Huyền hoặc Phó Bảng
Đang là tiết hanh hao, môi miệng khô khốc, mắt như kéo thêm cái màng đùng đục mù khô. Lại đang ở vùng ít nước nhất miền Bắc. Đêm qua sương muối về, những vạt tam giác mạch, đỗ, cỏ voi cháy rũ như rau luộc. Vậy mà cây cải càng mơn mởn, cho vị càng ngon.
Gần đến tết Tân Sửu, dãy đào gần trường tiểu học đã hơn hớn đơm nụ như lũ gà con chiếp chiếp. Những chúm chím, mới châm chấm đen hay đã ló hồng đều thật khỏe, mươi hôm, vào phiên sau nữa sẽ mạnh mẽ bật bừng cả con phố nghiêng nghiêng. Người đàn ông đang nện đất trình tường giải thích “Năm nay nhuận, đào nở sớm”. Sớm thì sao, lòng người xuôi lên tự tưởng tượng lấy, nhưng cứ như là xuân đã cặp kè lắm rồi.
Chợ Phó Bảng họp ngày Tý, Ngọ, như phiên trước thứ bẩy, phiên sau thứ sáu, sau nữa thứ năm, người xuôi gọi “chợ lùi”. Dọc con phố lên cổng chợ, ba chục ô tô đang đổ hàng, toàn xe tải nhỏ chứ to quá không đổ đèo vào được. Những xe ấy, cả mô tô, mai, kia sẽ mang quần áo, đồ điện, gạo muối nhẩy sang phiên Phố Cáo, Sà Phìn, Ma Lé…. Dưới ánh nắng đang gay gắt lên, dăm chục “gian” quần áo rực rỡ “cháy”.
Người Mông đây không mặc trầm trầm, thổ cẩm sẫm mầu như bên Sa Pa, mà điểm vào những cánh sen, vàng tươi, đỏ thắm. Váy may trong bản pha ni lông, bán 150 nghìn, tha hồ đung đưa giữa màu đá xám, dễ nhận ra từ xa. Gùi nhựa nhẹ, rẻ đang thế chỗ gùi mây nặng và bền, trên vai các cô đang soi, ướm làm ứ cả góc chợ. Có cái gì đó rất buồn cười khi chân cẳng chả chủ động được, cứ bị những lưng người dồn đẩy tới đâu thì tới. Lại có chút tủi thân, đến quả quýt, táo, củ tam thất đều đánh từ Trung Quốc sang, cách đây dăm cây số.
Còn đâu rau cải, rau lang muối, su su, đu đủ, đậu phụ… dù không nuột nà như dưới xuôi đều ta sản ta tiêu, xuống chợ trên vai từ tảng sáng. Cao nguyên đá thiếu nước, rau đắt, cả chục bàn xanh đỏ túi hạt cung cấp giống rau cho những vạt vườn chắc chỉ bằng vuông chiếu, đất nông toen hoẻn. Thứ chợ xuôi không có là bầu khô, bé tẹo, méo đen, để bầy chắc không “ăn mắt”, lục lạc, hẳn dành cho cúng lễ, diễn xướng.
Duyệt binh qua lũ chai lọ đựng mật ong và thứ nước gì vàng vàng, lọt vào tai câu “Rượu tôi người ngủ củ thức. Giáo viên quân đội thứ hai chào cờ, rượu này uống vào chào từ thứ hai đến thứ tám”. Hỏi vài chị nhưng họ không biết tiếng Kinh. Rồi tôi cũng “phỏng vấn” được người đàn ông chả biết là người Mông hay Pu Péo đứng trước sạp quần áo: “Mỗi phiên anh phải nộp bao nhiêu tiền vào chợ?”.
Còn xem có bán được không. Được hay không thì mình nói cho họ chứ. Có cả vợ con đang đi ăn đấy, năm nghìn mèn mén năm nghìn canh óc đậu, nó về trông thì mình ra uống rượu.
Tan giá, dãy hàng ăn bắt đầu đông. Bếp gạch đun củi đưa mồ hóng nhuộm đen mái bờ rô. Mỡ lợn thắng thế dầu ăn trong khi nước mắm cá bị chê “đắt, khắm”, không thơm bằng đồ công nghiệp trong chai nhựa. Thịt trâu xào cải, lòng chần, phở lợn bún vịt nghi ngút, giá không “đồng bào” tý nào. Nhưng chai rượu nửa lít có mười nghìn, cả đống bát chỉ rửa xô nước làm kẻ quen bị vệ sinh thực phẩm giáo dục ngài ngại. Lạ là lại không có chảo thắng cố sùng sục, lòng non lòng già thi đua nhào lộn. Cao nguyên đá hiểm trở, địa hình chia cắt cho ta thật lắm so sánh thú vị. Chợ Ma Lé không phải chỉ có chó, lợn như đây mà thêm dê, ngựa, sang bên Mèo Vạc thì bãi mênh mông nồng nặc mùi trâu bò thải ra. Ơ hay, sao những chợ miền xuôi chỗ nào cũng giống chỗ nào…
Phó Bảng thuộc huyện Đồng Văn, Hà Giang. Núi đá tai mèo dựng phộc chả có thảm rừng dày, nước trời xuống trôi tuột ngay, không nuôi được những khe, suối quanh năm róc rách như vùng núi đất. Phố ngày không phiên chẳng trưng ra một bộ mặt phồn vinh để kéo đến những đoàn phượt, đám du khách ưa rộn ràng, tiện nghi. Thị trấn nhỏ, đường sá nhà cửa cứ nghiêng nghiêng, meo méo vì dốc và rượu, rảo bộ một lúc, rẽ vài khúc lại được hai ông già sưởi nắng cười cười mà không nói chuyện được.
