Huyện Kim Bôi vào cuộc ứng phó với mưa lớn, sạt lở đất
Theo đánh giá mới nhất của UBND huyện Kim Bôi, với đặc điểm địa hình của huyện được cấu tạo bởi những dãy núi chạy dài, xen lẫn các dãy núi cao là những thung lũng, sông, suối nhỏ hẹp và dốc, phân bố rộng khắp trên toàn huyện nên đây là nơi phát triển và bị ảnh hưởng mạnh của tai biến trượt lở đất. Hiện tượng này phổ biến ở các xã: Tú Sơn, Đú Sáng, Bình Sơn, Thượng Tiến, Đông Bắc, Hợp Đồng, Vĩnh Đồng, Hạ Bì, Cuối Hạ, Lập Chiệng, Sào Báy...
Đặc biệt, tại xã Đú Sáng, sạt, trượt lở mạnh xảy ra dọc trên tuyến đường từ xã Bình Sơn đi Đú Sáng và xã Độc Lập (Kỳ Sơn); trên tuyến đường từ Hợp Kim đi Tân Thành, từ ngã ba Trò đi ngã ba đồi Sim xuất hiện nhiều điểm sạt lở, gây nguy hiểm cho người, phương tiện tham gia giao thông.
Ngoài ra, tại lưu vực suối Cả, suối Lôi, thuộc xã Hợp Đồng và khu vực xóm Chanh Trên thuộc xã Vĩnh Đồng là một trong những khu vực từng xuất hiện các trận lũ quét gây hậu quả nặng nề. Qua theo dõi, những năm qua, hiện tượng lũ, ngập úng diễn ra khá mạnh ở các xã: Hợp Đồng, Kim Sơn, Kim Bôi, Kim Truy, Cuối Hạ và các xã nằm ở phía Nam của huyện như: Nam Thượng, Sào Báy, Mỵ Hòa.
Trước mùa mưa lũ năm nay, huyện Kim Bôi đã kiểm tra, rà soát và dự kiến có 79 hộ của 7 xã sẽ phải di dời, sơ tán. Trong đó có 7 hộ của xóm Mớ Đồi, xã Hạ Bì nằm trong vùng lũ ống, lũ quét; 72 hộ của 7 xã: Cuối Hạ, Vĩnh Tiến, Tú Sơn, Hùng Tiến, Nuông Dăm, Kim Bôi, Hạ Bì nằm trong vùng sạt lở đất, đá lăn (một số hộ của xã Cuối Hạ đã phê duyệt thuộc diện tái định cư tập trung nhưng khu tái định cư chưa xây dựng nên các hộ đang sinh sống ở khu vực nguy hiểm).
Nhằm chủ động hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, từ cuối tháng 3, UBND huyện Kim Bôi đã ban hành phương án ứng phó với mưa lớn, lũ lụt, sạt lở đất, lốc xoáy, hạn hán và bão, áp thấp nhiệt đới năm 2019 trên địa bàn huyện. Đồng thời, huyện ban hành nhiều văn bản chỉ đạo cũng như thành lập đoàn kiểm tra về công tác này.
Dưới sự chỉ đạo sát sao, thường xuyên của UBND huyện, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT&TKCN) huyện, từ đầu năm đến nay, UBND các xã, thị trấn trong huyện đã chủ động kiểm tra, rà soát, phát hiện các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ lụt, sạt lở đất. Các cơ quan chức năng và cơ sở đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sửa chữa, nâng cấp và gia cố các công trình PCTT, công trình giao thông nông thôn. Tổ chức nạo vét, khai thông hệ thống kênh mương, cống tiêu thoát nước. Kiểm tra toàn diện các công trình hồ, đập, chủ động xử lý, gia cố những vị trí xung yếu cần phải sơ tán, di dời dân, các địa điểm tạm cư an toàn để có thể tiếp nhận người dân dự kiến khi cần thiết sẽ sơ tán, di dời trong thời gian xảy ra sự cố thiên tai, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân.
Huyện cũng chỉ đạo tổ chức duy tu, sửa chữa, thay thế mới hệ thống các biển báo, cảnh báo. Đồng thời, rà soát, bổ sung phương án, biện pháp phòng, chống mưa lớn, lũ lụt, sạt lở đất và lốc xoáy, nhất là tổ chức huy động lực lượng, hợp đồng trưng dụng các phương tiện, trang thiết bị.
Hiện tại, toàn huyện đã chuẩn bị sẵn sàng các lực lượng huy động khi có tình huống xảy ra gồm: BCH PCTT&TKCN huyện, các xã, thị trấn, lực lượng cơ động, thanh niên xung kích, lực lượng dự bị động viên, dân quân, lực lượng cứu hộ, cứu nạn, nhân viên y tế. Bên cạnh đó, vật tư, phương tiện, trang thiết bị dự kiến huy động để phòng, chống, ứng phó với thiên tai gồm: 36 xe ô tô ben, ô tô con; 440 áo phao, phao cứu sinh; 226 loa phóng thanh, loa cầm tay; 500 cây tre, nứa; 600 rọ thép; 3.000 bao tải cát; 150.000 tấn cát, đá, sỏi... 900 lít nước uống; 200 thùng mỳ tôm, lương khô cùng các dụng cụ y tế cần thiết.
BCH PCTT&TKCN huyện Kim Bôi cùng các xã, thị trấn đã và đang tích cực thông tin, tuyên truyền, phổ biến kịp thời các phương án, biện pháp chủ động PCTT của địa phương đến cán bộ, nhân dân để sẵn sàng thích ứng, tránh bị động, lúng túng khi đối phó, xử lý tình huống thiên tai.