Huyện Gia Lâm: Nhiều mô hình hay trong thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng
Từ khi Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng, huyện Gia Lâm đã có rất nhiều hoạt động, mô hình hay thực hiện hiệu quả Quy tắc ứng xử.
Tại Hội nghị tọa đàm kinh nghiệm triển khai mô hình "Danh lam thắng cảnh, Di tích lịch sử kiểu mẫu" trong thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Hà Nội tổ chức trên địa bàn huyện Gia Lâm vừa qua, bà Đào Thị Thanh Huyền - Phó Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Gia Lâm cho biết, từ khi UBND Thành phố ban hành Kế hoạch về “Tuyên truyền, vận động phụ nữ thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2022 - 2025”, UBND huyện Gia Lâm đã chỉ đạo Phòng Văn hóa - Thông tin huyện chủ động phối hợp với Hội LHPN huyện xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện hằng năm.
Chia sẻ về một số mô hình ấn tượng được triển khai trên địa bàn huyện, bà Đào Thị Thanh Huyền cho hay, vừa qua Phòng Văn hóa - Thông tin huyện đã phối hợp với Hội LHPN huyện Gia Lâm triển khai mô hình “Phụ nữ tham gia xây dựng khu di tích lịch sử/điểm du lịch kiểu mẫu”. Các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ về thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng.
Huyện Gia Lâm cũng ký cam kết thực hiện Quy tắc ứng xử tại các cơ quan, đơn vị, UBND xã, thị trấn và các thôn, tổ dân phố trên địa bàn. UBND các xã, thị trấn vận động các tổ chức, gia đình trên địa bàn cam kết thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng gắn với việc thi đua xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa, tổ dân phố văn hóa, xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.
Cùng với đó, huyện thực hiện niêm yết bảng Quy tắc ứng xử nơi công cộng tới tất cả Nhà văn hóa thôn, Tổ dân phố, Nhà sinh hoạt cộng đồng, di tích lịch sử, cơ sở tín ngưỡng tôn giáo trên địa bàn huyện, đặt tại vị trí người dân dễ quan sát để mọi cán bộ, tổ chức, cá nhân biết và thực hiện.
Từ năm 2022, huyện thực hiện mô hình “Di tích lịch sử văn hóa - điểm đến an toàn, hấp dẫn” tại 21 di tích lịch sử trên địa bàn. Việc thực hiện Mô hình cũng được UBND các xã, thị trấn, Ban quản lý di tích, Tiểu ban Quản lý di tích thôn, tổ dân phố quan tâm thực hiện, tạo chuyển biến tích cực góp phần phát huy giá trị di tích, phát triển du lịch trên địa bàn huyện Gia Lâm. Trong quản lý di tích và lễ hội, mô hình đã góp phần làm cho di tích thực sự là điểm đến an toàn, hấp dẫn.
Toàn huyện Gia Lâm đã có 164/164 thôn, tổ dân phố tổ chức Hội nghị đại biểu nhân dân bàn về xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; 22/22 xã, thị trấn tổ chức Hội nghị đại biểu nhân dân trực tiếp. Trong các nhà trường trên toàn huyện cũng tổ chức sinh hoạt chuyên đề, tọa đàm, thảo luận các giải pháp xây dựng “Văn hóa ứng xử của thanh, thiếu nhi Gia Lâm” gắn với chủ đề “Xây dựng nhà trường Xanh - Sạch - Đẹp” đối với cấp tiểu học, trung học cơ sở.
“Cần tuyên truyền sâu rộng hơn nữa để việc thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng gắn với thực hiện nếp sống văn minh trong quản lý di tích và lễ hội trở thành thói quen, thành nếp sống của mỗi người dân khi đến di tích, lễ hội”, bà Thanh Huyền nhấn mạnh.
Nắm được tầm quan trọng của việc tuyên truyền về Quy tắc ứng xử, huyện Gia Lâm đã tăng cường công tác tuyên truyền trên nhiều phương tiện thông tin.
Riêng năm 2022 và quý I/2023, huyện đã xây dựng 56 Chuyên mục “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trong đó có nội dung về việc thực hiện 2 Bộ Quy tắc ứng xử; tuyên truyền 102 lượt tin, bài, tài liệu về thực hiện Quy tắc ứng xử trên sóng phát thanh của huyện. Đã đăng 27 tin, bài tài liệu liên quan đến 2 bộ quy tắc ứng xử trên Cổng Thông tin điện tử, trang Zalo của huyện. Kẻ vẽ, chăng treo 515m2 pano khẩu hiệu tại khu trung tâm huyện; 600m2 pano tuyên truyền và phục vụ Hội thi tuyên truyền Quy tắc ứng xử cấp Thành phố;
Thực hiện in và phát 73.000 tờ gấp tới từng tổ chức, hộ gia đình trên địa bàn. Biên soạn và in 3.000 cuốn sổ tay xây dựng nếp sống văn hóa và văn minh đô thị trong đó có các nội dung về giữ gìn, bảo vệ môi trường, đảm bảo trật tự văn minh đô thị phát năm 2021 - 2022. Thiết kế, in 164 bảng “Một số quy định xử phạt vi phạm hành chính về an ninh trật tự, an toàn xã hội”, đã phát trong tháng 8/2022 để treo tại các Nhà văn hóa Thôn, Tổ dân phố, Nhà sinh hoạt cộng đồng trên địa bàn huyện.
Là vùng đất địa linh nhân kiệt, nằm ở cửa ngõ phía Đông của Thủ đô, huyện Gia Lâm là nơi giao thoa văn hóa Thăng Long - Kinh Bắc với nhiều làng nghề truyền thống lâu đời và con người cần cù, sáng tạo. Với những nỗ lực trong việc tuyên truyền thực hiện bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn huyện, đã góp phần vào việc giữ gìn những nét thanh lịch của người Hà Nội và tạo sự hài hòa với sự phát triển của cuộc sống hiện đại.