Huyện Gò Công Đông: Hỗ trợ hội viên, phụ nữ vượt khó, phát triển kinh tế

Với sự chỉ đạo sát sao và phối hợp của nhiều tổ chức, địa phương, các chương trình hỗ trợ không chỉ dừng lại ở việc cung cấp tài chính, mà còn tập trung vào các hoạt động đào tạo nghề, xây dựng sinh kế bền vững và thúc đẩy khởi nghiệp, giúp hội viên, phụ nữ (HV-PN) tự lực vươn lên trong cuộc sống.

TRIỂN KHAI NHIỀU HÌNH THỨC HỖ TRỢ

Huyện Gò Công Đông đã triển khai nhiều hình thức hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế như: Hỗ trợ vốn, cung cấp kiến thức, đào tạo nghề và giới thiệu việc làm. Trong năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện đã hỗ trợ thành công cho 313 HV-PN nghèo, đạt tỷ lệ 100% và hỗ trợ cho 203 PN chủ hộ nghèo, đạt 100%, giúp họ cải thiện thu nhập và ổn định cuộc sống. Dự kiến, đến cuối năm 2024, có 39 PN chủ hộ nghèo thoát nghèo và 4 PN chủ hộ cận nghèo (xã Tân Đông) thoát nghèo.

Đặc biệt, các mô hình sinh kế như: Kết cườm, kết bông, sản xuất khô an toàn, đan lục bình, chăn nuôi dê, gà, đã được triển khai với sự tham gia của 19 tổ hợp, với 302 thành viên. Những mô hình này giúp HV có công việc ổn định, tăng thu nhập; đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển của kinh tế địa phương. Trong năm, nhân rộng 3 mô hình sinh kế chăn nuôi dê, bò, gà với 52 thành viên đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho HV-PN. Các mô hình sinh kế đã và đang cho kết quả tích cực, đóng góp vào sự phát triển kinh tế địa phương.

Hội LHPN huyện Gò Công Đông tổ chức “Ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp” năm 2024.

Hội LHPN huyện Gò Công Đông tổ chức “Ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp” năm 2024.

Hội LHPN huyện Gò Công Đông đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để triển khai các chương trình vay vốn ưu đãi, đặc biệt là thông qua hoạt động ủy thác vay vốn. Đến nay, 13/13 xã, thị trấn trong huyện đã triển khai kiểm tra hoạt động vay vốn với 195 hộ HV được hỗ trợ. Việc tổ chức hội nghị chuyên đề và kiểm tra định kỳ đã giúp đảm bảo nguồn vốn được sử dụng hiệu quả và đúng mục đích.

Ngoài ra, Hội còn duy trì mô hình tiết kiệm trong HV, với 28.199 lượt người tham gia, đạt tỷ lệ 94,36%. Số tiền tiết kiệm hơn 29 tỷ đồng này đã giúp đỡ 1.684 PN khó khăn, mang đến nguồn tài chính cần thiết để họ cải thiện cuộc sống. Bên cạnh đó, Chương trình “Mẹ đỡ đầu” cũng được triển khai nhằm hỗ trợ chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ em mồ côi do tác động của dịch Covid-19, với hàng trăm phần quà và hỗ trợ tài chính cho trẻ em trên toàn huyện.

Chương trình “Phụ nữ khởi nghiệp” của huyện Gò Công Đông đã và đang được triển khai mạnh mẽ, tập trung vào việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình khởi nghiệp. Huyện đã tổ chức “Ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp” năm 2024, với sự tham gia của nhiều HV-PN và các doanh nghiệp khởi nghiệp thành công. Ngày hội không chỉ là dịp để HV-PN học hỏi kinh nghiệm, mà còn là cơ hội để giao lưu, giới thiệu sản phẩm địa phương thông qua các nền tảng thương mại điện tử.

Nhằm nâng cao kỹ năng quản lý và tay nghề cho HV, huyện đã phối hợp với các trung tâm giáo dục, đào tạo tổ chức các lớp học và hội thảo chuyên đề. Các lớp tập huấn như: Kỹ thuật chăn nuôi dê, kỹ thuật nông nghiệp bền vững và kỹ năng quản lý kinh doanh cơ bản đã thu hút hàng trăm HV tham gia.

