Huyện nghèo Tủa Chùa nỗ lực xây dựng trường học chuẩn quốc gia

Là huyện miền núi, vùng cao đặc biệt khó khăn bởi địa hình chia cắt phức tạp, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, nhưng bằng các giải pháp chỉ đạo thiết thực, phù hợp và tấm lòng nhiệt huyết, trách nhiệm của các thầy giáo, cô giáo, huyện Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên) đã ngày càng có thêm nhiều trường học đạt chuẩn quốc gia.

Cán bộ, chiến sĩ Công an xã Trung Thu hỗ trợ thầy, trò Trường PTDT bán trú THCS Trung Thu làm tường bao quanh trường.

Cán bộ, chiến sĩ Công an xã Trung Thu hỗ trợ thầy, trò Trường PTDT bán trú THCS Trung Thu làm tường bao quanh trường.

Gắn bó với sự nghiệp giáo dục ở Tủa Chùa đã mấy chục năm, ông Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Tủa Chùa là người tường tận khó khăn nhiều mặt của việc dạy và học ở nơi này. Trò chuyện với chúng tôi, ông Sơn cho biết: Địa bàn xa xôi cách trở; trường, lớp ở nhiều bản, nhiều xã là nhà tạm; đời sống người dân khó khăn, nhiều người không quan tâm sự học của con em… Chẳng nói đâu xa, cách đây hơn sáu năm (năm học 2016-2017) toàn huyện có 16 trường tiểu học thì có 15 trường mở lớp tại các điểm bản lẻ; số trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia trong huyện mới đạt 18,7% trong khi cùng thời điểm ấy nhiều huyện trên địa bàn tỉnh đã có hơn 50% số trường đạt chuẩn.

Trong số các tiêu chí quy định trường chuẩn thì hầu hết các trường học ở huyện Tủa Chùa đều gặp khó khăn chung về thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị. Khắc phục khó khăn, hằng năm, Phòng Giáo dục và Đào tạo Tủa Chùa chủ động tham mưu với Ủy ban nhân dân huyện huy động nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện và các nguồn vốn lồng ghép từ chương trình. Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học, Đề án phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững... để ưu tiên đầu tư trường, lớp học và các công trình phục vụ dạy, học, ăn, ở của học sinh.

Địa phương coi trọng phương châm “Giáo dục là sự nghiệp toàn dân”; quan tâm huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ hoạt động giáo dục trên tất cả các mặt: Văn hóa, đạo đức cho học sinh, quản lý giáo dục, đầu tư cơ sở vật chất… Trong công tác chuyên môn, Phòng chỉ đạo thực hiện sắp xếp, kiện toàn đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục tâm huyết, chuyên môn tốt, đáp ứng các yêu cầu đổi mới giáo dục toàn diện.

Căn cứ điều kiện thực tiễn và sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền cùng nhân dân địa phương, nhiều trường thuộc vùng đặc biệt khó khăn ở Tủa Chùa, như địa bàn các xã: Trung Thu, Sín Chải, Huổi Só, Tả Phìn… đã linh hoạt trong kêu gọi nguồn lực trong nhân dân, các tổ chức xã hội hóa, chung tay hoàn thiện cơ sở vật chất trường, lớp.

Thầy Ngô Sơn Ngân, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Trung Thu cho biết: So với các địa bàn khác, việc xây dựng trường chuẩn của thầy, trò nhà trường khó khăn hơn rất nhiều. Trường thiếu phòng học bộ môn, phòng y tế, đoàn đội, phòng làm việc ban giám hiệu, nhưng khó khăn nhất là nước sinh hoạt vì đây là địa bàn vốn “nổi tiếng” khô hạn. Khắc phục khó khăn, ban giám hiệu đã kêu gọi phụ huynh hỗ trợ nguyên vật liệu, thầy, trò góp sức đào đường ống dẫn nước, làm tường bao quanh sân. Hằng tuần, mỗi thầy cô cùng học sinh luân phiên thu dọn vệ sinh quanh trường, đồng thời hướng dẫn người dân trong xã nạo vét bể chứa, vệ sinh đường ống dẫn nước, vệ sinh thôn, bản.

Chung thực trạng thiếu cơ sở vật chất, Trường tiểu học Tủa Thàng số 2 (tại xã Tủa Thàng, huyện Tủa Chùa) còn thêm khó vì thiếu phòng học, trang thiết bị tại điểm bản Đề Chu, Huổi Trẳng và Tà Si Láng. Lớp học tại các điểm bản này cách trường trung tâm gần 15km, hầu hết học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số (H’Mông, Thái) thuộc diện hộ nghèo, nhận thức về tầm quan trọng của sự học còn hạn chế. Vì thế, riêng việc vận động các bậc cha mẹ cho con em đi học chuyên cần đã khó…

Thầy Vũ Ngọc Luyện, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tủa Thàng số 2 cho biết: Theo quy định, học sinh lớp 3 bắt buộc học Tin học, tiếng Anh trong khi điểm bản không có trang thiết bị, vậy nên nhà trường phải nhiều lần tuyên truyền, vận động các bậc cha mẹ đưa con về trường trung tâm. “Hầu hết các gia đình đều lấy lý do khó khăn, phải đi làm nương không có điều kiện đưa, đón cho nên các thầy cô phải thay phiên nhau về điểm bản đón học sinh đến trường; chăm lo cho từng bữa ăn, giấc ngủ rồi cuối tuần thầy cô lại đưa các cháu về nhà.

“Sự kiên trì cũng dần dần giúp các bậc cha mẹ hiểu tấm lòng thầy, cô nên đã chung tay lo việc học hành cho các cháu. Giờ thì mọi người đều sẵn lòng cùng thầy cô giáo vệ sinh trường lớp, đưa đón con em mỗi ngày!”, thầy Luyện vui vẻ kể thêm.

Bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ của thầy, trò toàn ngành cùng sự góp sức của nhân dân trên địa bàn, trong năm học 2021-2022, ngành giáo dục và đào tạo huyện Tủa Chùa có thêm sáu đơn vị, gồm: Trường mầm non Thị trấn, Trường mầm non Hoa Ban, Trường mầm non Mường Đun, Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Tủa Thàng số 1, Trường tiểu học Tủa Thàng số 2, Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Trung Thu được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia ở mức độ 1 và Trường THCS Mường Báng được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.

Với kết quả đó, số trường đạt chuẩn trong toàn huyện Tủa Chùa đạt 48,8% (20 trong số 41 trường); chất lượng giáo dục toàn diện của Tủa Chùa cũng ngày càng được nâng lên. Trong năm học 2021-2022, 100% số trẻ từ mầm non đến tiểu học đều học 2 buổi/ngày, 99,2% trẻ được ăn bán trú tại trường, các trẻ được bảo đảm an toàn về thể chất, tinh thần; tỷ lệ học sinh tiểu học thực hiện tốt các yêu cầu học tập của môn học và hoạt động giáo dục tăng, 99% số học sinh tiểu học hoàn thành chương trình lớp học; tỷ lệ học sinh THCS đạt hạnh kiểm khá và tốt là 98,1%, học lực khá và giỏi là 46,5%, 100% số học sinh tốt nghiệp THCS; nhiều học sinh giỏi lớp 9 đoạt giải các môn văn hóa cấp tỉnh, cấp huyện, được các cấp, các ngành tặng thưởng, động viên.

Bài, ảnh: LÊ LAN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-giao-duc/huyen-ngheo-tua-chua-no-luc-xay-dung-truong-hoc-chuan-quoc-gia--700269/