Huyện Ngọc Lặc nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả kinh tế

Trong những năm qua, huyện Ngọc Lặc đã tập trung phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả kinh tế cao, từng bước nhân rộng trên địa bàn, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững và đẩy nhanh tiến trình thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Mô hình sản xuất dưa vàng trong nhà lưới ở xã Kiên Thọ cho năng suất, chất lượng cao.

Thực hiện Đề án “Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, năng suất, chất lượng, hiệu quả gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2021, định hướng đến năm 2025” nhằm phát triển các mô hình kinh tế sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn gắn với tiêu thụ sản phẩm. Ðể triển khai thực hiện các mô hình phát triển sản xuất thành công, huyện Ngọc Lặc đã phân công các phòng chuyên môn xuống cơ sở tìm hiểu các gia đình có điều kiện về vốn, nhân lực để động viên xây dựng mô hình sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật và quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn người dân thực hiện các mô hình theo quy trình, kỹ thuật sản xuất. Từ năm 2012 đến nay, bằng nguồn vốn được phân bổ từ Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Ngọc Lặc đã triển khai xây dựng được 77 mô hình với 964 hộ và 3 HTX tham gia, giải quyết việc làm cho khoảng 1.000 lao động. Nhìn chung, các mô hình được triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện của từng địa phương trong huyện và đạt hiệu quả kinh tế, từng bước được nhân rộng. Đa số các mô hình sản xuất được lựa chọn phù hợp với điều kiện thực tiễn của cơ sở, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, từng bước thay đổi tập quán sản xuất truyền thống, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân. Những mô hình phát triển sản xuất còn góp phần thúc đẩy việc phát triển nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung. Điển hình như mô hình trồng cây ăn quả có múi tại các xã Lộc Thịnh, Cao Ngọc, Thạch Lập, Ngọc Sơn, Phúc Thịnh, Ngọc Liên...

Trong chăn nuôi, nhiều mô hình liên kết chăn nuôi gà gia trại theo hướng hàng hóa được hình thành và nhân rộng tại các xã Lộc Thịnh, Cao Thịnh, Ngọc Sơn, Kiên Thọ, Mỹ Tân, Minh Sơn, Thạch Lập... Mỗi mô hình đạt 3 lứa/năm, bình quân mỗi lứa nuôi 3.000 con gà và cho doanh thu 100 triệu đồng/năm/mô hình. Mô hình chăn nuôi lợn sinh sản kết hợp nuôi thịt theo hướng sản xuất hàng hóa tại xã Kiên Thọ sau 3 năm thực hiện đã nhân rộng được 18 hộ, với quy mô 300 con/lứa/hộ, doanh thu bình quân khoảng 100 triệu đồng/hộ/năm. Mô hình trang trại nuôi lợn sinh sản kết hợp nuôi thịt tại xã Nguyệt Ấn quy mô 100 nái và 700 thịt/lứa, doanh thu hàng tỷ đồng/năm...

Ngoài các mô hình được hỗ trợ từ Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Ngọc Lặc còn tổ chức xây dựng các mô hình thử nghiệm giống mới, mô hình ớt xuất khẩu, mô hình ngô ngọt, mô hình bảo tồn nếp hạt cau... Đồng thời, phát huy lợi thế đất đai khuyến khích nhân dân phát triển các mô hình kinh tế trang trại, gia trại.

Để tiếp tục phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất kinh tế hiệu quả, huyện Ngọc Lặc đang tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cho người dân các cơ chế chính sách của tỉnh, của huyện để đầu tư phát triển sản xuất. Chủ động chuyển đổi những diện tích cây trồng không hiệu quả sang trồng các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Phát triển các cây trồng, vật nuôi có lợi thế và khả năng tiêu thụ sản phẩm gắn với tiềm năng, thế mạnh của huyện. Đồng thời, chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho người dân trong việc thực hiện các mô hình và cung ứng các loại vật tư cần thiết để thực hiện các mô hình hiệu quả. Thành lập các HTX, các tổ hợp tác để mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Tiếp tục kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp triển khai thực hiện các dự án trồng trọt, chăn nuôi trên địa bàn huyện.

Bài và ảnh: Hải Đăng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/huyen-ngoc-lac-nhan-rong-cac-mo-hinh-san-xuat-hieu-qua-kinh-te/107889.htm