Huyện Lương Sơn: Nhiều chuyển biến trong công tác tư pháp

Những năm qua, công tác Tư pháp trên địa bàn huyện Lương Sơn được triển khai thực hiện tích cực, tạo chuyển biến rõ rệt trên các lĩnh vực.

Xã Tân Vinh (Lương Sơn) cải cách thủ tục hành chính gắn với cải cách tư pháp phục vụ người dân đến giao dịch.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) được coi là nhiệm vụ trọng tâm trong việc tăng cường quản lý Nhà nước bằng pháp luật, là cầu nối đưa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với mọi người dân. Ngay từ đầu năm, Phòng Tư pháp tham mưu UBND huyện xây dựng, ban hành kế hoạch PBGDPL, chỉ đạo UBND các xã kiện toàn Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL. Trên địa bàn huyện có 10 báo cáo viên tuyên truyền pháp luật cấp huyện, 117 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ đầu năm đến nay, Phòng Tư pháp huyện mới tổ chức được 1 đợt tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại xã Cao Dương cho gần 200 lượt người tham dự. Nội dung tuyên truyền chủ yếu là pháp luật về bầu cử, đất đai, hôn nhân - gia đình, hộ tịch… Bên cạnh đó, Phòng chỉ đạo cán bộ tư pháp xã, thị trấn phối hợp các ngành, đoàn thể tăng cường tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, qua các hội nghị những nội dung pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích của Nhân dân như: Dân sự, đất đai, hôn nhân - gia đình, giao thông đường bộ, bình đẳng giới, phòng chống tham nhũng, khiếu nại, tố cáo… Đặc biệt, huyện đã phát động cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND” do Bộ Tư pháp tổ chức, theo đó, 100% cán bộ, công chức các phòng, ban, ngành đoàn thể và UBND các xã, thị trấn tham gia. Hoạt động hòa giải ở nhiều đơn vị có hiệu quả. Toàn huyện có 146 tổ hòa giải với tổng số 886 hòa giải viên, số vụ hòa giải 29 vụ, hòa giải thành 27 vụ, đạt 93%, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong Nhân dân.

Công tác tham gia xây dựng và thẩm định văn bản được đẩy mạnh. Phòng Tư pháp đã thẩm định 100% văn bản pháp quy của HĐND và UBND trước khi ban hành. Công tác đăng ký, quản lý hộ tịch được quan tâm, thường xuyên tuyên truyền, vận động Nhân dân đăng ký khai sinh, khai tử đúng hạn, nam nữ kết hôn đảm bảo các điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật; hồ sơ, sổ sách lưu trữ, ghi chép đầy đủ. 5 tháng đầu năm, trên toàn huyện thực hiện đăng ký khai sinh cho 350 trường hợp (1 trường hợp khai sinh có yếu tố nước ngoài); đăng ký kết hôn 102 trường hợp; khai tử 36 trường hợp; thay đổi, cải chính, bổ sung, xác định lại dân tộc 35 trường hợp; chứng thực 2.389 trường hợp.

Được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và các cấp chính quyền từ huyện đến cơ sở, công tác cán bộ của ngành Tư pháp huyện được củng cố, kiện toàn, đào tạo, bồi dưỡng. Hiện nay, đội ngũ cán bộ ngành đều có trình độ từ trung cấp luật trở lên. Công chức tư pháp - hộ tịch tích cực nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ các hồ sơ, thực hiện lưu trữ hồ sơ tương đối đầy đủ, tính pháp lý ngày càng đảm bảo chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, do việc sáp nhập xã dẫn đến một số vướng mắc về phần mềm chứng thực, thẩm quyền chứng thực. Việc không phân biệt thẩm quyền vẫn còn xảy ra do trình độ cán bộ hạn chế; việc cập nhật thông tin chưa đầy đủ, thường xuyên nên làm chậm quá trình xử lý hồ sơ; phương tiện làm việc phục vụ công tác chuyên môn còn thiếu, xuống cấp; kinh phí cho công tác PBGDPL còn ít…

Đồng chí Nguyễn Văn Năm, Trưởng Phòng Tư pháp huyện cho biết: Thời gian tới, Phòng tích cực tham mưu UBND huyện đẩy mạnh công tác PBGDPL, nhất là các văn bản luật mới được Quốc hội ban hành; tham mưu ban hành các văn bản có liên quan. Cập nhật, bổ sung đầu sách mới vào tủ sách pháp luật. Tổ chức giao ban với các xã, thị trấn về công tác tư pháp; đề ra giải pháp nâng cao hiệu quả, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong công tác PBGDPL của địa phương. Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ hòa giải và kế hoạch số hóa sổ hộ tịch.

Đinh Thắng

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/217/153064/huyen-luong-sonnhieu-chuyen-bien-tr111ng-cong-tac-tu-phap.htm