Huyện Mường Tè đẩy mạnh xuất khẩu lao động

Thực hiện chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động (XKLĐ) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn huyện Mường Tè đẩy mạnh tuyên truyền chính sách hỗ trợ XKLĐ. Đồng thời, triển khai hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ về chi phí đào tạo, sinh hoạt trong thời gian đào tạo và chờ xuất cảnh. Qua đó, thay đổi tư duy, hành động của người dân, góp phần thúc đẩy công tác XKLĐ trên địa bàn.

Đồng chí Nguyễn Trường Giang - Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Tè cho biết: Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, huyện xác định công tác đưa NLĐ địa phương đi XKLĐ có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong giải quyết việc làm cho lao động là dân tộc thiểu số với mục tiêu xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Huyện phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị đẩy mạnh công tác truyền thông, thường xuyên đổi mới nội dung, đa dạng hình thức tuyên truyền. Qua đó, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, người dân tại các xã, thị trấn về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác XKLĐ; quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia XKLĐ.
Đồng thời, yêu cầu các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác quản lý Nhà nước về XKLĐ trên địa bàn, thông tin đơn hàng đi XKLĐ tại các thị trường có thu nhập cao, tình hình an ninh chính trị và kinh tế - xã hội ổn định; phối hợp với các công ty, doanh nghiệp được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho phép tuyển dụng lao động trên địa bàn tỉnh để tổ chức các hội nghị thông tin, tuyên truyền đến NLĐ. Xây dựng chính sách giải quyết việc làm cho người lao động (NLĐ) khi họ trở về nước và những chính sách hỗ trợ cho NLĐ khi có nhu cầu tiếp tục đi XKLĐ.
Xã Vàng San là một trong những địa phương tiên phong trong công tác đưa NLĐ đi xuất khẩu, chỉ tính riêng năm 2022 - 2023 trên địa bàn có 11 người sang Nhật Bản lao động. Qua câu chuyện với ông Lẻo Văn Môn ở bản Vàng San (xã Vàng San) giúp chúng tôi hiểu người dân đã thay đổi rất nhiều về nhận thức và hành động. Ông Môn chia sẻ: Năm 2022, con trai tôi là Lẻo Văn Thực đi XKLĐ ở Nhật Bản theo chương trình được Phòng LĐ-TB&XH huyện triển khai. Cháu đã được hỗ trợ gần 15 triệu đồng để học ngoại ngữ, tiền ăn, sinh hoạt phí, lệ phí làm thị thực… và được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 80 triệu đồng. Sau gần 1 năm lao động bên Nhật Bản, gia đình tôi trả hết nợ ngân hàng và cháu đã có sổ tiết kiệm riêng cho mình để sau khi về nước có vốn làm ăn. Thấy con trai tôi đi XKLĐ có thu nhập tốt, nhiều thanh niên trong bản đã đến chia sẻ mong muốn được đi XKLĐ.

Cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mường Tè phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã đẩy mạnh tuyên truyền xuất khẩu lao động tại xã Vàng San.

Cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mường Tè phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã đẩy mạnh tuyên truyền xuất khẩu lao động tại xã Vàng San.

Huyện Mường Tè có 14 đơn vị hành chính, dân số trên 47 nghìn người, gồm 10 dân tộc, trong đó có nhiều dân tộc đặc biệt như: Cống, Mảng, La Hủ, Si La… Để tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ được đi xuất khẩu, huyện triển khai hiệu quả các chính sách theo chương trình mục tiêu quốc gia, hỗ trợ kinh phí: đào tạo ngoại ngữ, tiền ăn, sinh hoạt phí trong thời gian đào tạo, hỗ trợ đi lại, lệ phí cấp hộ chiếu, xuất nhập cảnh… Trong giai đoạn 2022-2024, huyện đã đưa 25 lao động sang thị trường Hàn Quốc trong lĩnh vực thời vụ nông nghiệp 5 tháng (mức lương từ 38-42 triệu đồng/tháng); hợp đồng có thời hạn tại thị trường Nhật Bản 3 năm (mức lương 20 - 30 triệu đồng/tháng).
Giai đoạn từ năm 2022 - 2024, dù rất nỗ lực nhưng toàn huyện mới có 25 lao động đi xuất khẩu. Thực tế trên cho thấy việc đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài tại Mường Tè còn có những tồn tại. Số lao động tham gia XKLĐ còn thấp, mới tập trung ở một số xã: Vàng San, Can Hồ và rải rác ở xã Bum Nưa, Bum Tở, Mường Tè, Mù Cả, Thu Lũm và thị trấn, chưa tạo được phong trào XKLĐ rộng khắp trên địa bàn toàn huyện. Trình tự, thủ tục hoàn thiện hồ sơ trước khi đi XKLĐ mất nhiều thời gian, dẫn đến một số lao động bị dao động, bỏ ý định đi làm việc ở nước ngoài. Đối với lao động thời vụ 5 tháng trong lĩnh vực nông nghiệp tại Hàn Quốc còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân; công tác phỏng vấn tuyển chọn còn khắt khe, dẫn đến số lao động của địa phương được tuyển chọn đạt thấp.
“Huyện Mường Tè sẽ thường xuyên quan tâm, chỉ đạo nhằm nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền trong việc tuyên truyền và phối hợp với doanh nghiệp tuyển chọn lao động xuất khẩu; triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác XKLĐ các cấp, đặc biệt là tuyên truyền viên cơ sở; mở rộng đội ngũ cộng tác viên tuyên truyền XKLĐ tại các xã, bản, khu phố. Đây là cầu nối quan trọng giữa NLĐ, doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác XKLĐ. Chú trọng đào tạo nguồn lao động có chất lượng cao; trang bị cho NLĐ đi làm việc ở nước ngoài những kiến thức cơ bản trong quá trình lao động, nhất là ý thức của NLĐ trong việc chấp hành pháp luật lao động, phong tục tập quán của nước tiếp nhận. Lựa chọn các công ty, doanh nghiệp cung ứng lao động có uy tín, có trách nhiệm trong quản lý đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài… để thực hiện tốt mục tiêu XKLĐ” - đồng chí Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Tè cho biết thêm.

Hà Dũng

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/huy%E1%BB%87n-m%C6%B0%E1%BB%9Dng-t%C3%A8-%C4%91%E1%BA%A9y-m%E1%BA%A1nh-xu%E1%BA%A5t-kh%E1%BA%A9u-lao-%C4%91%E1%BB%99ng111