Huyện Gia Viễn: Nỗ lực trở thành trung tâm công nghiệp lớn của tỉnh
Nằm ở vị trí cửa ngõ phía bắc của tỉnh Ninh Bình, huyện Gia Viễn là địa phương tiếp giáp 3 tỉnh Hòa Bình, Nam Định, Hà Nam, thuận lợi cho giao lưu, phát triển thương mại và dịch vụ.
Ngày nay huyện Gia Viễn là điểm đến đầu tư sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp lớn nhờ có nguồn lao động dồi dào, được đào tạo; hệ thống giao thông thuận tiện, đang được nâng cấp hiện đại tạo thuận lợi cho địa phương đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát huy thế mạnh của địa phương.
Những năm qua, cùng với sự đầu tư của Trung ương, của tỉnh, huyện Gia Viễn đã đưa kinh tế phát triển năng động, hiệu quả, nhiều năm liền tốc độ tăng trưởng đạt mức cao, từng bước trở thành một trong những trung tâm kinh tế vùng, là động lực cho sự phát triển mạnh mẽ của tỉnh Ninh Bình.
Phát huy lợi thế vị trí địa lý chiến lược về chính trị, kinh tế, cửa ngõ giao thương quan trọng của tỉnh và khu vực, cùng với sự đầu tư của tỉnh, thời gian qua huyện Gia Viễn đã có nhiều chính sách ưu đãi cụ thể, thiết thực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển hạ tầng giao thông, đưa tốc độ phát triển kinh tế của huyện nhiều năm liền đạt mức cao, lĩnh vực thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp đạt nhiều kết quả tích cực. Quy mô nền kinh tế của huyện đạt trên 40.000 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, xây dựng, thương mại - dịch vụ, hiện chiếm 97%, đưa huyện Gia Viễn trở thành trung tâm công nghiệp lớn, giúp giải quyết việc làm, đóng góp chủ yếu vào ngân sách của Tỉnh.
Từ huyện thuần nông, ngày nay Gia Viễn đã trở thành trung tâm công nghiệp lớn của tỉnh với khu công nghiệp Gián Khẩu và 3 cụm công nghiệp là Gia Phú, Gia Lập, Gia Vân. Hiện Khu công nghiệp Gián Khẩu đã thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhất là nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore. Trong đó, Hyundai Thành Công chiếm gần 30% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, đóng góp gần 70% tổng thu ngân sách trên địa bàn, giải quyết việc làm cho 3.500 lao động.
3 cụm công nghiệp của huyện gồm: Cụm công nghiệp Gia Vân có diện tích 74,77 ha, tổng vốn đầu tư 605,02 tỷ đồng, đã hoàn thành hệ thống hạ tầng và thu hút được 13 nhà đầu tư thứ cấp, trong đó 9 dự án đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy 93,32%; Cụm công nghiệp Gia Lập 39,95 ha, tổng đầu tư 250,66 tỷ đồng, đã cơ bản hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng và thu hút được 4 nhà đầu tư; Cụm công nghiệp Gia Phú 50 ha, tổng đầu tư 326,6 tỷ đồng, cơ bản hoàn thành hạ tầng và thu hút được 11 nhà đầu tư thứ cấp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ngoài các khu, cụm công nghiệp tăng nhanh và hoạt động hiệu quả với 1.880 cơ sở sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Trong hội nghị xúc tiến thu hút đầu tư vừa tổ chức đầu năm 2024, ông Phạm Văn Tam - Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn cho biết: Định hướng thu hút đầu tư trong thời gian tới huyện tập trung thu hút những dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch; các dự án chế biến nông sản, thủy sản như chế biến sản phẩm rau, củ, quả, dược liệu; chế biến thực phẩm từ gia súc, gia cầm, thủy sản; thu hút các dự án công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, may mặc, chế biến nguyên liệu, linh kiện điện tử, linh kiện ô tô… hướng tới xuất khẩu.
Để đạt được mục tiêu này, các cấp lãnh đạo huyện Gia Viễn cam kết sẽ luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về cơ chế, chính sách, đất đai, giải phóng mặt bằng, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn tài sản; cung cấp các dịch vụ công tiện ích, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, bình đẳng, minh bạch để các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến huyện Gia Viễn yên tâm đầu tư, sản xuất, kinh doanh lâu dài, đưa huyện ngày càng có bước phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới./.