Huyện Như Thanh bảo đảm an toàn các công trình hồ, đập trước mùa mưa, lũ
Như Thanh là huyện có nhiều hồ chứa, đập dâng, nhưng hầu hết được xây dựng từ rất lâu nên đã xuống cấp, hư hỏng. Để giảm thiểu nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa, lũ, huyện Như Thanh đã chủ động triển khai nhiều phương án nhằm bảo đảm an toàn cho các hồ, đập trên địa bàn.
Công trình hồ Chẫm Khê, xã Yên Thọ.
Theo thống kê, hiện toàn huyện Như Thanh có 165 hồ, đập. Trong đó, hồ Sông Mực, hồ Mậu Lâm do Công ty TNHH MTV Sông Chu - Chi nhánh Như Thanh quản lý và khai thác; hồ Đồng Bể do Công ty TNHH MTV Sông Chu - Chi nhánh Triệu Sơn quản lý và khai thác và 162 hồ, đập nhỏ khác do UBND huyện quản lý và khai thác. Các công trình hồ, đập trên phục vụ nước tưới cho hơn 6.400 ha trồng lúa, hơn 3.000 ha cây màu và phục vụ nước sinh hoạt cho khoảng 3.500 hộ dân trong vùng. Trong những năm qua, được sự quan tâm của tỉnh, Trung ương, huyện Như Thanh đã nâng cấp, cải tạo được hàng chục công trình hồ, đập, như: hồ Hố Chu, xã Cán Khê; hồ Rừng Luồng, xã Mậu Lâm; hồ Eo Lim, xã Xuân Khang... Tuy nhiên, hiện trạng đa số các công trình là: Đập đất thấp, mặt cắt đập bé, mái thượng và hạ lưu bị sạt lở; tràn xả lũ là tràn đất và không đủ bề rộng thoát lũ; cống lấy nước bị lùng mang và không có cửa van vận hành; lòng hồ bị bồi lắng nghiêm trọng, làm cho hồ chứa mất khả năng tích nước, như: hồ Đồng Vinh, hồ Cầu Lim, liên hồ Cây Sú (xã Mậu Lâm); hồ Nam Bình, Khe Đu (xã Xuân Phúc); hồ Bái Ổi (xã Thanh Kỳ); hồ Vân Thành, hồ Xuân Lai (xã Hải Vân); hồ Ngọc Đông (xã Xuân Thọ); hồ Trường Sơn, hồ Khanh Trâu (xã Xuân Du); hồ Năng Nháp (xã Thanh Tân)...
Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa, lũ gây ra, ngay từ đầu năm, các đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện Như Thanh đã chủ động xây dựng kế hoạch, vật tư, nhân lực và phương án phòng chống thiên tai, bảo đảm an toàn các công trình thủy lợi, nhất là hệ thống hồ, đập. Theo đó, UBND huyện đã chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu thi công, đối với các công trình đang xây dựng chủ động có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình trước, trong mùa mưa bão. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức người dân trong việc chủ động triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống thiên tai, chủ động phòng, tránh và ứng phó; bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân. Phối hợp thực hiện tốt phương án phòng, chống lụt bão, bảo đảm an toàn đập trong mùa mưa, lũ. Kiểm tra, giám sát toàn diện việc chấp hành quy định pháp luật về quản lý an toàn hồ, đập. Bên cạnh đó, UBND các xã, thị trấn vận động Nhân dân phát quang, nạo vét thông thoáng dòng chảy, tháo dỡ, dọn dẹp những vật cản trên bờ, kênh mương làm ách tắc dòng chảy, hạn chế đến việc tiêu thoát nước. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức, thực hiện tuần tra canh gác, phát hiện ngay từ giờ đầu sự cố công trình hồ đập, cơ sở hạ tầng, công trình công cộng... xử lý kịp thời để bảo đảm an toàn công trình trong mọi tình huống. Ngoài nâng cấp, sửa chữa các hồ, đập, huyện Như Thanh còn chỉ đạo các địa phương chuẩn bị phương án phòng, chống mưa bão theo phương châm “4 tại chỗ”; chuẩn bị vật liệu cọc tre, bao cát sỏi để gia cố các chân hồ, đập và những điểm có nguy cơ cao bị rò rỉ nước, sạt trượt mái. Mặt khác, các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi cần củng cố, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ quản lý và khai thác hồ chứa cho cán bộ, nhân viên; thường xuyên kiểm tra phát hiện sớm những nguy cơ mất an toàn công trình và có biện pháp xử lý kịp thời. Khẩn trương rà soát, điều chỉnh xây dựng phương án phòng, chống thiên tai từng hồ chứa và chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, trang thiết bị, phương tiện dự phòng, bảo đảm chủ động ứng phó trong mọi tình huống thiên tai, sự cố có thể xảy ra.