Huyện Kim Bôi: Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn

Đảm bảo cho lao động có việc làm tại chỗ và thu nhập ổn định luôn là yêu cầu đặt ra trong công tác dạy nghề ở vùng nông thôn hiện nay. Tại huyện Kim Bôi, cùng với nỗ lực triển khai đồng bộ Đề án 1956 và các chương trình đào tạo nghề, nâng cao trình độ tay nghề, vấn đề giải quyết việc làm cho lao động nông thôn được cải thiện đáng kể.

50 lao động tại chỗ được nhận vào đào tạo, làm việc trong xưởng sản xuất của Công ty TNHH may xuất khẩu DHF đặt tại xã Đú Sáng.

Đi vào hoạt động từ tháng 11/2020, xưởng sản xuất của Công ty TNHH may xuất khẩu DHF đặt tại xã Đú Sáng đã, đang tiếp tục tuyển dụng, đào tạo, đồng thời giải quyết việc làm cho lao động trong khu vực. Theo đại diện doanh nghiệp, trước mắt, có 50 lao động, chủ yếu là nữ đang làm việc. Doanh nghiệp cần thêm khoảng trên 150 lao động nữa để đáp ứng quy mô sản xuất hiện nay. Với mục tiêu hoạt động ổn định, lâu dài, vì lợi ích của đơn vị và người lao động, doanh nghiệp cam kết 100% người lao động vào làm việc được đào tạo nâng cao tay nghề và hưởng mọi chế độ lương, thưởng, BHXH theo quy định.

Thời gian qua, nhiều lớp đào tạo nghề đã được mở sau khi tiến hành nắm bắt, khảo sát, đánh giá phù hợp với khả năng, nhu cầu thiết thực của lao động nông thôn. Đơn cử, lớp dạy nghề may túi xách siêu thị xuất khẩu với tổng số 90 học viên mở tại thị trấn Bo, xã Nam Thượng. Qua thời gian đào tạo dưới 3 tháng, các chị em tham gia lớp nghề được nhận vào làm việc tại cơ sở sản xuất thuộc Công ty TNHH MTV Hùng Như Kim Bôi, thu nhập bình quân mỗi lao động từ 3,5 - 5 triệu đồng/tháng. Một số lớp dạy nghề khác như nghề hướng dẫn viên du lịch, hàn điện, mây tre đan xuất khẩu, may công nghiệp... xuất phát từ nhu cầu của người lao động tại địa phương cũng phát huy hiệu quả sau đào tạo.

Năm 2020, huyện phối hợp trường Trung cấp Bách Khoa Hòa Bình mở lớp dạy nghề sửa chữa điều hòa không khí cho 38 học viên, phối hợp trường Trung cấp Cộng đồng Hà Nội mở lớp nghề nấu ăn cho 50 học viên. Bên cạnh các nghề phi nông nghiệp, huyện thường xuyên mở lớp đào tạo nghề làm vườn, chăn nuôi, trồng trọt, hướng dẫn về kỹ thuật, cách chăm sóc, phòng bệnh cho vật nuôi, cây trồng. Trong các năm 2019-2020, đã phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, các đơn vị trực thuộc Sở NN&PTNT mở hàng chục lớp nghề trồng cây ăn quả có múi, rau an toàn, chăn nuôi gà hữu cơ, gà thả vườn, kỹ thuật chăm sóc, điều trị bệnh cho trâu, bò, nuôi cá lồng bè nước ngọt ở các xã: Nam Thượng, Mỵ Hòa, Sào Báy, Đú Sáng, Tú Sơn, Hợp Tiến...

Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Lĩnh, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện cho biết: Công tác dạy nghề cho lao động nông thôn trong những năm qua luôn được huyện quan tâm, gắn với giải quyết việc làm tại chỗ. Riêng năm 2020 đã phối hợp các đơn vị mở 35 lớp nghề với tổng số 992 học viên. Trong đó, 4 lớp trung cấp nghề, 1 lớp sơ cấp nghề, 30 lớp nghề dưới 3 tháng. Sau học nghề, ước có trên 90% học viên có việc làm, thu nhập ổn định. Huyện còn tăng cường mở 147 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật với 6.547 lượt người tham gia. Ngoài ra, có 51 người học các trường cao đẳng ngoài tỉnh. Đến năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện là 60,11%, đạt 106% kế hoạch, trong đó, số có bằng cấp, chứng chỉ đạt 23,84%. Thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện tốt công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, dạy nghề theo nhu cầu người học, phù hợp với điều kiện KT-XH địa phương. Thông qua đó, góp phần giải quyết việc làm mới, nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo. Phấn đấu đến cuối năm 2021, huyện đạt tỷ lệ lao động qua đào tạo 61%, có bằng cấp, chứng chỉ 24%.

Bùi Minh

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/274/150359/huyen-kim-boi-dao-tao-nghe-gan-voi-giai-quyet-viec-lam-tai-cho-cho-lao-dong-nong-thon.htm