Huyện lúa chuyển mình
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế kiểm tra việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa. Ảnh: TUYẾT HƯƠNG
Trước thềm Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Phú Hòa lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ và nhân dân toàn huyện đang chung sức, hồ hởi hoàn thành một số công trình trọng điểm, chỉnh trang đường sá, trang hoàng nhà cửa... Từ trung tâm huyện lỵ đến xóm làng xa xôi nhất đều đang khoác lên mình sắc áo mới; người dân tin yêu, nguyện lòng song hành cùng các chương trình, kế hoạch của Đảng.
Sau 9 năm tổng lực sức người, sức của xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Phú Hòa đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện đạt chuẩn NTM trong năm 2019 và cũng là địa phương có xã đạt chuẩn NTM nâng cao đầu tiên của tỉnh.
Bài 1: Xây dựng nông thôn mới - Ý Đảng, lòng dân hòa một
Năm 2019, huyện lúa Phú Hòa được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM, là huyện thứ hai của tỉnh cán đích. Để đạt được kết quả này, cả chặng đường dài, Đảng bộ và nhân dân huyện Phú Hòa đã chung sức, chung lòng vượt qua những khó khăn, thử thách...
Đảng đi đầu
Bí thư Huyện ủy Phú Hòa Đinh Thị Thu Thanh tự hào và thể hiện quyết tâm: “Với nỗ lực của toàn Đảng bộ, toàn dân huyện Phú Hòa, sau 9 năm triển khai chương trình xây dựng NTM, toàn huyện đã có 8/8 xã và huyện Phú Hòa đạt chuẩn NTM. Ngoài ra, xã Hòa Quang Bắc còn là địa phương đầu tiên của tỉnh được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Cũng từ đây, niềm tin của người dân với Đảng, với các quyết sách của chính quyền càng vững chắc hơn, phong trào xây dựng NTM đã thực sự đi vào đời sống của mỗi gia đình, người dân và mang lại những kết quả tích cực. Với khí thế đó, giai đoạn 2020-2025, toàn Đảng bộ, toàn dân, toàn quân huyện Phú Hòa sẽ nỗ lực phấn đấu giữ vững kết quả này và tiếp tục huy động các nguồn lực xây dựng nâng cao các tiêu chí, đưa Phú Hòa trở thành huyện NTM nâng cao, xã kiểu mẫu”.
Năm 2011, khi cả nước nói chung, tỉnh Phú Yên nói riêng bắt đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020, huyện Phú Hòa đã xác định đây là cơ hội để bứt phá, là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Đảng bộ và nhân dân huyện nhà.
Theo Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Hòa Lê Ngọc Tính, bước vào triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, các cấp ủy, chính quyền huyện Phú Hòa còn nhiều bỡ ngỡ. Phần lớn cán bộ địa phương chưa hình dung xây dựng NTM ra sao nên khó khăn trong công tác triển khai, phải vừa làm vừa tìm hiểu. Vì vậy, huyện đã nhanh chóng thành lập ban chỉ đạo xây dựng NTM cấp huyện. Các thành viên trong ban chỉ đạo huyện có nhiệm vụ đảm nhận và trực tiếp hướng dẫn 1 xã. Các phòng, ban, tổ chức đoàn thể có trách nhiệm cùng các xã bám sát từng tiêu chí, xây dựng lộ trình thực hiện phù hợp để có hiệu quả cao nhất... Với sự vào cuộc và chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện, cán bộ, đảng viên toàn huyện đã nhận thức rõ trách nhiệm, vai trò của mình trong công cuộc xây dựng NTM, tạo sự đồng lòng trong toàn Đảng, phát huy vai trò đi đầu của đảng viên. Ở mỗi xã, dựa trên thực trạng của địa phương để có hướng đi, cách làm phù hợp, hiệu quả nhất.
Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Hòa Hội Nguyễn Văn Tỉnh cho biết: Dưới sự chỉ đạo xuyên suốt từ lãnh đạo huyện, địa phương đã tiến hành rà soát từng tiêu chí để có cơ sở xây dựng kế hoạch thực hiện. Đồng thời triển khai sâu rộng đến các thôn, buôn những nội dung, phần việc trong công tác xây dựng NTM. Xã cũng đẩy mạnh tuyên truyền với mục tiêu chuyển biến nhận thức của người dân về xây dựng NTM theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”. Đặc biệt, địa phương chú trọng công tác tập huấn cho cán bộ các hội đoàn thể, bí thư chi bộ, trưởng các thôn, buôn. Khi lực lượng này nắm chắc mục tiêu, kết quả hướng đến của chương trình thì họ trở thành những tuyên truyền viên tích cực trong vận động, tuyên truyền người dân, mang lại hiệu quả cao nhất.
