Huyện lương sơn: 'Gian hàng 0 đồng' san sẻ yêu thương trong mùa dịch
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, huyện Lương Sơn đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch. Trong những ngày giãn cách, không ít công nhân trong khu công nghiệp tạm nghỉ việc, nhiều gia đình khó khăn, vất vả. Với tinh thần 'nhường cơm, sẻ áo', nhiều hoạt động hỗ trợ người nghèo trong mùa dịch được cấp ủy Đảng, chính quyền huyện triển khai. Trong đó, mô hình 'Gian hàng 0 đồng' của LĐLĐ huyện và Huyện Đoàn Lương Sơn đã góp phần san sẻ khó khăn cho nhiều hộ nghèo.
"Gian hàng 0 đồng" được triển khai từ những ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội, mở 3 lần/tuần vào các ngày thứ Ba, thứ Năm và thứ Bảy tại xóm Cời, xã Tân Vinh. Ban đầu, tất cả nhu yếu phẩm đều do đoàn viên thanh niên và đoàn viên công đoàn huyện tự nguyện quyên góp ủng hộ. Theo kế hoạch, mỗi phiên mở cửa, gian hàng sẽ tặng khoảng 120 - 150 suất, gồm các nhu yếu phẩm cho đối tượng nghèo, hộ hoàn cảnh khó khăn, công nhân mất việc làm trên địa bàn các xã: Tân Vinh, Nhuận Trạch, Cư Yên, Lương Sơn. Với sự lan tỏa, sẻ chia của cộng đồng, qua đợt 1 triển khai, gian hàng đã trao gần 1.000 suất quà là các nhu yếu phẩm thông thường như: Gạo, mì tôm, trứng, dầu ăn, muối, mắm, rau củ quả cho hộ nghèo.
Đồng chí Bùi Anh Xứng, Bí thư Huyện Đoàn cho biết: Với tinh thần "một miếng khi đói bằng một gói khi no", san sẻ yêu thương trong dịch bệnh, thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 huyện, BTV Huyện Đoàn đã phối hợp
LĐLĐ huyện mở "Gian hàng 0 đồng" để hỗ trợ đối tượng hộ nghèo trong đại dịch. Khi triển khai, chúng tôi vừa làm vừa huy động các nguồn lực, trong đó chủ yếu là đoàn viên công đoàn và đoàn thanh niên. Tuy nhiên, đã có rất nhiều cơ quan, doanh nghiệp, nhà hảo tâm tham gia ủng hộ gian hàng cho thấy mô hình đã lan tỏa sự yêu thương, san sẻ trong cộng đồng. Chính vì vậy, sau đợt 1, chúng tôi tiếp tục mở nhiều hơn nữa những "Gian hàng 0 đồng" ở nhiều địa bàn khác, cho nhiều đối tượng để nhân rộng hơn nữa những hoạt động ý nghĩa hướng về người nghèo trong đại dịch.