Huyện Mỹ Tú chủ động khống chế dịch bệnh tay - chân - miệng

Cũng như các địa phương khác trong tỉnh, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) có số ca mắc tay - chân - miệng năm 2022 tăng nhiều so cùng kỳ năm 2021. Do có sự chủ động chuẩn bị trong phòng, chống dịch tay - chân - miệng, dù là địa phương có số ca mắc tay - chân - miệng nhiều của tỉnh nhưng đến thời điểm hiện tại, công tác phòng, chống dịch này trên địa bàn huyện Mỹ Tú đã phát huy được hiệu quả, khống chế dịch chủ động.

Chăm sóc bệnh nhi bị tay - chân - miệng. Ảnh: KGT

Chăm sóc bệnh nhi bị tay - chân - miệng. Ảnh: KGT

Bác sĩ chuyên khoa 2 Dương Minh Trí - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mỹ Tú cho biết: "Chúng tôi đã dự báo ngay từ đầu năm là tình hình dịch tay - chân - miệng sẽ có khả năng bùng phát mạnh bởi vì năm 2022 là đúng chu kỳ 5 năm của dịch tay - chân - miệng, do đó chúng tôi đã rất chủ động chuẩn bị mọi điều kiện từ cơ sở vật chất, thuốc, nhân lực… ứng phó với dịch tay - chân - miệng, dịch sốt xuất huyết, dịch Covid-19 với phương châm “không để dịch chồng dịch". Do đó, chúng tôi không bị động trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh; công tác phòng, chống dịch và hoạt động điều trị đều đạt kết quả khả quan, khống chế dịch chủ động”.

Theo đó, đến ngày 14/8/2022, trên địa bàn huyện Mỹ Tú ghi nhận 172 ca tay - chân - miệng, tăng 93 ca so cùng kỳ, có 14 ổ dịch, tăng 4 ổ dịch so cùng kỳ năm 2021. Các địa phương có số ca mắc cao gồm xã Mỹ Tú, thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa, xã Mỹ Thuận, xã Thuận Hưng. Đa số là ca nhẹ, hầu hết các ca bệnh là trẻ dưới 6 tuổi. Mặc dù số ca bệnh tăng nhiều so cùng kỳ nhưng với sự chủ động, tích cực trong phòng, chống dịch; chuẩn bị từ sớm, từ đầu các điều kiện nên đã khống chế không để dịch bùng phát, lan rộng, số ca bệnh giảm dần; hoạt động điều trị đạt hiệu quả cao.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Trương Văn Hận - Trưởng Khoa Nhi (Trung tâm Y tế huyện Mỹ Tú) cho hay: “Số ca nhập viện và điều trị tại Trung tâm Y tế huyện do bệnh tay - chân - miệng đỉnh điểm từ tháng 4 đến tháng 6, thời điểm đó, mỗi ngày khoa khám, điều trị cho khoảng 20 ca, đa số là ca nhẹ. Công tác điều trị ca bệnh được đảm bảo với sự chuẩn bị chủ động ngay từ đầu, không có ca chuyển nặng, hạn chế ca chuyển viện. Đến thời điểm hiện tại, mỗi ngày khám, điều trị 1 - 2 ca tay - chân - miệng. Các bậc phụ huynh nên thực hiện rửa tay thường xuyên cho trẻ bằng xà phòng, rửa tay trước khi cho trẻ ăn, khi có các dấu hiệu sốt, nổi mụn nước bàn tay, bàn chân, miệng phải đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị sớm, tránh ca bệnh chuyển nặng”.

Song song với công tác điều trị, công tác dự phòng, xử lý ổ dịch cũng được thực hiện nhanh chóng, triệt để. Đặc biệt, thời điểm hiện tại sắp bước vào năm học mới nên Trung tâm Y tế huyện phối hợp chặt chẽ với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện triển khai công tác phòng, chống tay - chân - miệng quyết liệt trong các trường học (khử khuẩn bằng cloramin B, điều tra dịch tễ, truyền thông…) để học sinh bước vào năm học mới thực sự an toàn. Tổ chức đánh giá mức độ nguy cơ để đề ra kế hoạch giám sát ca bệnh, chủ động xử lý dịch. Riêng các ca bệnh tay - chân - miệng điều trị nội trú tại Trung tâm Y tế huyện được bố trí hợp lý để vừa nâng cao hiệu quả điều trị, vừa phòng, chống lây nhiễm chéo.

Trước đó, công tác tập huấn nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị cho nhân viên y tế tại đơn vị và tuyến dưới, cũng như cử cán bộ, nhân viên y tế tập huấn nâng cao năng lực điều trị sốt xuất huyết, tay - chân - miệng tại các tuyến trên được thực hiện liên tục. Phối hợp chặt chẽ với các bệnh viện trong tỉnh để hội chẩn liên viện trong chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết, tay - chân - miệng.

Đồng thời, xác định công tác truyền thông có vai trò rất quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh nên ngành Y tế huyện phối hợp với các cấp, các ngành tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe với nội dung và hình thức phong phú, truyền đi thông điệp phòng, chống bệnh tay - chân - miệng đến cộng đồng, góp phần nâng cao nhận thức cho người dân trong phòng, chống dịch bệnh.

Chị Phan Thị Hằng, ngụ xã Long Hưng, huyện Mỹ Tú chia sẻ: "Cháu nhà tôi được 6 tuổi. Tuần rồi thấy cháu sốt và có biểu hiện giống như trên trạm y tế xã tuyên truyền về tay - chân - miệng, gia đình đưa cháu vào Trung tâm Y tế huyện Mỹ Tú điều trị và được chẩn đoán mắc tay - chân - miệng. Đến nay, cháu đã khỏe nhiều, chuẩn bị xuất viện”.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Dương Minh Trí cho biết thêm: “Thời gian tới, Trung tâm Y tế huyện tiếp tục phát huy kết quả đạt được của công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch tay - chân - miệng và sốt xuất huyết. Tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe để nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh cho người dân”.

HOÀNG PHÚC

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/huyen-my-tu/huyen-my-tu-chu-dong-khong-che-dich-benh-tay-chan-mieng-58858.html