Huyện Nông Cống với các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội

Những tháng đầu năm, huyện Nông Cống chỉ đạo các xã, thị trấn duy trì, mở rộng diện tích các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, vùng sản xuất lúa theo quy trình VietGAP, xây dựng các sản phẩm OCOP. Triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi, bệnh viêm da nổi cục trâu, bò, không để dịch phát sinh lại. Công tác kêu gọi đầu tư vào huyện tiếp tục được tăng cường. Tiếp tục chỉ đạo, quán triệt triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Công nhân Công ty Chế biến nông sản Trung Thành trong ca sản xuất.

Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức, triển khai thực hiện phương án sản xuất vụ đông xuân 2022 và toàn huyện đã gieo trồng được 13.400 ha cây trồng các loại; trong đó lúa 10.350 ha, ngô 325 ha, lạc 350 ha, khoai lang 215 ha, rau đậu các loại 1.320 ha. Chỉ đạo, hướng dẫn Nhân dân chăm sóc bảo vệ lúa chiêm xuân, phòng trừ sâu bệnh và cây lúa sinh trưởng phát triển tốt. Tiếp tục duy trì, mở rộng, sản xuất 250 ha vùng sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP tại các xã Tượng Văn, Tượng Lĩnh, Trường Sơn, Trường Trung, Thăng Bình, Minh Nghĩa, Trung Chính, Tế Lợi. Duy trì 31 ha mô hình sản xuất rau an toàn tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP tại các xã Thăng Long, Vạn Hòa, Vạn Thắng, Công Liêm, Trường Sơn, Thăng Bình, Yên Mỹ; mô hình sản xuất rau, củ, quả ứng dụng công nghệ cao tại các xã Hoàng Giang, Tế Lợi, Trường Sơn, thị trấn Nông Cống, Thăng Long, Vạn Hòa. Đồng thời, xây dựng các mô hình trồng cây ăn quả ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước tại các xã Yên Mỹ, Công Chính, Công Liêm, Thăng Long, Tượng Sơn, Tượng Lĩnh. Đi đôi với đó, huyện chỉ đạo, hướng dẫn Nhân dân cải tạo, vệ sinh ao đầm, chuẩn bị con giống và thả nuôi vụ nuôi xuân hè năm 2022. Duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao tại các xã Trường Giang, Trường Trung, Tượng Văn. Giá trị sản xuất ngành thủy sản đạt 45,8 tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ.

Đi đôi với phát triển nông nghiệp, huyện Nông Cống tiếp tục chỉ đạo phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng. Trong đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm và thu nhập cho người lao động; đồng thời, thu hút đầu tư các dự án công nghiệp. Phát triển các ngành nghề sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Huyện tập trung triển khai xây dựng đồ án quy hoạch chung xây dựng xã; đồng thời, trình UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cụm công nghiệp Vạn Thắng - Yên Thọ, quy hoạch chung đô thị Trầu, huyện Nông Cống đến năm 2030, quy hoạch chi tiết 1/500 cụm công nghiệp Cầu Quan, cụm công nghiệp Hoàng Sơn. Triển khai đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn Nông Cống đến năm 2030; đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 khu dân cư tại thị trấn Nông Cống, đô thị Cầu Quan; quy hoạch khu tái định cư tập trung tại xã Vạn Thiện, xã Thăng Long phục vụ công tác giải phóng mặt bằng dự án đường Vạn Thiện đi Bến En. Lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 các khu dân cư tại các xã trên địa bàn huyện năm 2022.

Đồng chí Nguyễn Lợi Đức, Chủ tịch UBND huyện Nông Cống, cho biết: Hiện huyện đang tâp trung chỉ đạo các xã, thị trấn có các biện pháp bảo vệ, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng vụ đông xuân 2022. Tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao, xây dựng các sản phẩm OCOP. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; kiểm soát giết mổ, vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm và các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm. Hướng dẫn các xã, thị trấn thực hiện tốt nuôi trồng thủy sản, bảo đảm phòng, chống dịch bệnh, an toàn sinh học. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm và thu nhập ngày càng tăng cho người lao động. Tiếp tục phát triển nghề tiểu thủ công nghiệp, nhân cấy nghề mới; xây dựng đề án phát triển làng nghề sản xuất miến dong hữu cơ Vạn Thành, xã Thăng Long. Tiếp tục triển khai chuyển đổi mô hình quản lý chợ trên địa bàn; đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng. Tuyên truyền, vận động các cơ sở sản xuất, kinh doanh thành lập mới doanh nghiệp; kêu gọi, thu hút, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào huyện.

Đi đôi với các giải pháp phát triển kinh tế, huyện tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, kỷ niệm các ngày lễ lớn của địa phương, đất nước. Tổ các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao bảo đảm thiết thực để chào mừng các ngày lễ trọng đại của đất nước, địa phương. Đồng thời, tăng cường quản lý các di tích và tổ chức các lễ hội truyền thống, lễ dâng hương tại các di tích theo đúng quy định. Tiếp tục phối hợp với đơn vị tư vấn thiết kế, các đơn vị liên quan hoàn thiện hồ sơ trùng tu, tôn tạo các di tích đang xuống cấp và đề nghị xếp hạng các di tích lịch sử - văn hóa đủ điều kiện theo quy định. Triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giữ vững thành tích giáo dục mũi nhọn; nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Tổ chức triển khai thực hiện công tác chuyển đổi số trong ngành giáo dục. Tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh; bảo đảm chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân. Chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm, giảm nghèo, đào tạo nghề cho người lao động.

Bài và ảnh: Vân Anh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doanh-nghiep/huyen-nong-cong-voi-cac-giai-phap-phat-trien-kinh-te-xa-hoi/157652.htm