Huyện lúa chuyển mình (tiếp theo bài 1)

Mãng cầu dai là loại cây trồng có lợi thế cạnh tranh cao của nông dân Phú Hòa. Trong ảnh: Người dân ở Lỗ Chài thu hoạch mãng cầu. Ảnh: TUYẾT HƯƠNG

Bài 2: Sức bật từ nông nghiệp

Phát huy lợi thế sẵn có, trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), Đảng bộ, chính quyền huyện Phú Hòa đã đưa ra những quyết sách đầu tư, nâng hoạt động sản xuất nông nghiệp của huyện lên tầm mới, thu hút ngoại lực vào địa phương, tạo lực đẩy để Phú Hòa bứt phá trong giai đoạn tới.

Phú Hòa những ngày đầu tháng 7, nhiều vùng nông sản đang kỳ thu hoạch. Ngày ngày, những trái khóm Đồng Din, Suối Cái, mãng cầu Lỗ Chài, mít Hòa Quang... theo những chuyến xe vượt đường xa đến với người dân các tỉnh thành, đổi lại phú quý cho nhiều nhà nông.

Mùa vàng trên vùng nông nghiệp đỉnh

Bất chấp nắng hè gay gắt, từ tháng 5 đến nay, người trồng khóm ở Đồng Din, Suối Cái vẫn đều đặn lên rẫy mỗi sáng sớm để kịp hái khóm đưa đi tiêu thụ. Mặc dù thời điểm thu hoạch chính vụ đã qua, nhưng vùng trồng khóm dọc suối Cái vẫn rất nhộn nhịp vì bà con ở đây có kỹ thuật kích quả trái vụ. Ông Nguyễn Tiến Dũng ở xã Hòa Quang Nam cho biết: Để bán được giá tốt, hầu hết 4ha khóm của gia đình được can thiệp để thu hoạch trái vụ nên có khóm hái quanh năm. Cách đây 7 năm, khi thấy người trồng khóm ở Đồng Din thắng lớn, vợ chồng tôi mạnh dạn chuyển 4ha đất trồng keo dọc suối Cái sang trồng khóm. Đến nay, cây khóm cho thu hoạch đều đặn 3.500-4.000 trái/ha, mang về thu nhập khoảng 400 triệu đồng/năm, cuộc sống gia đình cũng khấm khá lên từ khóm. “Cây khóm đã và đang tiếp tục đưa hàng trăm gia đình nông dân ở các xã Hòa Quang Nam, Hòa Quang Bắc, thị trấn Phú Hòa “sang trang” mới, khởi sắc và no đủ”, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa Nguyễn Siêng phấn khởi nói.

Ngoài khóm, Phú Hòa còn có mít và mãng cầu, những nông sản được xem là “quả vua” trong nhiều năm trở lại đây. Trên vùng đất sỏi khô cằn ở Lỗ Chài (xã Hòa Quang Bắc), hơn chục năm qua, bà con đã phủ xanh những triền đồi bằng hàng ngàn cây mít, mãng cầu. Theo ông Huỳnh Văn Tánh, người dân ở đây, từ năm 1997, khi hầu hết người dân vùng này chỉ biết quanh quẩn với cây lúa nước, đi rẫy hái củi, đời sống chật vật chạy ăn từng bữa thì gia đình ông đã mạnh dạn mua mít giống về trồng. Không ngờ cây trồng này phù hợp với chất đất và phát triển tốt, trái trĩu cành nên ông nhân giống, mở rộng diện tích trồng. “Hiện nay, gia đình có 2ha mít (1ha thu hoạch, 1ha đang kiến thiết), mỗi vụ thu hoạch 50 tấn, mang lại thu nhập khoảng 750 triệu đồng. Bây giờ ngoài trồng mít, tôi còn trồng hơn 2ha mãng cầu dai. Vụ này 1ha đã vào kỳ thu hoạch với sản lượng gần 5 tấn, mang về nguồn thu khoảng 200 triệu đồng”, ông Tánh cho biết.

Ngoài ra, thời gian qua, huyện Phú Hòa còn đầu tư mạnh vào cây lúa nhằm nâng cao sản lượng và chất lượng. Theo Phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật đã được ứng dụng trên cây lúa và mang lại hiệu quả, như mô hình cánh đồng mẫu lớn, cơ giới hóa, chuyển đổi cơ cấu giống và liên kết sản xuất tiêu thụ theo chuỗi... Đến nay, Phú Hòa ổn định sản xuất lúa trên diện tích khoảng 11.000ha (2 vụ) với sản lượng bình quân khoảng 82.000 tấn.

Ông Nguyễn Siêng cho hay: Bằng nhiều nỗ lực của ngành Nông nghiệp và sự vào cuộc của toàn dân, Phú Hòa đã hình thành được nhiều vùng sản xuất tập trung với các loại cây trồng có giá trị và sức cạnh tranh cao như vùng chuyên canh cây khóm, mít, mãng cầu, dược liệu, lúa... Đặc biệt, hiện nay, khóm Đồng Din, Suối Cái đã được đầu tư chế biến thành nhiều sản phẩm được thị trường ưa chuộng. Đây là ưu thế để Phú Hòa phát triển vùng trồng khóm theo hướng sản xuất hàng hóa trong thời gian tới.

