Huyện Nông Cống chủ động phòng, chống nắng nóng và bảo vệ thủy sản trong mùa mưa bão

Huyện Nông Cống có 918 ha nuôi trồng thủy sản; trong đó, nuôi trồng nước lợ 230 ha, nước ngọt 688 ha, tập trung chủ yếu tại các xã Trường Giang, Thăng Long, Tượng Văn... Diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện đã được quy hoạch và đầu tư đồng bộ, nhất là hệ thống cấp, thoát nước cho ao nuôi. Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thời tiết gây ra đối với sản xuất thủy sản trong mùa nắng nóng và mưa bão, huyện đã tích cực chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đưa ra những khuyến cáo để các hộ nuôi trồng thủy sản triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống.

Mô hình nuôi thủy sản của gia đình ông Lê Thế Hưng, tại xã Trường Giang cho hiệu quả kinh tế khá.

Mùa hè năm nay, dự báo nắng nóng sẽ kéo dài, gây ảnh hưởng bất lợi cho sản xuất nông nghiệp nói chung và nuôi trồng thủy sản nói riêng. Trước những nguy cơ đó, ngay từ những ngày đầu tháng 4, huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trung tâm dịch vụ nông nghiệp phối hợp với chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về những nguy cơ của thời tiết nắng nóng, mưa bão đối với sản xuất thủy sản và các biện pháp phòng, chống theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp. Đồng thời, chỉ đạo cán bộ chuyên môn tăng cường công tác kiểm tra, rà soát các vùng nuôi trồng thủy sản, nhất là các vùng có nguy cơ bị ngập úng khi mưa lớn xảy ra, trực tiếp hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống để tránh bị thiệt hại.

Với gần 1 ha mặt nước nuôi các loại thủy sản, mỗi năm gia đình ông Lê Thế Hưng, ở thôn 7, xã Trường Giang thu được gần 4 tấn cá, tôm các loại, lãi hơn 200 triệu đồng. Vì vậy, công tác chăm sóc, bảo vệ các giống nuôi thủy sản được ông Hưng coi trọng hàng đầu. Nhiệt độ là một trong các thông số quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới sinh trưởng, phát triển cá, tôm. Những ngày nhiệt độ ngoài trời lên hơn 40 độ C thì trên ao nuôi nhiệt độ cũng sẽ tăng cao lên tới hơn 36 độ C, dẫn tới hiện tượng thiếu oxy dưới tầng đáy hoặc khi trời mưa bão, nhiệt độ cao ở mặt nước sẽ đột ngột hạ thấp khiến các loại thủy sản dễ bị sốc nhiệt, ngộ độc, các loại dịch bệnh dễ phát sinh và lây lan. Bởi vậy, ông Hưng thường xuyên kiểm tra đàn cá, tôm khi thời tiết thay đổi, sử dụng các loại chế phẩm để phân hủy mùn bã hữu cơ, tăng cường sục khí oxy, điều hòa nhiệt độ mặt nước và thải loại khí độc trong ao... Bên cạnh đó, ông thường xuyên kiểm tra và tu bổ lại bờ ao chắc chắn.

Được biết, xã Trường Giang hiện có 164,6 ha nuôi trồng thủy sản; trong đó, nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến 95,5 ha và các hộ ngoài đê nuôi chủ yếu tôm sú, cua, cá... Đối với các hộ nuôi trồng ở khu đất dự án, đất chuyển đổi trang trại kết hợp nuôi tôm thẻ chân trắng, cá vược, rô phi và một số cá nước lợ truyền thống. Giá trị bình quân hằng năm từ việc nuôi thủy sản ước đạt từ 250 - 320 triệu đồng/ha. Đồng chí Lê Văn Liêm, Chủ tịch UBND xã Trường Giang, cho biết: Nuôi trồng thủy sản là một trong những nghề mang lại thu nhập chính cho người dân trong xã. Do vậy đảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo, định hướng bà con tích cực đẩy mạnh việc tu bổ ao đầm, hệ thống tiêu nước, nhất là trong mùa mưa bão; tổ chức một số lớp tập huấn kỹ thuật, nâng cao kiến thức, tay nghề cho người nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, xã chủ động khai thác có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ và có những chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân mạnh dạn và chủ động hơn trong phát triển nghề nuôi trồng thủy sản.

UBND huyện Nông Cống khuyến cáo, các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn liên tục cập nhật, theo dõi diễn biến của thời tiết để chủ động triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn. Đối với ao nuôi, ruộng nuôi cá 1 vụ phải thường xuyên kiểm tra, gia cố cống thoát nước bảo đảm chắc chắn, thông thoáng để tránh tràn bờ, vỡ bờ. Những ngày nắng nóng, sử dụng lá chuối, bèo tây, phủ lưới trên mặt nước để hạn chế tăng nhiệt độ nước trong ao. Hạn chế đánh bắt, san thưa, vận chuyển, thả giống vào những ngày nắng nóng. Môi trường nước sông, ao, đầm khi có dấu hiệu bất thường, cá bỏ ăn, nhiễm bệnh phải thông tin ngay với cơ quan chuyên môn của huyện để kịp thời có biện pháp xử lý khắc phục, bảo vệ sản xuất. Đồng thời, tập trung chăm sóc thu hoạch cá thương phẩm và tiêu thụ trước tháng 7 dương lịch. Trong những ngày nắng nóng, cần bổ sung men tiêu hóa, vitamin C vào thức ăn giúp tăng sức đề kháng cho cá, tăng khả năng chịu đựng với sự thay đổi của các yếu tố môi trường...

Phòng tránh nắng nóng và bảo vệ thủy sản mùa mưa bão là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết giúp cho việc sản xuất thủy sản phát triển ổn định và bền vững. Các hộ nuôi trồng cần theo dõi sát sao tình hình thời tiết, mực nước trên các ao hồ để thực hiện các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, bảo đảm an toàn cho diện tích thủy sản, hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Bài và ảnh: Minh Hà

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/huyen-nong-cong-chu-dong-phong-chong-nang-nong-va-bao-ve-thuy-san-trong-mua-mua-bao/157979.htm