Huyện Nông Cống sẵn sàng sản xuất vụ xuân năm 2023

Vụ xuân năm 2023, huyện Nông Cống có kế hoạch gieo trồng hơn 13.000 ha, trong đó có 10.300 ha lúa và gần 3.000 ha rau màu các loại. Phấn đấu năng suất lúa đạt 70 tạ/ha; gieo cấy lúa chất lượng cao chiếm 70% diện tích. Huyện phấn đấu cơ bản hoàn thành kế hoạch gieo cấy trước ngày 25-2-2023.

Nông dân xã Vạn Hòa chăm sóc rau màu vụ xuân.

Nông dân xã Vạn Hòa chăm sóc rau màu vụ xuân.

Để bảo đảm kế hoạch sản xuất, huyện bố trí linh hoạt diện tích gieo cấy phù hợp; thời vụ gieo cấy phải bảo đảm lúa phân hóa đòng và trổ bông gặp điều kiện thời tiết thuận lợi (trổ trước ngày 10-5). Huyện khuyến cáo nông dân cần lưu ý các kỹ thuật về gieo cấy như: Đối với gieo mạ nền cứng, khi gieo mạ, phải bảo đảm đủ diện tích nền để cấy cho 1 sào từ 3m2 trở lên. Chăm sóc, che phủ bằng các vật liệu thân thiện với môi trường cho toàn bộ diện tích mạ để tránh rét và ngăn chặn sự xâm nhập của sâu bệnh gây hại, nhất là đối tượng rầy nâu, rầy lưng trắng... Do diễn biến thời tiết thất thường nên chỉ gieo thẳng khi thời tiết ấm, gieo trên những chân ruộng chủ động tưới, tiêu nước. Khi có rét đậm, rét hại (nhiệt độ trung bình ngày dưới 15 độ C) tuyệt đối không gieo thẳng, phải hãm mạ hoặc chuyển sang gieo mạ trên nền cứng để lúa không bị chết rét. Đến thời điểm này, huyện đã hoàn thành nạo vét thủy lợi nội đồng hơn 90% kế hoạch. Cùng với đó, huyện chỉ đạo các xã tiếp tục đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu sản xuất, mở rộng diện tích gieo cấy bằng phương pháp mạ khay, máy cấy trên các chân ruộng chủ động tưới, tiêu để giảm chi phí và công lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất, phấn đấu đạt năng suất, giá trị cao nhất trên một đơn vị diện tích gieo cấy.

Thời gian qua, huyện Nông Cống đã tập trung nâng cấp, tu bổ hệ thống công trình thủy lợi từ kênh đầu mối đến mặt ruộng, người dân tiến hành vệ sinh đồng ruộng, góp phần bảo đảm tưới, tiêu phục vụ sản xuất; chủ động dự phòng giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn ngày để gieo cấy bù diện tích lúa và mạ bị chết do rét đậm, rét hại. Huyện khuyến cáo nông dân cần chủ động bón lót đủ, bón thúc theo đúng quy trình thâm canh của từng giống, sử dụng phân bón tổng hợp NPK, phân hữu cơ vi sinh, phân vi lượng, bón đủ lượng kali nhất là ở lần bón đón đòng và giống có tiềm năng năng suất cao; tăng cường tổ chức các lớp tập huấn quy trình gieo mạ nền cứng, gieo thẳng, kỹ thuật chăm sóc lúa, phòng, trừ sâu bệnh, hướng dẫn kỹ thuật và định hướng chuyển đổi có hiệu quả cho người dân…

Cùng với việc chuẩn bị tốt về giống, phân bón, làm đất, nguồn nước tưới… căn cứ theo kế hoạch sản xuất, huyện tiếp tục phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất cho nông dân; tổ chức triển khai xây dựng các mô hình cơ giới hóa đồng bộ các khâu sản xuất lúa, mô hình sản xuất lớn tập trung có liên kết; tích cực, kịp thời cung cấp thông tin, kỹ thuật cần thiết về cơ cấu giống, lịch thời vụ gieo cấy, quy trình thâm canh theo đúng kế hoạch; tăng cường thanh tra, kiểm tra, quản lý chặt chẽ thị trường cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các loại vật tư nông nghiệp khác trên địa bàn để tránh tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng gây thiệt hại trong sản xuất…

Khánh Phương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/huyen-nong-cong-san-sang-san-xuat-vu-xuan-nam-2023/177871.htm