Huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận): Nhiều khu vực phân lô, xây dựng không phép trên đất nông nghiệp

Những ngày qua, tại một số khu vực thuộc huyện Hàm Thuận Bắc giáp ranh TP Phan Thiết (Bình Thuận) xuất hiện tình trạng các chủ đất ngang nhiên tổ chức san lấp đất nông nghiệp để bán nền, xây dựng công trình nhà ở không phép, gây ảnh hưởng đến quy hoạch và tiềm ẩn nguy cơ khiếu nại, khiếu kiện.

Hàng ngàn mét vuông đất nông nghiệp bị san lấp trái phép tại khu Suối Bàu, xã Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc (tỉnh Bình Thuận)

Hàng ngàn mét vuông đất nông nghiệp bị san lấp trái phép tại khu Suối Bàu, xã Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc (tỉnh Bình Thuận)

Nằm liền kề với TP Phan Thiết, xã Hàm Thắng (huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận) đang được giới đầu tư đất rất quan tâm vì nơi đây dự kiến sẽ được sáp nhập vào TP Phan Thiết. Nắm bắt điều này, thời gian qua, nhiều người đã tổ chức thu mua đất nông nghiệp với diện tích lớn, sau đó san lấp mặt bằng, phân lô để bán lại kiếm lời. Điển hình, tại khu vực Suối Bàu (thôn Thắng Lợi, xã Hàm Thắng), trên 10.000m2 đất vốn là những ao sen của xã Hàm Thắng đã bị các chủ đất san lấp trái phép rồi đóng cọc bê tông phân thành từng mảnh.

Trong vai người mua đất, chúng tôi được một người tự nhận là chủ đất “hét giá” 1,2 tỷ đồng/sào (1.000m2), còn nếu mua lẻ theo hình thức “giấy tay” là 150 triệu đồng/100m2. Theo tìm hiểu, khu vực đất Suối Bàu này đang là đất lúa, được quy hoạch đất giáo dục, nên không được phép chuyển đổi mục đích và xây dựng nhà cửa. Việc các chủ đất ngang nhiên xé nhỏ diện tích đất nông nghiệp để rao bán theo hình thức viết giấy tay là không đúng theo quy định, tiềm ẩn nguy cơ khiếu nại, khiếu kiện khi một lô đất có thể bán cho nhiều người.

Còn tại khu vực thôn 3 (xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc), nơi dự kiến sẽ sáp nhập vào TP Phan Thiết, cũng đang xuất hiện tình trạng các chủ đất chia nhỏ diện tích đất nông nghiệp từ 100-200m2 rồi bán lại cho người dân có nhu cầu xây nhà. Nằm cách trụ sở Nhà văn hóa thôn 3 chừng 300m, một diện tích đất nông nghiệp đã được chủ đất chia nhỏ thành từng lô 100-200m2 rồi bán lại cho người mua theo hình thức “giấy tay” với giá từ 200-300 triệu đồng/lô. Hiện tại, khu vực này đã được người dân xây dựng nhiều nhà cửa kiên cố.

Cũng tại xã Hàm Liêm, khu vực 2 bên đường trục chính lên UBND xã và các khu vực ở thôn 2, thôn 5..., còn xuất hiện hàng loạt các nhà vườn xây dựng không phép trên đất nông nghiệp. Sau khi mua đất nông nghiệp, chủ đất đào ao, xây dựng các công trình nhằm mục đích nghỉ dưỡng, hoặc bán lại cho người có nhu cầu. Trong khi đó, hiện các hành vi như đào ao, múc hồ, xây nhà trên đất nông nghiệp…, tại Bình Thuận đều không được phép khi chưa có đồng ý của cơ quan chức năng.

Tháng 10-2023, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành Chỉ thị 08 về tăng cường công tác quản lý đất đai. Trong đó, yêu cầu UBND các huyện kiên quyết xử lý tình trạng xây dựng nhà ở, các công trình trái phép trên đất nông nghiệp, hình thành các khu dân cư tự phát trái quy định, lấn chiếm đất đai trái phép của các dự án. Địa phương nào để xảy ra vi phạm về đất đai phức tạp hoặc buông lỏng trong lãnh đạo, quản lý, chậm phát hiện hoặc không cương quyết trong xử lý vi phạm thì người đứng đầu phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật. Do đó, việc xuất hiện các vụ việc trái với Chỉ thị 08 nói trên cần được ngành chức năng các địa phương tỉnh Bình Thuận sớm có biện pháp xử lý, chấn chỉnh.

NGUYỄN TIẾN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/huyen-ham-thuan-bac-binh-thuan-nhieu-khu-vuc-phan-lo-xay-dung-khong-phep-tren-dat-nong-nghiep-post750542.html