Huyện Mai Châu: Nhiều khó khăn trong thi hành xử lý vi phạm hành chính

Thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) trên địa bàn huyện Mai Châu được các cơ quan, đơn vị tích cực triển khai đến các đối tượng, chú trọng quan tâm đến những đối tượng có nguy cơ vi phạm và người có thẩm quyền xử lý.

Cán bộ Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh tư vấn, tuyên truyền pháp luật cho người dân xã Bao La (Mai Châu).

Bằng nhiều hình thức tuyên truyền như thông qua hội nghị phổ biến pháp luật; lồng ghép phổ biến, quán triệt Nghị định số 81/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều và biện pháp thi hành Luật XLVPHC trong các cuộc họp, tập huấn, buổi nói chuyện; tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở; tổ chức thi tìm hiểu pháp luật. Theo đó, đã tổ chức 3 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho người trực tiếp làm công tác XLVPHC với 275 lượt người tham dự; 6 lớp tập huấn nghiệp vụ công tác tư pháp, trong đó có nội dung về XLVPHC cho đối tượng là công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã với 167 lượt người tham gia; cử cán bộ làm công tác XLVPHC tham gia lớp tập huấn chuyên sâu về XLVPHC tại Hà Nội. Phòng Tư pháp hướng dẫn nghiệp vụ XLVPHC cho UBND cấp xã khi có yêu cầu.

Trong 8 năm qua, các cơ quan chức năng của huyện đã ban hành 362 quyết định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) với tổng số tiền phạt thu được trên 845 triệu đồng. Nội dung vi phạm chủ yếu là lĩnh vực lâm nghiệp, môi trường, xây dựng, đất đai, hành lang an toàn giao thông, hôn nhân và gia đình... Trong đó, cấp huyện ban hành 56 quyết định đối với 56 đối tượng, số tiền trên 630 triệu đồng; cấp xã ban hành 306 quyết định đối với 306 đối tượng, số tiền trên 214 triệu đồng. Có 814 đối tượng bị lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, gồm: 582 đối tượng bị lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; 3 đối tượng bị lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc; 229 đối tượng bị lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Nhìn chung, công tác XLVPHC trên địa bàn huyện được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo theo quy định của pháp luật. Các cơ quan chức năng đã xác định đúng thẩm quyền, đúng đối tượng trong quá trình giải quyết các vụ VPHC. Khi phát hiện hành vi VPHC, kịp thời lập biên bản và ra quyết định XLVPHC, sau khi ban hành đôn đốc theo dõi việc thực hiện quyết định XLVPHC.

Tuy nhiên, trong thực hiện XLVPHC trên địa bàn huyện còn gặp một số khó khăn như: Điều kiện đảm bảo thi hành, lực lượng cán bộ làm công tác XLVPHC chuyên trách mỏng, địa bàn quản lý rộng, một số lĩnh vực phức tạp thiếu lực lượng thực thi nhiệm vụ. Trong quá trình thực hiện XLVPHC, một số cá nhân mặc dù ký biên bản VPHC, công nhận sai phạm nhưng chây ì không chịu nộp phạt. Luật XLVPHC có quy định việc cưỡng chế khi cá nhân, tổ chức bị phạt VPHC không tự nguyện chấp hành quyết định có thể khấu trừ tiền phạt từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm, nhưng hiện nay không phải cá nhân nào cũng có tài khoản ngân hàng, nhất là đối với người dân ở vùng sâu, vùng xa không có thu nhập ổn định. Chính vì vậy, vẫn còn có quyết định xử phạt VPHC không được cá nhân vi phạm thực hiện. Mặt khác, kinh phí dành cho việc triển khai thực hiện công tác XLVPHC trên địa bàn hạn chế, việc triển khai thường mang tính kết hợp cùng với các hoạt động phổ biến pháp luật khác, tính chủ động chưa cao…

Đồng chí Hà Thị Ly, Trưởng Phòng Tư pháp huyện cho biết: Để công tác thi hành pháp luật về XLVPHC trên địa bàn huyện đi vào nề nếp, hiệu quả, cần đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện VPHC trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước. Đồng thời, quan tâm tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu về XLVPHC nhằm nâng cao kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, người thi hành công vụ trong việc thi hành và áp dụng pháp luật về XLVPHC.

Đinh Thắng

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/217/153132/huyen-mai-chau-nhieu-kho-khan-tr111ng-thi-hanh-xu-ly-vi-pham-hanh-chinh.htm