Huyện Lạc Thủy tái cơ cấu nông nghiệp – động lực xây dựng nông thôn mới
Huyện Lạc Thủy đang có nhiều khởi sắc trong diện mạo nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nếu so với 5 năm trước, hành trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đã tiến được một chặng đường dài. Trên chặng đường đó, xuất hiện dấu ấn nổi bật của chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp - vốn được xác định là động lực mạnh mẽ để huyện xây dựng NTM thành công.
Sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã, huyện Lạc Thủy hiện có 8 xã, 2 thị trấn. Đến cuối tháng 5/2020, đã có 6/8 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, còn 2 xã là Hưng Thi, Thống Nhất đạt 18 tiêu chí/xã; bình quân đạt 18,5 tiêu chí/xã. Kết quả này tạo đà thuận lợi để huyện phấn đấu đạt chuẩn NTM năm 2020.
Cùng với kết quả xây dựng NTM, ấn tượng nổi bật khi đến với Lạc Thủy là sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng thiết yếu, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện rõ rệt. Trong sự phát triển chung, ngành nông nghiệp đang tiếp thêm sức mạnh khi quyết tâm hiện thực hóa các mục tiêu tái cơ cấu giai đoạn 2016 - 2020.
Đồng chí Ngọ Đình Tâm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện trao đổi: Tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030 là chủ trương lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với huyện Lạc Thủy. Trọng tâm là phát triển nông sản hàng hóa lợi thế, có sức cạnh tranh trên thị trường, hiện thực hóa bằng các chương trình ưu tiên; tăng hàm lượng KHCN, nâng giá trị, sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa lợi thế theo yêu cầu của thị trường; tái cơ cấu từng sản phẩm đồng bộ về quy mô, hình thức tổ chức sản xuất, nguồn giống, công nghệ, thị trường, chính sách; đẩy mạnh cải tạo vườn tạp, dồn điền, đổi thửa, chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng có giá trị kinh tế cao… Đặc biệt, để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tái cơ cấu nông nghiệp tập trung vào các giải pháp đẩy mạnh sản xuất sản phẩm chủ lực, có lợi thế như cây ăn quả có múi, cây dược liệu, chè, lúa chất lượng cao, gà, dê, ong lấy mật...
Được biết, Lạc Thủy là một trong những địa phương đi đầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Kết quả, trên địa bàn đã xuất hiện các vùng sản xuất tập trung, cho giá trị gia tăng cao như: vùng cây ăn quả có múi với tổng diện tích trên 1.200 ha, mỗi ha cam cho thu nhập trung bình khoảng 400 triệu đồng/niên vụ, mỗi ha bưởi cho thu nhập trung bình trên 250 triệu đồng/niên vụ; các loại cây mía, chuối, thanh long, bí xanh trồng theo vùng tập trung cũng cho giá trị thu nhập cao hơn với mức bình quân trên 150 triệu đồng/ha... Dự kiến đến cuối năm 2020, giá trị thu nhập trên 1 ha canh tác đạt khoảng 135 triệu đồng/năm. Thống kê trong giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành trồng trọt đạt 9,05%/năm, vượt 1,95% so với kế hoạch. Cùng với đó, giá trị sản xuất các ngành chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản cũng tăng cao, phát triển ngành nghề nông thôn có nhiều chuyển biến, với sự vào cuộc của hàng trăm doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, đặc biệt là quyết tâm của trên 10 nghìn hộ tham gia sản xuất nông nghiệp. Đây là kết quả ấn tượng cho thấy, huyện Lạc Thủy đang đi đúng hướng trong hành trình tái cơ cấu nông nghiệp, tạo thêm động lực mạnh mẽ để huyện xây dựng NTM thành công.