Huyện Lạc Thủy - địa chỉ văn hóa, du lịch tiềm năng
Huyện Lạc Thủy có nhiều lợi thế, tiềm năng riêng có để phát triển các loại hình du lịch. Huyện nằm dọc nằm dọc dòng sông Bôi hiền hòa thơ mộng, cảnh quan thiên thiên tươi đẹp, núi non hùng vĩ với nhiều danh lam, thắng cảnh hấp dẫn từ lâu đã tạo sức hút cho du khách xa gần.
Trong đó có thể kể đến động Tiên được Bộ Văn hóa cấp bằng di tích lịch sử - văn hóa từ năm 1989. Động Tiên nay thuộc xã Phú Nghĩa có chùa Tiên là nơi thờ Phật, cùng với các cụm di tích có kiến trúc nghệ thuật độc đáo theo kiểu chữ nhất dưới chân núi Tung Sê như đền Trình, đền Mẫu gắn liền với những truyền thuyết kỳ bí. Trên động Tiên là động Thượng, thiên nhiên kỳ thú với nhũ đá vạn năm muôn hình, có cửa trời rộng tới mấy sào Bắc Bộ vươn tay như bắt được mây xanh bồng bềnh và gió núi. Đứng nơi cửa động Tam Tòa nhìn toàn cảnh Phú Nghĩa vừa mơ vừa thực như bức tranh thủy mặc. Từ trên đỉnh dãy núi Hương Tích trải dài, khỏa tầm mắt nhìn xuống Phú Nghĩa là một hệ thống liên hồ sông nước mênh mang cùng hàng loạt các quả đồi bát úp lô nhô như biển trong lòng núi. Trên địa bàn thị trấn Chi Nê, hang Trinh Nữ còn có tên gọi khác là hang Luồn có địa vực khá phong phú nằm trên địa phận 3 đơn vị hành chính là xã Đồng Tâm, xã Yên Bồng và thị trấn Chi Nê. Vẻ đẹp nơi đây là sự kết hợp tinh tế giữa những vách đá sừng sững, hùng vĩ với dòng sông hiền hòa, thơ mộng làm say đắm lòng người...
Trên địa bàn huyện hiện có 6 di tích xếp hạng quốc gia, 12 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 29 di tích nằm trong quyết định kiểm kê của UBND tỉnh. Hàng năm, huyện duy trì 32 lễ hội truyền thống (2 lễ hội cấp huyện, còn lại là lễ hội cấp xã, thôn, xóm). Trong đó nổi bật có khu di tích Nhà máy in tiền đã được Bộ VH-TT&DL xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 2007. Nhà máy in tiền cũng được trao kỷ lục Guinness Việt Nam là Nhà máy in tiền đầu tiên của cách mạng Việt Nam. Hiện nay, Khu di tích Nhà máy in tiền được đầu tư xây dựng khang trang, ngày càng phát huy được giá trị lịch sử cách mạng, trở thành địa chỉ đỏ, niềm tự hào về truyền thống cách mạng, ý thức tự lực, tự cường, lòng yêu quê hương, đất nước cho các thế hệ trẻ; quần thể hang động núi Niệm, xã Phú Thành đón bằng công nhận di tích cấp quốc gia năm 2014...
Xác định du lịch, dịch vụ là ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế của huyện, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, huyện đã hoàn thiện quy hoạch phát triển du lịch, chú trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ. Từ năm 2015 đến nay, đã có 10 công trình hạ tầng du lịch với tổng mức đầu tư gần 452 tỷ đồng, trong đó có một số công trình quan trọng như: hạ tầng du lịch huyện Lạc Thủy, Nhà tưởng niệm người có công và cán bộ công nhân Nhà máy in tiền đầu tiên của chính quyền cách mạng Việt Nam, trường Cán bộ dân tộc miền Nam, xây dựng và nâng cấp hạ tầng khu du lịch chùa Tiên… Trên địa bàn huyện cũng đón nhận nhiều dự án đầu tư phát triển du lịch như: Dự án tổ hợp sinh thái nghỉ dưỡng Đồng Tâm, dự án du lịch sinh thái làng Đá Bạc, dự án cáp treo Hương Bình, xã Phú Nghĩa… Đến nay, nhiều điểm, khu du lịch của huyện đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước, góp phần vào phát triển ngành du lịch của tỉnh. Theo thống kê, tổng lượng khách đến thăm quan các điểm du lịch trên địa bàn 5 năm qua (2015 - 2020) khoảng trên 3,37 triệu lượt, trong đó chủ yếu là khách nội địa.
Đồng chí Hoàng Mạnh Khỏe, Trưởng phòng VH-TT huyện cho biết: Để tiếp tục khai thác tiềm năng, phát triển di lịch, huyện đang triển khai các kế hoạch xúc tiến đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch mang đặc trưng vùng miền, thành lập các tour, tuyến du lịch chùa Tiên, núi Niệm, Nhà máy in tiền, hang Luồn và các tour du lịch ngoại tỉnh (chùa Tiên - chùa Hương - Tam Chúc - Bái Đính - Tràng An), thông tuyến cáp treo chùa Tiên - chùa Hương; đầu tư xây dựng dự án khu du lịch văn hóa và nghỉ dưỡng Lạc Thủy, xây dựng khu nghỉ dưỡng cao cấp xã Đồng Tâm; khuyến khích phát triển ngành dịch vụ phụ trợ cho hoạt động du lịch, hình thành các ngành nghề truyền thống như: chế tác đá cảnh, thủ công mỹ nghệ, sản xuất sản phẩm đặc sắc của địa phương… Thực hiện mục tiêu phát triển du lịch huyện Lạc Thủy trở thành điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh và các vùng lân cận với các sản phẩm đặc trưng là du lịch văn hóa - tâm linh, nghiên cứu, sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với tìm hiểu bản sắc văn hóa các dân tộc, tạo sức hấp dẫn cho du khách.