Huyện Mỹ Đức hoàn thành nhiều mục tiêu quan trọng trong thực hiện chuyển đổi số
Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Cảnh cho biết, để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội, huyện Mỹ Đức đề ra 14 mục tiêu. Tính đến hết tháng 9/2024, đã có 8/14 mục tiêu đã hoàn thành, trong đó có 4 mục tiêu vượt kế hoạch.
Hoàn thành 8/14 mục tiêu
Ngày 30/12/2022, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 18/NQ-TU về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Nhận thức tầm quan trọng của Nghị quyết số 18-NQ/TU, Kế hoạch 239/KH-UBND của UBND TP Hà Nội về chuyển đổi số, xây dựng TP Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, UBND huyện Mỹ Đức đã chủ động và sớm ban hành các kế hoạch thực hiện nội dung này, đảm bảo kịp thời sát với chỉ đạo của TP Hà Nội.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Cảnh cho biết, để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TU của Thành ủy, huyện Mỹ Đức đề ra 14 mục tiêu. Tính đến hết tháng 9/2024, huyện Mỹ Đức đã có 8/14 mục tiêu đã hoàn thành, có 4 mục tiêu vượt kế hoạch.
Về chính quyền số, huyện Mỹ Đức đã triển khai đạt kết quả tích cực, trong đó 1 mục tiêu hoàn thành vượt kế hoạch là “Hoạt động chỉ đạo điều hành, quản trị nội bộ, xử lý hồ sơ công việc của huyện đến các xã, thị trấn”, đến nay, 100% đã xử lý trên hệ thống Điều hành và quản lý văn bản, mail công vụ.
90% cuộc họp của UBND huyện và các xã, thị trấn không sử dụng tài liệu giấy; rà soát, đơn giản hóa quy trình giải quyết công việc nội bộ tại UBND huyện đạt 26,63%, tại UBND xã, thị trấn đạt tỷ lệ: 37,36 %; chỉ số hài lòng của người dân đạt trên 90%. Một mục tiêu hoàn thành theo kế hoạch của TP Hà Nội.
Triển khai thực hiện đầy đủ kịp thời các TTHC đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên nhiều nền tảng, phương tiện, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến được nâng lên cấp huyện đạt 65%, cấp xã 38%. Hai mục tiêu đang triển khai thực hiện.
Huyện Mỹ Đức đã duy trì và sử dụng hiệu quả mạng WAN của TP Hà Nội; đã đầu tư, nâng cấp trang thiết bị CNTT đồng bộ, hiện đại cho bộ phận Một cửa của UBND huyện và 7 xã, đang tiếp tục đầu tư cho các xã, thị trấn còn lại để phục tốt nhu cầu giải quyết TTHC của người dân và doanh nghiệp. Nâng cấp hệ thống mạng LAN và đã phê duyệt hồ sơ cấp độ, đang triển khai đánh giá, giám sát an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp cho hệ thống thông tin của huyện.
UBND huyện Mỹ Đức đã và đang triển khai các cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo hướng dẫn Trung ương, TP Hà Nội, đã đối soát, làm sạch, chuẩn hóa, thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt với 12.950 đối tượng hưởng trợ cấp xã hội, đạt 98,42%; 5.467/5.522 đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, đạt 99%; số hóa hộ tịch đang triển khai đã chuyển dữ liệu vào phần mềm 158 là 195.443/202.286 trường hợp, đạt 96,6%. Dự kiến, trong quý IV năm 2024 hoàn thành chuyển dữ liệu vào cơ sở dữ liệu hộ tịch.
Huyện Mỹ Đức đang tiếp tục nâng cao tỷ lệ số hóa TTHC, số hồ sơ được số hóa đầu vào đầu ra đạt 56,47%. Triển khai Hồ sơ sức khỏe điện tử đạt 97,32% người dân, thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mỹ Đức. Triển khai có hiệu quả nền tảng iHanoi trên địa bàn huyện, đã có 44.411 người cài đặt và sử dụng…
Về kinh tế số, tỷ trọng kinh tế số trong tổng giá trị sản xuất của huyện Mỹ Đức 9 tháng đầu năm đạt 21%, năng suất lao động tăng so với năm 2023 7,3%.