Đây là những chương trình thiết thực, giúp hội viên có thêm kiến thức và kỹ năng để quản lý kinh tế gia đình tốt hơn; đồng thời ứng phó với những biến đổi của thời tiết và thiên nhiên. Các khóa học không chỉ dừng lại ở đào tạo lý thuyết mà còn chú trọng đến thực hành, giúp HV dễ dàng áp dụng vào cuộc sống thực tế. Các chương trình này đã góp phần thúc đẩy HV tự tin hơn trong việc vận dụng kiến thức mới vào sản xuất, từ đó từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

KHUYẾN KHÍCH PHỤ NỮ KHỞI NGHIỆP, SÁNG TẠO

Trong khuôn khổ chương trình khởi nghiệp, huyện Gò Công Đông đã hỗ trợ 23 phụ nữ với các ngành nghề như: May gia công, bán tạp hóa, buôn bán nhỏ lẻ, giúp họ có thể tự chủ kinh tế. Các chương trình hỗ trợ vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và Quỹ hỗ trợ PN phát triển kinh tế với số tiền hơn 665 triệu đồng đã giúp cho nhiều PN có cơ hội thực hiện ý tưởng kinh doanh của mình.

Từ hoàn cảnh khó khăn và thuộc diện cận nghèo, chị Võ Thị Kim Tuyền ở ấp Dương Quới, xã Phước Trung đã thoát cận nghèo nhờ ý chí và sự chăm chỉ. Nhận được khoản vay 70 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Gò Công Đông, chị Tuyền xây dựng chuồng trại và bắt đầu nuôi dê. Từ hai con dê ban đầu, chị kiên trì chăn nuôi, phát triển đàn dê thành nguồn thu nhập ổn định, giúp gia đình trả nợ và dần thoát nghèo.

Bên cạnh việc nuôi dê, chị Tuyền còn làm cấp dưỡng, chồng làm phụ hồ, giúp tổng thu nhập gia đình đạt 100 - 120 triệu đồng/năm. Nhờ vậy, gia đình chị đã xây được nhà mới và lo cho con trai học hành tốt hơn. Đến năm 2022, gia đình chị được công nhận thoát cận nghèo bền vững. Với tinh thần tự lực, chị Võ Thị Kim Tuyền đã trở thành tấm gương sáng cho nhiều PN trong ấp noi theo.

Hội LHPN huyện Gò Công Đông phối hợp ra mắt HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Bình Nghị, có 3 HV-PN tham gia Hội đồng quản trị, với 25 thành viên tham gia HTX (trong đó có 10 nữ).

Hội LHPN huyện Gò Công Đông phối hợp ra mắt HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Bình Nghị, có 3 HV-PN tham gia Hội đồng quản trị, với 25 thành viên tham gia HTX (trong đó có 10 nữ).

Trong khuôn khổ Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do PN quản lý,” huyện Gò Công Đông đã thành lập Ban Chỉ đạo với sự tham gia của đại diện các cơ quan, ban, ngành và tổ chức Hội. Nhờ sự hỗ trợ về giống, phân bón và kỹ thuật canh tác, nhiều hợp tác xã trong huyện đã hoạt động hiệu quả, giúp cho HV có thêm thu nhập và tạo công ăn việc làm cho lao động nữ. Hiện nay, huyện duy trì 2 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và 36 tổ liên kết ngành nghề với tổng số thành viên lên đến 553 người. Các hoạt động của hợp tác xã không chỉ giúp tăng trưởng kinh tế, mà còn đóng góp vào sự phát triển bền vững của cộng đồng, giúp PN tự tin hơn khi tham gia quản lý và điều hành hợp tác xã.

Ngoài ra, huyện Gò Công Đông đã thực hiện nhiều chương trình tư vấn và giới thiệu việc làm, đặc biệt là cho lao động nữ. Thông qua sự hợp tác với các công ty, xí nghiệp, nhiều lao động nữ đã được giới thiệu làm việc với các vị trí phù hợp, từ đó có cơ hội nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, việc tổ chức các lớp dạy nghề cũng là một trong những giải pháp hiệu quả giúp HV-PN có thêm kỹ năng và kiến thức để đáp ứng nhu cầu lao động tại địa phương.

Với những chương trình thiết thực như: Hỗ trợ vốn, đào tạo nghề, xây dựng mô hình sinh kế, huyện Gò Công Đông không chỉ giúp HV-PN vượt qua khó khăn, mà còn khuyến khích họ phát triển kinh tế bền vững, góp phần xây dựng cộng đồng vững mạnh.

Các nỗ lực của huyện Gò Công Đông trong việc hỗ trợ HV-PN cũng là nguồn động lực để HV-PN tự tin hơn trong cuộc sống. Định hướng tương lai của huyện Gò Công Đông không chỉ dừng lại ở việc cung cấp hỗ trợ ngắn hạn, mà còn xây dựng các chương trình hỗ trợ lâu dài, giúp HV-PN vươn lên làm chủ cuộc sống và đóng góp vào sự phát triển của xã hội.

LÝ OANH

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/xa-hoi/202411/huyen-go-cong-dong-ho-tro-hoi-vien-phu-nu-vuot-kho-phat-trien-kinh-te-1026511/