Huyện Quan Sơn chú trọng thực hiện các tiêu chí văn hóa nông thôn mới

Để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Quan Sơn đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/HU, ngày 28-10-2010, về 'Xây dựng NTM, giai đoạn 2011 - 2020'.

Ném còn – trò chơi dân gian truyền thống của đồng bào Thái, huyện Quan Sơn.

Bằng nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và của tỉnh, sự tham gia của các doanh nghiệp, sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhất là sự tham gia đóng góp tiền của, ngày công của nhân dân; chương trình xây dựng NTM của huyện Quan Sơn đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Diện mạo nông thôn được đổi mới, trở nên văn minh hơn; kết cấu hạ tầng cơ sở được đầu tư ngày càng đồng bộ, đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống nhân dân; đời sống vật chất, văn hóa – tinh thần, giáo dục, y tế không ngừng được cải thiện và nâng cao.

Để bảo vệ, khai thác và phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống, cũng như hình thành các giá trị văn hóa mới ở nông thôn, trong quá trình triển khai thực hiện các tiêu chí NTM, huyện Quan Sơn đặc biệt chú trọng 2 tiêu chí văn hóa (số 6 và số 16). Để thực hiện tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa – một tiêu chí quan trọng, cần nguồn kinh phí lớn, huyện đã tiến hành quy hoạch diện tích đất xây dựng sân vận động, trung tâm văn hóa – thể thao và nhà văn hóa thôn, bản. Đồng thời, huy động các nguồn lực đầu tư, tập trung xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao. Đến nay, có 13 xã, thị trấn trên địa bàn đã xây dựng được hội trường văn hóa và 67 nhà văn hóa bản, tổ dân phố. Đây là nơi diễn ra nhiều hoạt động cộng đồng như tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Đồng thời, cũng là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, nhằm tạo sự gắn kết trong cộng đồng và nâng cao chất lượng đời sống văn hóa – tinh thần cho nhân dân. Tuy vậy, hiện vẫn còn nhiều bản chưa xây dựng được nhà văn hóa, do thiếu quỹ đất và thiếu kinh phí thực hiện. Do đó, trong thời gian tới, huyện Quan Sơn đang kêu gọi các nguồn lực đầu tư từ các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia và huy động xã hội hóa, nhằm sớm hoàn thành tiêu chí này.

Cùng với tiêu chí số 6, huyện Quan Sơn cũng chú trọng tiêu chí số 16 về văn hóa. Để thực hiện tiêu chí này, địa phương đã gắn việc triển khai xây dựng NTM với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Đồng thời, giao chỉ tiêu xây dựng đời sống văn hóa cơ sở và gia đình văn hóa cho các xã, thị trấn. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện tiêu chí và phong trào, được địa phương thực hiện bằng nhiều hình thức, như truyền thanh, giao lưu văn hóa, văn nghệ và qua sinh hoạt của các tổ chức, đoàn thể. Bên cạnh đó, hoạt động sơ kết, tổng kết và biểu dương những gương điển hình tiên tiến, cũng được thực hiện thường xuyên, đã kịp thời động viên những cá nhân, tập thể điển hình... Thông qua đó, từng bước nâng cao nhận thức của nhân dân về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của việc xây dựng làng, bản văn hóa trong đời sống kinh tế - xã hội.

Đến nay, hầu hết các xã đã triển khai đến các thôn bản và đăng ký đạt chuẩn văn hóa NTM đúng trình tự, thủ tục. Toàn huyện có 44 cơ quan, đơn vị và 92 bản, tổ dân phố đăng ký danh hiệu văn hóa; 4 xã đăng ký xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa NTM. Trong đó, đã công nhận 57 bản, tổ dân phố văn hóa; 35 cơ quan, đơn vị văn hóa và 2 xã đạt chuẩn văn hóa NTM. Có 6 xã đã đạt tiêu chí 16. Tập trung ở các bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Trong đó điển hình là xã Sơn Thủy hiện còn 3 bản Mùa Xuân, Xía Nọi và Khà, với 100% hộ nghèo và chưa có đường giao thông, điện lưới quốc gia và thông tin liên lạc. Điều này đã ảnh hưởng đến việc giao chỉ tiêu đăng ký và xây dựng bản văn hóa trên địa bàn.

Mặc dù còn gặp nhiều trở ngại trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng NTM nói chung, các tiêu chí văn hóa nói riêng. Song, với những kết quả đạt được từ 2 tiêu chí này, đã từng bước hình thành nên những chuẩn mực văn hóa mới trên địa bàn huyện Quan Sơn. Đó là sự đồng thuận và tinh thần đoàn kết trong cộng đồng được phát huy; ý thức tự giác chấp hành pháp luật của nhân dân được nâng lên; tình làng nghĩa xóm được thắt chặt; nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp được bảo tồn và phát huy trong đời sống văn hóa...

Bài và ảnh: Khôi Nguyên

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nong-thon-moi/huyen-quan-son-chu-trong-thuc-hien-cac-tieu-chi-van-hoa-nong-thon-moi/112322.htm