Ngoài điện đường trường trạm… nhà nước xây, sơ sơ đếm được hai nhà nghỉ (không mô tô thuê), hai nhà thuốc, vài quán ăn, cà phê. Hàng tạp hóa bầy máy nông nghiệp, ống dẫn nước từ khe trên núi về, có khi bẩy tám cây số tốn trăm triệu nên thường nhiều nhà chung nhau. Không có hiệu vàng, nhưng chắc một thời bạc, phiện là thứ trao đổi tiện lợi. Chợ cóc bán đến mười giờ chắc chỉ nửa tạ thịt, rau quả rất tươi người Mông đem xuống. Nhà xây cấp bốn đóng ỉm ỉm khá nhiều, chắc thời bao cấp là hợp tác xã mua bán, cửa hàng giá rẻ cho vùng cao... Sáng ra mây vắt ngang ngọn núi quanh thung lũng như dải lụa, lạnh buốt, trẻ đến trường lóc cóc lát rồi trầm mặc cả ngày, hợp với những tâm trạng lang thang, lọ mọ, mỗi bước chân là một khám phá.
Dưới hàng sa mộc rất khỏe, thẳng thớm, đào lê hồng mận đều khẳng khiu nhưng ngậm ứ nhựa, áp tết sẽ bật lên phừng phừng. Nhà sàn cột nghiến xà sa mộc, tường trình dầy bốn mươi phân đông ấm hè mát, chỗ còn vàng vàng hoàng thổ, chỗ ám đen mồ hóng. Cửa gỗ dán giấy đỏ viết chữ Nho, tranh Tần Thúc Bảo, Uất Trì Cung, hai ông tướng che chở khỏi ma tà rủi ro. Những mầu sắc rất lạ ấy chắc chả còn nếu Phó Bảng “tiến lên” hiện đại sớm, rồi từng đoàn du lịch kéo đến tàn phá.
Wikipedia điều tra từ bao giờ chả biết, cho hay thị trấn rộng 10 km2 chỉ 524 dân, mật độ 52 người/km2. Ba sắc dân là Hoa, Mông và Pu Péo, giờ thêm ít Kinh. Đồng Văn trước đóng huyện lỵ ở đây, năm 1962 mênh mông quá chia ra thêm hai huyện mới là Yên Minh, Mèo Vạc. Nghĩa là đã có một thời kỳ dài Phó Bảng chiếm vị trí cực kỳ quan trọng trên bốn huyện đá của Hà Giang.
Sự thịnh vượng trước đây của vùng biên gắn liền với cây thuốc phiện, hàng họ giao thương chính thức hoặc không chính thức. Theo địa thế núi đèo, khe suối, thung lũng, xưa kia mỗi gia tộc cát cứ một vùng, các thủ lĩnh Mông họ Vương, Dương đều có lực lượng vũ trang khuynh loát nhau. Nhưng người Hoa, với dòng máu buôn bán trời sinh, từng nắm sức mạnh kinh tế ở yết hầu Phó Bảng. Họ tự gọi mình là “Hán” hay “Hán Hoa” vì gốc gác từ Tứ Xuyên, Thiểm Tây, Sơn Tây sang, mang các họ Lý, Tôn, Vương, Trương, Sùng… chứ không có thân tộc gì với Choang, Miêu ngay bên kia đường biên. Bàn thờ thường có ba bát hương, giữa dành cho Trời, Đất, Quốc (gia), Thân (thích), Thầy (giáo), bên trái Tổ Tiên, phải Táo Quân, linh vị không phải tấm gỗ, là tờ giấy dán lên tường.
Nhỏ bé, vắng vẻ “đường cụt”, nên Phó Bảng quý người, dễ san sẻ. Ông Lý Hội Vần sinh 1939, nguyên chủ tịch Mặt trận Tổ quốc thị trấn kể: “Họ Vương người Mông làm quan châu, bang tá cho Pháp, ngoài dinh lớn bên Sà Phìn giờ là di tích, thì Phó Bảng - tiếng Hán “Phô Péo” - là trọng địa ngăn quân Cờ đen sang cướp bóc. Cạnh đồn binh - giờ còn tường thành đá dài và cao, trước có cả lò đúc gang, bể seo giấy, nghĩa địa. Thuốc phiện bán ngoài chợ như quả bí, luồn rừng chảy đi các nơi, tấp nập nên gọi là “tiểu Hồng Kông”.
