Huyện Lập Thạch: Chuyến biến tích cực trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình

Công tác phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn huyện Lập Thạch đã nhận được sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thông qua việc triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, phù hợp với điều kiện thực tế. Trong đó, xây dựng và nhân rộng Câu lạc bộ (CLB) phòng, chống bạo lực gia đình được coi là một trong những hoạt động hiệu quả, góp phần đẩy lùi, ngăn chặn và giải quyết những hậu quả do bạo lực gia đình gây ra.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền là một trong những biện pháp để huyện Lập Thạch nói không với bạo lực gia đình

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền là một trong những biện pháp để huyện Lập Thạch nói không với bạo lực gia đình

Tính đến nay, 20/20 xã, thị trấn của huyện Lập Thạch đã xây dựng được mô hình câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững và nhóm phòng, chống bạo lực gia đình với tổng số 29 câu lạc bộ và 29 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình.

CLB, nhóm phòng, chống bạo lực gia đình được duy trì sinh hoạt theo định kỳ 3 tháng/lần. Ban chủ nhiệm đồng thời là thành viên nhóm phòng, chống bạo lực gia đình có trách nhiệm xây dựng quy chế hoạt động, duy trì hoạt động hàng quý và phát hiện, xử lý, can thiệp, hòa giải kịp thời các vấn đề xung đột, mâu thuẫn trong gia đình.

Nội dung sinh hoạt của các câu lạc bộ, nhóm phòng, chống bạo lực gia đình tập trung vào 14 nhóm vấn đề theo hướng dẫn của Trung ương như truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, giáo dục ứng xử tốt đẹp giữa các thành viên trong gia đình, kiến thức gia đình, kỹ năng giữ gìn hạnh phúc gia đình, giới thiệu các văn bản pháp luật, chính sách mới của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là văn bản liên quan đến gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, hôn nhân gia đình, trẻ em..

Công tác hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình được chú trọng. Các xã, thị trấn đã củng cố, duy trì có hiệu quả các tổ hòa giải tại 189/189 thôn/làng/tổ dân phố, đã hòa giải được nhiều vụ mâu thuẫn trong gia đình.

Trao đổi với phóng viên, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lập Thạch Đỗ Thị Mai Hạnh cho biết: "Theo báo cáo của các địa phương, nhiều gia đình có mâu thuẫn, sau khi tham gia CLB, được tuyên truyền, tư vấn nâng cao nhận thức, một số gia đình còn được hỗ trợ vốn để phát triển kinh tế, nên những mâu thuẫn trong gia đình đã giảm, ngăn chặn không để tình trạng bạo lực gia đình tái diễn. Điển hình như CLB thôn Vinh Hoa, xã Tử Du; CLB thôn Quan Tử, xã Sơn Đông; CLB thôn Bắc Sơn, xã Bắc Bình…".

Cùng với việc xây dựng và nhân rộng mô hình CLB Gia đình phát triển bền vững và nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, UBND huyện đã ban hành văn bản hướng dẫn các xã, thị trấn thành lập địa chỉ tin cậy ở cộng đồng.

Đến nay, đã có 20/20 xã, thị trấn thành lập được địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, với tổng số 173 địa chỉ. Nhiều địa phương còn thành lập tới từng thôn/tổ dân phố như Đồng Ích, Tử Du, Bắc Bình, Văn Quán, Tiên Lữ, Sơn Đông… Các xã, thị trấn đã củng cố, duy trì có hiệu quả các mâu thuẫn trong gia đình; các bệnh nhân bạo lực gia đình và người gây bạo lực gia đình được các địa chỉ tin cậy tại địa phương tư vấn kịp thời.

Các địa chỉ tin cậy cộng đồng thường được chọn đặt tại nhà của các trưởng thôn, chi hội trưởng các chi hội hoặc phòng làm việc của công an xã. Với tinh thần tham gia tự nguyện của các thành viên, các địa chỉ tin cậy cộng đồng đã kịp thời đại diện cho nhiều trường hợp trẻ em, phụ nữ, đối tượng yếu thế bị bạo hành, xâm hại; tư vấn, giải quyết các mâu thuẫn, bất hòa trong hôn nhân gia đình; trợ giúp nạn nhân bị bạo hành có nơi tạm lánh và đề xuất can thiệp… Có thể nói, mô hình địa chỉ tin cậy bước đầu đã mang lại hiệu quả, góp phần trang bị kiến thức, kỹ năng và bảo vệ chị em phụ nữ khi bị bạo lực gia đình.

Trên thực tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình như do nhận thức về pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, bao che, không khai báo, sợ bị chê cười; nạn nhân thường có tâm lý ngại “vạch áo cho người xem lưng”...

Điểm yếu vẫn là do khâu thực thi các quy định pháp luật; các cấp, các ngành chưa phối hợp hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ này; cộng đồng, đoàn thể thiếu quan tâm, đôi khi coi bạo lực gia đình là chuyện riêng tư, chỉ can thiệp khi hậu quả đã nghiêm trọng.

Cùng với đó, chế tài chưa mạnh, chưa xử lý nghiêm, chưa hợp lý, thiên về hòa giải... Điều đó đã khiến công tác phòng, chống bạo lực gia đình nói chung và của huyện Lập Thạch nói riêng gặp nhiều khó khăn.

Để hoàn thiện thể chế về công tác phòng, chống bạo lực gia đình; khắc phục những tồn tại, bất cập đó, mới đây, dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) được Bộ VH-TT&DL đưa ra lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, người dân. Theo chương trình xây dựng luật của Quốc hội, dự thảo luật (sửa đổi) sẽ được đưa ra Quốc hội thảo luận cho ý kiến tại kỳ họp tháng 5/2022 và sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 10/2022.

Bài, ảnh: Thiệu Vũ

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/75136/huyen-lap-thach-chuyen-bien-tich-cuc-trong-cong-tac-phong-chong-bao-luc-gia-dinh.html