Huyện Mỹ Đức đã cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; cải cách bộ máy hành chính. Đồng thời, tăng cường ứng dụng CNTT, hỗ trợ, đồng hành cùng DN khởi nghiệp, hỗ trợ chuyển đổi số cho DN nhỏ và vừa, khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN. Triển khai chuẩn hóa thông tin định danh về đăng ký thuế và hướng dẫn nộp điện tử qua phần mềm eTax Mobile đến 100% hộ kinh doanh.
Triển khai mô hình chợ 4.0 - thanh toán không dùng tiền mặt tại 12 chợ, 1 tuyến phố. Tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh, người dân quảng bá, bán sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội Shopee, Lazada, Facebook, Tiktok… Xây dựng, tích hợp Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản Hệ thống của Hà Nội đã có 18 đơn vị được cấp tài khoản trên hệ thống TP.
Về xã hội số, đã hoàn thành 5 mục tiêu, trong đó, tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt trên 80%; mạng Internet băng thông rộng tới 90% hộ gia đình; tỷ lệ dân số trưởng thành khu vực đô thị có tài khoản điện tử đạt 72%; tỷ lệ người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử đạt 97,32%; đánh giá mức độ chuyển đổi số trong các trường Tiểu học và THCS của huyện, 100% các trường đạt mức độ 2 trong cả 2 nhóm tiêu chí “Chuyển đổi số trong dạy học” và “Chuyển đổi số trong quản trị trường học”.
Lắp đặt wifi miễn phí cho 100% nhà văn hóa thôn
Theo ông Đặng Văn Cảnh, hiện nay, huyện Mỹ Đức còn 2 mục tiêu đang triển khai thực hiện, đó là dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân (hiện nay, huyện Mỹ Đức đã cấp trên 15.000 chữ ký số cá nhân) và người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng cơ bản, làm nền tảng sử dụng dịch vụ số.
Để thúc đẩy chuyển đổi số, phổ cập điện thoại thông minh trên địa bàn, huyện Mỹ Đức đã chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát các hộ nghèo, cận nghèo chưa có điện thoại thông minh để phối hợp với doanh nghiệp viễn thông hỗ trợ giảm giá thành. Phối hợp với doanh nghiệp hỗ trợ miễn phí cho người dân đang sử dụng SIM, điện thoại 2G sang SIM và điện thoại 4G, đến nay, đã hỗ trợ, cấp miễn phí cho trên 1.600 người.
Đồng thời, huyện cũng chỉ đạo phòng Văn hóa và Thông tin, UBND các xã, thị trấn phối với FPT Telecom chi nhánh Mỹ Đức lắp đặt wifi miễn phí cho 100% nhà văn hóa thôn, miễn phí 6 tháng sử dụng và giảm 50% giá dịch vụ từ tháng tiếp theo.
Huyện Mỹ Đức đã thành lập và hoạt động có hiệu quả 129 tổ chuyển đổi số cộng đồng thôn, 22 tổ chuyển đổi số cộng đồng xã. Triển khai kênh Zalo OA “Chính quyền điện tử của huyện” và của 10 xã, trang Zalo, nhóm Zalo của tổ chuyển đổi số cộng đồng để tuyên truyền, hỗ trợ người dân về chuyển đổi số.
Triển khai lắp đặt mạng Internet không dây tại các nhà văn hóa và hỗ trợ smart TV, hệ thống âm thanh, camera giám sát tại một số nhà văn hóa thôn xây dựng mô hình thôn thông minh để phục vụ người dân, thúc đẩy chuyển đổi số, tạo sự lan tỏa trên địa bàn toàn huyện; mô hình “Trường học thông minh”; mô hình “Thủ tục hành chính không hẹn ngày”; “Bộ phận một cửa thân thiện, hiện đại”.