tin điện tử cỡ lớn; mỗi xã, thị trấn có 1 bảng điện tử công cộng) phục vụ công tác tuyên truyền thông tin thiết yếu tới người dân và các nhiệm vụ chính trị của đất nước, Thủ đô và huyện.

Đoàn công tác của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội tham quan, khảo sát tại Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả TTHC tại xã Đặng Xá.

Đoàn công tác của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội tham quan, khảo sát tại Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả TTHC tại xã Đặng Xá.

UBND huyện đang giao các phòng, đơn vị chuyên môn hoàn thiện báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Dự án “Số hóa các di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng và các di sản văn hóa phi vật thể, làng nghề truyền thống; xây dựng hệ thống thông tin giới thiệu quảng bá phát triển du lịch trên địa bàn huyện Gia Lâm”.

Lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo, huyện triển khai xây dựng phần mềm Thư viện điện tử - Thư viện số tại các nhà trường; thực hiện thí điểm học bạ số tại 100% các trường Tiểu học và Trung học cơ sở; xây dựng kho học liệu điện tử, thiết bị dạy học số cập nhật lên website nhà trường.

Lĩnh vực Y tế: Huyện triển khai thí điểm hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử trên địa bàn huyện theo chỉ đạo của UBND Thành phố tại Kế hoạch số 269/KH-UBND ngày 13/11/2023. Tỷ lệ người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử, công tác liên thông, cập nhật dữ liệu, chuẩn hóa hồ sơ trên địa bàn huyện cơ bản đã hoàn thành. Tính đến ngày 31/5, dân số được tạo hồ sơ là 265.249 người; tỷ lệ dân số trưởng thành dùng dịch vụ tư vấn sức khỏe trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa đạt 43,5%.

Đoàn công tác của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội tham quan, khảo sát tại Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả TTHC tại thị trấn Trâu Quỳ.

Đoàn công tác của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội tham quan, khảo sát tại Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả TTHC tại thị trấn Trâu Quỳ.

Cùng đó, UBND huyện đã triển khai kế hoạch về việc thực hiện đợt cao điểm truyền thông về chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt trên địa bàn huyện.

Trong đợt triển khai, huyện Gia Lâm có tổng số 9.481 đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội bao gồm người có công và người hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội, toàn huyện Gia Lâm đã có 9.424/9.431 đối tượng thực hiện đăng ký tài khoản, đạt 99,93% đối tượng đủ điều kiện mở tài khoản.

Về phát triển xã hội số: Huyện Gia Lâm triển khai chính sách hỗ trợ khách hàng giảm giá máy điện thoại di dộng 4G, giá cước đối với các đối tượng là hộ cận nghèo chưa có điện thoại thông minh và cấp chữ ký số cho người dân trên địa bàn huyện Gia Lâm năm 2024 theo hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội .

Huyện phối hợp với Công ty Cổ phần FPT triển khai chính sách hỗ trợ lắp đặt wifi miễn phí tại 20 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng trên địa bàn huyện. Năm 2024 ưu tiên triển khai tại 3 xã xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu (Đa Tốn, Văn Đức và Yên Thường), xã Dương Xá - xã triển khai mô hình xã nông thôn mới thông minh của Thành phố và Tổ dân phố Thành Trung - nơi triển khai mô hình “Tổ dân phố Số” trên địa bàn huyện.

Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả TTHC trên địa bàn huyện Gia Lâm được trang bị đầy đủ thiết bị công nghệ thông tin.

Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả TTHC trên địa bàn huyện Gia Lâm được trang bị đầy đủ thiết bị công nghệ thông tin.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, trong đó tập trung vào một số nhóm vấn đề: Hạ tầng viễn thông; dịch vụ công, phần mềm giải quyết thủ tục hành chính, đường truyền internet; nguồn nhân lực công nghệ thông tin…. nhằm đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ chuyển đổi số trong thời gian tới.

Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng ghi nhận, đánh giá cao những kết quả huyện Gia Lâm đã đạt được trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số.

Huyện Gia Lâm là nơi có nhiều các di tích văn hóa, địa chỉ du lịch, tiêu biểu như làng gốm Bát Tràng, cùng đó huyện có nhiều sản phẩm OCOP…, với những lợi thế đó, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội mong muốn thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục triển khai thực hiện tốt hơn nữa các nhiệm vụ chuyển đổi số, trong đó huyện tập trung tạo dựng một số cơ sở dữ liệu cấp huyện, đầu tư nhiều hơn về hạ tầng số, công nghệ số, cung cấp cho người dân, du khách những tiện ích số... để hỗ trợ du khách và quản lý các doanh nghiệp trên địa bàn thuận lợi hơn. Từ những lợi thế của địa phương, huyện lựa chọn, đẩy mạnh chuyển đổi số với các hoạt động phù hợp với địa phương, để Gia Lâm viết lên câu chuyện chuyển đổi số của riêng mình.

Cùng ngày, Đoàn công tác của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã đến tham quan, khảo sát tại Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả TTHC tại xã Đặng Xá; thị trấn Trâu Quỳ; huyện Gia Lâm.

N.Hoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/huyen-gia-lam-day-manh-chuyen-doi-so-de-phat-trien-toan-dien-172849.html