Huyện Lương Sơn: Nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính
Sau thời gian chuẩn bị hồ sơ thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp (DN) theo hướng dẫn của cơ quan chức năng, anh Lê Công Tiến ở xã Cao Dương đã hoàn thành đăng ký thành lập mới DN là Công ty TNHH vận tải Công Tiến. Cũng như anh Tiến, việc hoàn thành các thủ tục đăng ký thành lập Công ty TNHH du lịch cộng đồng và trải nghiệm Bản Mường Xanh của chị Lê Thị Thanh Huyền, xã Cao Sơn diễn ra thuận lợi với sự giúp sức tích cực của cán bộ, cơ quan chức năng huyện Lương Sơn. Đây chỉ là 2 trong nhiều trường hợp người dân, DN được hỗ trợ tích cực khi thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC).
Theo ông Nguyễn Tuấn Minh, Chủ tịch Hội DN huyện Lương Sơn, hiện nay, DN khi tới thực hiện các TTHC được đội ngũ cán bộ hướng dẫn tận tình, hồ sơ giải quyết kịp thời. Đặc biệt, thời gian gần đây, UBND huyện quan tâm giải quyết một số khó khăn, vướng mắc về TTHC trong lĩnh vực đất đai. Với sự chỉ đạo quyết liệt của huyện trong thời gian qua theo hướng đơn giản, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC là động lực để DN đầu tư, triển khai nhiều dự án trọng điểm.
Xung quanh vấn đề này, đồng chí Nguyễn Văn Danh, Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn chia sẻ: Là địa bàn trọng điểm của tỉnh về thu hút đầu tư, huyện xác định cải cách hành chính (CCHC) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài huyện. Mặc dù còn nhiều khó khăn, song Lương Sơn đã có nhiều sáng tạo, đổi mới trong quản lý, điều hành, thể hiện quyết tâm đột phá trong công tác CCHC. Trong đó, huyện chú trọng cải cách TTHC, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
Thời gian qua, UBND huyện tập trung chỉ đạo thực hiện tốt, có hiệu quả việc nâng cao chất lượng giải quyết TTHC. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công; đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, gắn với số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC từ truyền thống sang hiện đại, góp phần hình thành công dân số, DN số, chính quyền số.
100% cán bộ, công chức, viên chức tại bộ phận "một cửa" trong toàn huyện được tập huấn, hướng dẫn sử dụng phần mềm https://motcua.hoabinh.gov.vnvà thực hiện quy trình số hóa trong khâu tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC. Hiện, 12 bộ phận một cửa (gồm bộ phận "một cửa" cấp huyện và 11 bộ phận "một cửa" cấp xã) đã thực hiện số hóa trong giải quyết TTHC. Cùng với đó, phần mềm "một cửa” điện tử được nâng cấp đảm bảo đầy đủ yêu cầu để thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC theo quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN khi giao dịch TTHC không cần đến trực tiếp cơ quan, tổ chức, bộ phận thụ lý hồ sơ để yêu cầu và nhận kết quả, có thể ở tại nhà hoặc mọi lúc, mọi nơi có phương tiện kết nối internet để thực hiện các giao dịch hành chính. Theo thống kê, bộ phận "một cửa” các cấp trên địa bàn huyện đã thực hiện số hóa hồ sơ TTHC từ tháng 1/2022 đến hết tháng 8/2023 đạt 84,55%. Từ ngày 1/1 - 31/8/2023, toàn huyện tiếp nhận 17.182 hồ sơ, trong đó, nộp trực tuyến qua Cổng dịch vụ công (DVC) 16.580 hồ sơ, đạt 96,4%, vượt 41,4% chỉ tiêu tỉnh giao.
Đến nay, sau 2 năm thực hiện đề án "Đổi mới việc thực hiện cơ chế "một cửa”, "một cửa liên thông” trong giải quyết TTHC”, bộ phận "một cửa” các cấp trên địa bàn huyện đẩy mạnh chuyển đổi số, thay đổi cách thức giải quyết, theo dõi, giám sát, đánh giá kết quả giải quyết TTHC từ thủ công sang điện tử. Qua đó cắt giảm, đơn giản hóa việc thực hiện TTHC, tăng năng suất lao động... Ngoài ra, UBND huyện triển khai mô hình "Giải quyết TTHC lưu động”, thành lập tổ "Đoàn viên chuyển đổi số”, lấy lực lượng Đoàn Thanh niên là nòng cốt hỗ trợ người dân thực hiện TTHC tại nhà; xây dựng kế hoạch triển khai, quy trình hỗ trợ tổ chức, cá nhân thực hiện TTHC trực tuyến tại nhà thông qua đường dây nóng, các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội; xây dựng bộ tài liệu, video hướng dẫn thực hiện TTHC trực tuyến đăng tải trên trang thông tin điện tử và các trang mạng xã hội. Duy trì tổ chức thực hiện phương án triển khai và danh mục TTHC thực hiện tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả "4 tại chỗ” cấp huyện, cấp xã. Đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC trên môi trường điện tử, DVC trực tuyến, nhất là các DVC đã được kết nối, tích hợp, cung cấp trên Cổng DVC quốc gia. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân, DN giải quyết TTHC qua DVC trực tuyến.
Cùng với nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC, UBND huyện triển khai tổ chức thực hiện các văn bản từ T.Ư, tỉnh, huyện về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành, góp phần phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, đẩy mạnh CCHC gắn với chuyển đổi số của huyện.