Huyện Mộ Đức đẩy mạnh chuyển đổi số

Để phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, huyện Mộ Đức đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS) với nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả. Trong hành trình CĐS có sự đồng hành tích cực của người dân, cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện.

Nhiều lợi ích từ chuyển đổi số

Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và kinh doanh nấm Đức Nhuận (Mộ Đức) hiện có 8 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) cấp tỉnh. Tất cả các sản phẩm OCOP của HTX đều có mã QR và mã vạch in trên bao bì. Giám đốc HTX Sản xuất và kinh doanh nấm Đức Nhuận Lê Giang Phong cho biết, mã QR và mã vạch trên sản phẩm là một trong những tiêu chí để được công nhận đạt chuẩn OCOP. Tôi chủ động tìm tòi, học hỏi qua nhiều kênh và sự hỗ trợ từ các cơ quan chuyên môn để đăng ký thực hiện mã QR và mã vạch.

“Việc in mã QR và mã vạch mang lại nhiều ý nghĩa, bên cạnh việc phòng ngừa các sản phẩm làm nhái, còn giúp khách hàng tiếp cận nhiều hơn với các sản phẩm của HTX. Khách hàng chỉ cần dùng điện thoại quét mã QR là hiện ra website cập nhật, giới thiệu đầy đủ về các sản phẩm của HTX. Điều này giúp khách hàng yên tâm về sản phẩm; đồng thời tăng lượng truy cập vào website của HTX, qua đó tăng doanh số bán hàng”, ông Phong cho biết.

Các sản phẩm OCOP của huyện Mộ Đức đều in mã QR trên bao bì, giúp khách hàng tiếp cận đầy đủ thông tin về sản phẩm. Ảnh: BẢO HÒA

Các sản phẩm OCOP của huyện Mộ Đức đều in mã QR trên bao bì, giúp khách hàng tiếp cận đầy đủ thông tin về sản phẩm. Ảnh: BẢO HÒA

Tính đến tháng 6/2024, huyện Mộ Đức có 30 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao, 3 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao. Tất cả các sản phẩm đã số hóa thông tin sản phẩm thông qua mã QR. Huyện Mộ Đức đã thực hiện số hóa thông tin hồ sơ 14/33 sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Nhiều chủ thể đưa thông tin sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội, qua đó đưa sản phẩm đến với nhiều khách hàng hơn.

Đẩy mạnh CĐS trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện Mộ Đức đã triển khai các ứng dụng số như: Hệ thống tưới tiết kiệm, vận hành tưới tự động trên 500ha hoa màu; triển khai mô hình máy bay không người lái phục vụ chăm sóc một số diện tích trồng lúa. Cùng với đó, vùng trồng dưa hấu ở thôn Lương Nông Bắc, xã Đức Thạnh và vùng trồng lúa ở thôn 3, xã Đức Tân hiện đã được cấp mã số vùng trồng.

Phục vụ người dân hiệu quả hơn

Kế hoạch cao điểm 60 ngày đêm
Huyện Mộ Đức đã xây dựng và triển khai kế hoạch cao điểm 60 ngày đêm về thúc đẩy, nâng cao hiệu quả dịch vụ công trực tuyến; cài đặt, sử dụng ứng dụng VNeID, ứng dụng di động dành cho công chức, công dân trên địa bàn huyện. Mục tiêu là, từ ngày 1/8 - 1/10, tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến phấn đấu đạt 100%; tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 100%; phấn đấu 100% hồ sơ, thủ tục hành chính được giải quyết đúng hạn. Đối với tỷ lệ cài đặt, sử dụng ứng dụng VNeID: Đăng ký định danh điện tử mức độ 2 cho 85% công dân đủ điều kiện; thực hiện kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 2 đạt 90% công dân đã được cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2. Tỷ lệ cài đặt, sử dụng ứng dụng di động dành cho công chức (G - Quảng Ngãi) đạt 90 - 95%, ứng dụng dành cho công dân (C- Quảng Ngãi) (trong độ tuổi lao động) đạt 40 - 50%.

Đến tháng 6/2024, huyện Mộ Đức có 6/13 xã, thị trấn thiết lập tài khoản Zalo OA gồm: UBND thị trấn Mộ Đức, UBND các xã Đức Tân, Đức Thắng, Đức Hiệp, Đức Chánh và Đức Minh, giúp người dân tiếp cận các thông tin, chính sách một cách nhanh chóng, tiện lợi hơn. Huyện Mộ Đức cũng đã tích cực triển khai các mô hình “Hỗ trợ, hướng dẫn nộp hồ sơ trực tuyến”, “Công dân số”, “Hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng” tại các xã, thị trấn bước đầu đạt nhiều kết quả tích cực. Các tổ công nghệ số cộng đồng đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, hỗ trợ người dân tạo tài khoản, thanh toán trực tuyến... góp phần nâng cao tỷ lệ đăng ký thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Võ Lâm cho biết, ngay từ đầu năm, UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch thúc đẩy CĐS, phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số. Qua đó, góp phần nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Huyện Mộ Đức đã đầu tư trang thiết bị, thuê phần mềm phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ quan nhà nước. Cải tạo, nâng cấp hạ tầng đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn huyện.

Cán bộ, công chức sử dụng hiệu quả các hệ thống dùng chung của tỉnh trong quản lý điều hành và xử lý công việc. Trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn huyện, tỷ lệ xử lý hồ sơ dịch vụ công trực tuyến một phần đạt 98%; tỷ lệ xử lý hồ sơ dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt 99,8%; tỷ lệ số hóa hồ sơ thủ tục hành chính đạt 98,6%; số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 96,53%.

BẢO HÒA

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/trang-dia-phuong/huyen-mo-duc/202408/huyen-mo-duc-day-manh-chuyen-doi-so-00c4485/