“Dòng tôi xuôi xuống từ Thiểm Tây, từ bao giờ chả ghi, chỉ biết dừng đây chín đời rồi. Ba sáu chữ đệm cứ thế quay vòng, giờ sang đất gốc nhận nhau anh em hay chú cháu được. Nghề rừng, trồng lúa không biết, chỉ buôn bán thôi, như thanh niên trước dịch cô vít chuyên “đánh” quặng, gạo, đại lý điện mặt trời, chạy chợ. Mùa đông tuyết rơi, nước dẫn trên khe về đóng băng, lạnh thì ưa thức cay, khâu nhục nhiều mỡ. Thợ bên kia sang làm nhà sàn trình tường, lắp kèo cột rất chắc mà giấu nghề lắm. Bếp củi không thể thiếu, than sa mộc, thông, lõi ngô cho thịt sấy mùi khói đặc biệt, bồ hóng cũng bán được”.
“1962 huyện lỵ ra Đồng Văn. Con đường thuốc phiện bị cắt, “tiểu Hồng Kông” tiêu điều dần. Chiến tranh biên giới vài trăm hộ ly tán, các em tôi giờ ở Mỹ, Vân Nam. Năm 1979 quân Trung Quốc không vào hướng này, nhưng câu pháo sang sập cả, nhà Vương, chỗ giờ là nhà văn hóa văng cả vàng lá “The Lion”. Xe nhà nước chở người ở đây về Chiêm Hóa Tuyên Quang, phân tán nhiều chỗ, nhận ruộng gần bản Tày. Vợ đang làm tổ may mặc, dệt vải cho nhà nước ở Hà Giang, tôi chạy theo rồi cũng về Chiêm Hóa, không biết cấy lúa, may có tay châm cứu, bốc thuốc nuôi lũ con”.
“Sang đầu những năm ’80 súng còn nổ mãi đằng Vị Xuyên. Vài năm mới yên, tôi trong số 18 hộ về đầu tiên, năm ’89. Tan hoang cả. Dân dựng nhà kiểu cũ, bươn chải đủ cách, đủ sống nhưng không phong lưu bằng trước. Giờ thanh niên vào rừng bứng khúc cây dáng lạ, bẫy con họa mi chào mào đểu ra tiền, tết còn đánh mười xe đào về chợ hoa Nam Điền - Nam Định. Nhà tường trình ngói âm dương còn đều đã ba chục năm, nhiều cái không “hợp thời” đang thay những bê tông i nốc”.
“Ra giọt rượu ngon phải tuyển nhiều thứ. Ngô hột không thể là thứ phun thuốc diệt cỏ được, đến gà chuột còn chê. Phải mua chỗ quen mới sạch, ngâm một ngày đêm, đãi xong đem luộc đến khi nứt ra để nguội. Bánh men có lá ngọt, ớt quả…, có mọt ăn càng ngon, rắc vào, đảo đều lên, ủ kín bốn năm mươi ngày tùy mùa, đêm nghe nó xì hơi buồn cười lắm, sáng ra tấm ni lông bọc miệng chum phồng lên. Một mẻ làm chừng hai tháng, tốn diện tích, tôi gọi là chưng cất chứ không phải nấu rượu…”.
Ông Vương Triệu Sính đều đều, kể những ngón nghề chọn chum, lấy nước khe, xem thời tiết… mãi không hết. Đêm lạnh sâu mai nắng vỡ đầu, trong này nồng nàn dậy mùi men, rượu trôi xuống họng ngòn ngọt. Như có ai đang đi, bước chân nhẹ như bông tuyết rơi, thì thào về vô số thăng trầm. Phó Bảng một thời tấp nập đột ngột đông cứng lại, bảo tồn bao nhiêu xưa cũ như cái lá được nhựa đào ngậm kín mãi vẫn tươi. Lịch sử Hội An cũng vầy vậy. Còn được bao nhiêu xứ như thế? Xung quanh lổng chổng xà sa mộc cột nghiến nhà trình tường dỡ ra, Sính mua về chỉ cưa làm củi, đun cho rượu uống say đứ đầu vẫn trong vắt. Nhưng mà tiếc. Con phố dông dốc đang mất đi những dáng nhà đông ấm hạ mát tôi tối bí ẩn, kho củi dàn phơi ngô đậu đầy mồ hóng, nhất là bếp lửa, cả nhà quây quần. Tiếc mà làm gì được, như Sa Pa một thời mây cuốn vòng phố đang thô tục đi.
Dù sao mình còn vớt được hình màu một phố núi nguyên lành, cổ tích. Uống nữa râm rẩm nữa.
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/huyen-hoac-pho-bang-1783504.tpo