Điểm mở từ Nghị quyết 75
Với quyết sách lấy giao thông làm bàn đạp phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, từng bước hiện đại hóa nông thôn, tháng 3/2013, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 75/2013/HĐND thông qua đề án Bê tông hóa đường giao thông nông thôn tỉnh Phú Yên giai đoạn 2013-2015 (Nghị quyết 75). Theo đề án này, tỉnh sẽ hỗ trợ toàn bộ xi măng, ống cống... Người dân tham gia hiến đất, giải phóng mặt bằng, góp cát, đá, trực tiếp hoặc thuê người thi công trên tinh thần tự nguyện, tự quản, tự giám sát...
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Hòa Lê Ngọc Tính chia sẻ: Nghị quyết 75 ra đời đúng lúc công cuộc xây dựng NTM ở địa phương đang vướng nhiều trở ngại, mà khó khăn nhất là người dân chưa đồng lòng, chưa đủ tin tưởng vào một chương trình lớn và quá mới mẻ. Nhận thấy nghị quyết này sẽ là “chìa khóa” tháo gỡ những ách tắc hiện hữu, lãnh đạo huyện đã tập trung chỉ đạo, sát cánh cùng các địa phương từ những ngày đầu triển khai đề án Bê tông hóa giao thông nông thôn.
Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Trị Trần Quốc Hùng, người đã đồng hành cùng bà con từ những ngày đầu xây dựng NTM cho biết: Ban đầu, địa phương chọn 12 tuyến trên toàn xã thực hiện bê tông hóa theo Nghị quyết 75. Đảm bảo cho thành công, các ban phát triển thôn được thành lập, không kể ngày đêm dốc sức vận động người dân chung tay thực hiện. Tháng 7/2013, những tuyến đường bê tông đầu tiên được hoàn thiện, góp phần thay đổi sâu sắc diện mạo làng quê và nhận thức của người dân, tạo nên phong trào hiến đất, góp tiền làm đường bê tông trên toàn xã. Đến nay, nhân dân Hòa Trị đã chung tay bê tông hóa hơn 200 tuyến đường liên thôn, liên xóm, liên ngõ với hơn 63km đường giao thông. Đặc biệt, để phủ bê tông hầu khắp các con đường, người dân địa phương đã đồng lòng, tự nguyện hiến hơn 8.500m2 đất vườn, tháo dỡ tường rào, đóng góp vật tư và khoảng 3.000 ngày công trị giá gần 5 tỉ đồng, một con số không hề nhỏ khi đây là số tiền được góp nhặt phần nhiều từ những nông dân chân lấm tay bùn.
Cuối năm 2013, những thành công từ xã điểm Hòa Trị như làn gió mới thổi qua nhiều vùng quê khác ở huyện Phú Hòa, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong các khu dân cư. Thời điểm đó, đi đến đâu cũng nghe người dân bàn tán về việc góp tiền, góp công, hiến đất, nhận xi măng làm đường giao thông. Điển hình tại xã Hòa Quang Nam, địa phương đã phủ bê tông toàn bộ các tuyến giao thông liên xã, liên thôn, ngõ, xóm. Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Hòa Quang Nam Đặng Nho Hào khẳng định: Đến cuối năm 2015, toàn xã thực hiện bê tông hơn 53km đường. Có được kết quả mỹ mãn này là nhờ Nghị quyết 75 đã thực sự đi vào lòng người, tạo sự đồng thuận từ Đảng đến dân nên bà con mạnh mẽ hưởng ứng.
Còn Bí thư chi bộ, trưởng thôn Phụng Tường 1 (xã Hòa Trị) Nguyễn Văn Chương cho hay: Sau nhiều năm làm bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản thân ông đã tham gia vận động người dân thực hiện nhiều chương trình lớn, nhỏ. Đây là lần đầu tiên một chương trình của Đảng, Nhà nước được người dân hưởng ứng mạnh mẽ đến vậy. Quả thật, khi ý Đảng, lòng dân hòa một thì không có việc gì không thể hiện thực hóa.
Bài 2: Sức bật từ nông nghiệp
Đây là lần đầu tiên một chương trình của Đảng, Nhà nước được người dân hưởng ứng mạnh mẽ đến vậy. Quả thật, khi ý Đảng, lòng dân hòa một thì không có việc gì không thể hiện thực hóa.
Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/76/242118/huyen-lua-chuyen-minh.html