Huyện Phú Xuyên quan tâm đầu tư chống xuống cấp hàng loạt di tích
Kinhtedothi- Huyện Phú Xuyên là địa phương của TP Hà Nội có nhiều di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia và cấp TP, tuy nhiên nhiều năm qua, các di tích đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Sau nhiều lần 'lên tiếng', đến nay các di tích này mới được quan tâm đầu tư chống xuống cấp.
Theo Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phú Xuyên Nguyễn Xuân Quỳnh, các di tích trên địa bàn đều là di tích cổ, có niên đại lâu năm, trải qua thời gian và điều kiện khí hậu, thiên nhiên khắc nghiệt, hậu quả của chiến tranh làm cho nhiều di tích bị xuống cấp, hư hại. Nguồn xã hội hóa còn gặp nhiều khó khăn. Một số cơ sở chưa quan tâm đúng mức với việc bảo vệ, tôn tạo, giữ gìn các di tích. Sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và cộng đồng Nhân dân chưa đồng bộ.
Bên cạnh đó, thiếu những định hướng cụ thể nhằm khuyến khích, kêu gọi sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa. Nguồn kinh phí từ ngân sách dành cho xây dựng thiết chế văn hóa, công tác tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế hiện trạng xuống cấp và nhu cầu tu bổ các di tích trên địa bàn.
Tính đến nay huyện Phú Xuyên có 345 di tích được TP phê duyệt, công bố trong danh mục kiểm kê di tích, được coi là một trong những địa phương có số lượng di tích lớn, trải đều khắp 27 xã, thị trấn; đa dạng về loại hình, như: Đình, chùa, đền, miếu, nhà thờ dòng họ… Trong đó, 120 di tích lịch sử được xếp hạng có 38 di tích xếp hạng cấp Quốc gia và 82 di tích cấp TP. Tuy nhiên, thời gian qua có nhiều di tích đã bị xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa được trùng tu.
Qua khảo sát thực tế tại đình Phú Nhiêu (xã Quang Trung), đình Kiều Đông (xã Đại Xuyên) và đền bà Ả Lanh (thị trấn Phú Xuyên) nhận thấy, hàng loạt các hạng mục công trình ở đây, như: Cột, kèo, rui mè, xà, cầu đầu… đã bị mục rỗng vì mối mọt. Cùng với đó, tường bao các công trình di tích cũng bị xuống cấp, bục vỡ, ẩm thấp do bị thấm nước mưa. Các hạng mục công trình đã được chính quyền địa phương hoặc người dân tu sửa, nhưng chỉ ở phạm vi nhỏ, mang tính chất tạm thời.
Ông Lương Ngọc Phú, người trông coi di tích đình Phú Nhiêu (xã Quang Trung) hơn 10 năm qua chia sẻ: Di tích lịch sử đình Phú Nhiêu đã được xây dựng hơn 100 năm qua. Những năm trước, khi nhà văn hóa thôn chưa được đầu tư xây dựng thì đình Phú Nhiêu được sử dụng làm nơi hội họp của người dân địa phương cùng nhiều hoạt động khác. Những năm gần đây, nhiều hạng mục của di tích bị xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa được tu sửa. Và sau nhiều lần người dân có ý kiến, đến nay UBND TP và huyện đã quan tâm đầu tư tu sửa các hạng mục.
Phó Chủ tích UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Mạnh Huy cho biết, giai đoạn 2021 - 2025, huyện đã xây dựng Chương trình số 04-CTr/HU về “Phát triển văn hóa xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội và phúc lợi xã hội của Nhân dân, xây dựng người Phú Xuyên thanh lịch, văn minh”. Trong đó, nội dung tu bổ tôn tạo, chống xuống cấp các di tích lịch sử văn hóa là một trong những nhiệm vụ quan trọng để phát triển văn hóa xã hội của huyện.
Qua đó, ngày 30/3/2022, huyện Phú Xuyên ban hành Kế hoạch số 123/KH-UBND về công tác quản lý tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn đến năm 2025 có nội dung đề xuất với TP quan tâm đầu tư hỗ trợ kinh phí tu bổ 63 di tích trên địa bàn bị xuống cấp. Ngày 6/5/2022, UBND TP có Quyết định số 1511/QĐ-UBND phân bổ đầu tư kinh phí tu bổ 5 di tích với kinh phí phân bổ năm 2022 là 41 tỷ đồng, tổng giai đoạn 2021 - 2022 là hơn 64 tỷ đồng.
Hiện nay, UBND huyện đã chỉ đạo chủ đầu tư, các cơ quan chuyên môn của huyện và đơn vị tư vấn thiết kế, phối hợp với UBND các xã, thị trấn nơi có di tích được tu bổ, tổ chức trình chiếu phương án, quy mô tu bổ lấy ý kiến của Nhân dân. Đồng thời, UBND huyện chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin cùng UBND các xã, thị trấn tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân bảo vệ, giữ gìn khuôn viên, cảnh quan di tích, đặc biệt là việc bài trí di tích phù hợp với truyền thống văn hóa.
Mặt khác, chỉ đạo chủ đầu tư trong quá trình tu bổ, tôn tạo, bảo quản các di tích phải chủ động lựa chọn, phối hợp với các đơn vị tư vấn thiết kế, thi công có đủ năng lực chuyên môn, năng lực điều kiện hành nghề lập dự án quy hoạch, tu bổ tôn tạo di tích, thực hiện đúng và đầy đủ các quy trình hồ sơ theo quy định. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các ban giám sát cộng đồng nơi có di tích được tu bổ, tôn tạo trong việc kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện theo đúng hồ sơ thiết kế.
Theo Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng huyện Phú Xuyên Nguyễn Quang Khải, Phú Xuyên là một trong những huyện của TP có nhiều di tích lịch sử cấp Quốc gia và cấp TP đã, đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Nhờ có sự quan tâm của TP, ngày 8/4/2022, HĐND TP ban hành Nghị quyết số 02/NQ-HĐND bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025, phân bổ kế hoạch vốn tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022 - 2025 và các năm tiếp theo.
Qua đó, Phú Xuyên có 42 di tích cấp Quốc gia và cấp TP sẽ được đầu tư, phân bổ sử dụng nguồn ngân sách của TP để thực hiện thi công. Hiện nay, huyện đang triển khai các bước đầu tư xây dựng, tu sửa, tôn tạo và bố trí vốn cho 8 di tích để sớm hoàn thành việc thi công, tránh để các hạng mục công trình bị xuống cấp thêm nữa. Đồng thời, Ban QLDA đầu tư xây dựng huyện đang tiếp tục triển khai hoàn thiện thủ tục đối với các hồ sơ di tích khác trên địa bàn để làm cơ sở pháp lý đề nghị TP bố trí vốn theo chương trình Nghị quyết số 02/NQ-HĐND.