Những tỉ phú chân đất

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát và kịp thời của Đảng, huyện Phú Hòa có nhiều chính sách đầu tư đúng đắn vào nông nghiệp. Từ đây, trên quê hương đất lúa Phú Hòa xuất hiện nhiều tỉ phú chân đất.

Ông Trần Châu Tuấn ở xã Hòa Quang Bắc, trồng khóm dọc suối Cái kể: “Hơn 15 năm trước, gia đình thuộc diện khó khăn, từ đồng vốn vay hỗ trợ thanh niên, tôi chuyển đổi vùng đất rẫy dọc suối Cái sang trồng khóm. Đến nay, rẫy khóm được mở rộng khoảng 6ha cho thu hoạch bình quân khoảng 4.000 trái/ha. Hai vợ chồng còn “bắt” con xe tải để thu mua khóm khắp vùng chuyển đến các tỉnh Gia Lai, Khánh Hòa, Bình Định tiêu thụ. Hiện nay, từ khóm, mỗi năm gia đình có thu nhập khoảng 1 tỉ đồng, con số mà trước đây tôi không dám nghĩ tới”. Trong khi đó, cũng từ nông nghiệp, hơn chục năm qua, nông dân Huỳnh Khắc Vũ ở xã Hòa Hội đã vươn lên thành tỉ phú trẻ trong vùng từ cây mía, sắn và trồng rừng. Hiện ông Vũ sở hữu hơn 100ha mía, sắn, keo, bạch đàn và nhiều thiết bị cơ giới như máy cày đất, máy trồng mía, máy chặt mía, xe vận chuyển... làm dịch vụ nông nghiệp liên tỉnh, nguồn thu mang về mỗi năm trên 1 tỉ đồng.

Không chỉ trồng trọt, người dân địa phương này còn đầu tư mạnh vào chăn nuôi, thay đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang quy mô trang trại. Theo ông Võ Văn Tính ở xã Hòa Quang Bắc, trại heo của gia đình ông rộng 2ha, xây dựng theo công nghệ chuồng lạnh. Mỗi năm, ông nuôi 2 lứa, được 1.700 con giống, với tổng sản lượng xuất chuồng khoảng 200 tấn heo hơi, đem về thu nhập 700 triệu đồng/năm. Sau 7 năm gầy dựng cơ nghiệp từ chăn nuôi heo, vợ chồng ông đã xây được căn nhà tầng khang trang nhất nhì xóm, có điều kiện cho con cái ăn học.

Ông Đào Quyết Hận, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Hòa cho hay: Nhờ sự hỗ trợ của các cấp, ngành, hiệu quả sản xuất nông nghiệp của huyện ngày càng nâng cao đã thúc đẩy bà con hăng say lao động. Phong trào thi đua làm giàu ngày càng lan rộng, đi sâu vào từng gia đình. Trong 2 năm 2018-2019, toàn huyện có khoảng 9.000 nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi, trong đó có hàng trăm hộ dân có mức thu nhập từ vài trăm triệu đến trên 1 tỉ đồng mỗi năm.

Theo UBND huyện Phú Hòa, bằng những quyết sách phù hợp của lãnh đạo huyện, nỗ lực của các cấp, ngành và sự cố gắng của toàn thể nhân dân, huyện Phú Hòa đã có những chuyển biến rõ rệt và tích cực. Đặc biệt, chất lượng đời sống người dân được nâng cao. Đến nay, hơn 94% người dân địa phương có việc làm ổn định. Thu nhập bình quân hàng năm của người dân cũng tăng từ 15,9 triệu đồng vào năm 2011 lên 40,27 triệu đồng năm 2019, tăng hơn 250%. Tỉ lệ hộ nghèo toàn huyện cũng giảm mạnh, từ 13,28% trong năm 2011 giảm còn 2,51% trong năm 2018.

Bài cuối: Làng quê đổi mới

Bên cạnh phát huy nội lực từ nông nghiệp, huyện Phú Hòa đang tập trung thu hút ngoại lực thông qua công tác xúc tiến đầu tư. Tạo bàn đạp cho việc này, huyện Phú Hòa đã xây dựng 3 cụm công nghiệp rộng gần 50ha cùng các chính sách cụ thể, ưu đãi để “hút” nhà đầu tư. Đến nay, Phú Hòa đã thu hút 22 dự án đầu tư vào huyện với tổng vốn gần 5.000 tỉ đồng, trong đó đã có 17 dự án đi vào hoạt động.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Hòa Nguyễn Ngọc Tường

TUYẾT HƯƠNG - TRUNG HIẾU

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/76/242179/huyen-lua-chuyen-minh-tiep-theo-bai-1.html