Huyện Lang Chánh, Thanh Hóa: Không có điện lưới quốc gia, người dân sử dụng điện 'chui' với giá cao
Năm 2009, từ nguồn vốn của Chương trình 30a và chương trình 135, huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) được nhà nước đầu tư 3 công trình điện lưới phục vụ các thôn Xuốm, Cắm (xã Đồng Lương), Khụ I, Khụ II (xã Giao An) và Tân Cương, Tân Biên (xã Tân Phúc). Tuy nhiên, hiện nay phần lớn các công trình lưới điện trên vẫn trong tình trạng dang dở. Không điện, cuộc sống người dân khó khăn trăm bề.
Dân nghèo cũng bởi thiếu điện?
Theo người dân xã Tân Phúc (huyện Lang Chánh), diện mạo nông thôn địa phương đã có sự thay đổi so từ khi thực hiện chương trình quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Song một nghịch lý tồn tại hàng thập kỷ nơi đây là người dân 4 thôn bản của xã vẫn "khát" điện lưới quốc gia.
Chị Trần Thị H (trú tại thôn Tân Cương) phản ánh, người dân địa phương rất mong có điện lưới quốc gia. Mong chờ mãi cũng chẳng có nên cực chẳng đã họ phải bỏ tiền túi ra kéo điện "chui" từ nơi khác về dùng. Do dùng điện "chui" nên hàng tháng chị H cũng như hàng chục hộ khác trong thôn vẫn phải đóng 4.000 đồng/số điện. Chị H cho biết: "Mặc dù tiền điện "chui" nhưng hàng tháng các gia đình phải trả khá cao. Thực lòng, gia đình có điện để sinh hoạt những ngày mưa gió, nóng nực là mừng lắm rồi. Nhưng vì đường dây xa quá nên điện rất yếu, ngoài việc thắp sáng thì người dân không thể sử dụng điện vào bất kỳ một hoạt động sản xuất, kinh doanh nào. Do đó, dù trong thôn có máy xay xát, hoặc người dân có cái tủ lạnh cũng không thể sử dụng được".
Người dân sinh sống tại các thôn Tân Biên, Tân Thủy, Tân Bình (xã Tân Phúc) cùng trong tình cảnh "đèn dầu". Đó cũng là nguyên nhân khiến những thôn bản này nhiều năm qua luôn được liệt trong danh sách, nghèo khó nhất của huyện Lang Chánh.
Ngoài xã Tân Phúc, tình trạng "khát" điện cũng là thực trạng tại thôn Cắm, thôn Nê (xã Đồng Lương). Hàng trăm hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mường nhiều năm qua do chưa có điện lưới phục vụ sinh hoạt và sản xuất nên người dân bất đắc dĩ phải sử dụng điện "chui" với giá đắt đỏ. Một hộ dân nơi đây mong mỏi: "Không có điện đồng nghĩa với việc người dân mù mịt về thông tin, kiến thức. Con trẻ học hành cũng gặp không ít khó khăn, thiếu thốn. Hơn lúc nào hết, chúng tôi mong các cấp chính quyền quan tâm, mang điện lưới quốc gia về cho người dân sinh hoạt, sử dụng".
Được biết, năm 2009, từ nguồn vốn của Chương trình 30a và chương trình 135, huyện miền núi Lang Chánh được nhà nước đầu tư 3 công trình điện lưới phục vụ các thôn Xuốm, Cắm (xã Đồng Lương), Khụ I, Khụ II (xã Giao An) và Tân Cương, Tân Biên (xã Tân Phúc). Tuy nhiên, hiện các công trình điện vẫn trong tình trạng dang dở, 6 trạm biến áp đang nằm trơ trọi mặc cho thời gian và mưa gió hủy hoại…
"Đói vốn" dẫn tới dự án dang dở
Hiện tại, huyện Lang Chánh còn 8 thôn, bản với hơn 3.000 nhân khẩu ở những vùng đặc biệt khó khăn vẫn chưa có điện lưới quốc gia để phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Đối với những xã được thụ hưởng đầu tư Chương trình 30a và 135 nhưng "đắp chiếu" như Tân Phúc, Đồng Lương… đã nhiều lần người dân kiến nghị lên các cấp chính quyền địa phương nhưng cũng chỉ nhận được câu trả lời là "thiếu vốn và phải chờ đợi".
Theo báo cáo của UBND huyện Lang Chánh, địa phương chọn 5 công trình/5 xã gồm: Giao An, Quang Hiến, Tân Phúc, Đồng Lương, Giao Thiện, mỗi công trình được cấp 300 triệu đồng. Theo đó, các xã tự lựa chọn công trình, nhưng đến nay chỉ có Giao An và Quang Hiến là đóng điện được. Riêng công trình điện ở xã Tân Phúc theo thiết kế dự toán chi phí phải hơn 1 tỷ đồng nên khi dựng xong cột thì cũng hết tiền. Vì vậy, các nhà thầu dừng thi công từ năm 2009 đến nay.
Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Quang Thế - Phó giám đốc Điện lực Lang Chánh cho biết: "Tại 2 thôn Nê và thôn Cắm hiện đã có phương án đầu tư, sắp tới ngành điện sẽ triển khai. Riêng thôn Tân Tiến, Tân Bình… được UBND huyện đầu tư từ rất lâu rồi nhưng đến nay dự án triển khai đã hết nguồn vốn nên dừng, không thể bàn giao cho ngành điện lực được".
Trước thực trạng trên, UBND huyện Lang Chánh cũng đã kiến nghị Sở Công thương, Công ty Điện lực Thanh Hóa tiếp tục đầu tư các công trình điện. Được biết, lãnh đạo sở này cũng đã kiến nghị UBND tỉnh đề nghị Bộ Công thương xem xét, có giải pháp giúp địa phương nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Trong khi chờ đợi các cơ quan chức năng xử lý thì người dân tại đây vẫn phải dùng điện "chui" với một cái giá cao.