Huyện Quảng Xương phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao

Mục tiêu phát triển nông nghiệp của huyện Quảng Xương là tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tạo bước đột phá trong phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC), thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Để thực hiện những mục tiêu này, nhiều giải pháp đã được huyện đề ra và thực hiện quyết liệt, đồng bộ.

Mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Quảng Lưu (Quảng Xương).

Để dần chuyển từ sản xuất nhỏ, lẻ sang quy mô lớn, ƯDCNC gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, huyện Quảng Xương đã và đang đẩy mạnh thực hiện tích tụ, tập trung đất đai; đồng thời, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích đất lúa kém năng suất sang cây trồng khác đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Khuyến khích bà con nông dân đưa các giống cây trồng chất lượng cao vào sản xuất, trình diễn các mô hình ứng dụng công nghệ sinh học, các phương pháp canh tác tiên tiến, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ; sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Phát triển nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng an toàn sinh học, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm... Từ đó, góp phần hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, tạo ra các chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất quy mô lớn, ƯDCNC, thực hiện liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho người dân.

Đến nay, huyện đã xây dựng được 6 mô hình sản xuất lúa, gạo thương phẩm chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP, với quy mô trên 450 ha; 6 mô hình sản xuất rau, quả công nghệ cao trong nhà màng, nhà kính, rau thủy canh, với quy mô trên 35.000m2; 2 mô hình sản xuất rau, quả theo tiêu chuẩn VietGAP, với quy mô trên 20 ha.

Lĩnh vực chăn nuôi đã có sự chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chăn nuôi trang trại, gia trại tập trung theo chuỗi khép kín, ứng dụng khoa học - kỹ thuật. Huyện đã xây dựng được 18 mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ trong chăn nuôi, điển hình như: 5 mô hình nuôi bò BBB chuyên thịt chất lượng cao, với quy mô trên 30 bò cái sinh sản/trang trại; 9 trang trại chăn nuôi gà, vịt an toàn dịch bệnh theo hướng VietGAP, với quy mô trên 10.000 con/trang trại; 3 trang trại chăn nuôi thỏ theo hướng GMP, quy mô trên 5.000 con/trang trại. Trong nuôi trồng thủy sản, nhiều loại giống thủy sản chất lượng cao đã được nhiều hộ dân đưa vào thả nuôi kết hợp với phương thức nuôi tiên tiến, trên cơ sở đó, huyện đã xây dựng được nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản ứng dụng khoa học và công nghệ trong nuôi trồng thủy sản, như: nuôi tôm theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp; nuôi cua, cá theo hướng VietGAP an toàn sinh học...

Đánh giá về việc phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ƯDCNC trên địa bàn, ông Lê Đại Hiệp, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Quảng Xương, cho biết: Thông qua các mô hình sản xuất nông nghiệp ƯDCNC, người sản xuất đã có cơ hội tiếp cận và nắm bắt được các tiến bộ khoa học - kỹ thuật. Do sử dụng rộng rãi các tiến bộ kỹ thuật về giống, cùng các quy trình công nghệ canh tác tiên tiến, nên năng suất cây trồng, vật nuôi và thủy sản không ngừng được nâng lên. Các mô hình nông nghiệp ƯDCNC đều đạt hiệu quả kinh tế vượt trội, với lợi nhuận trung bình đạt 200 triệu đồng/ha/năm đối với mô hình trồng trọt, gấp 2,5 đến 3 lần so với sản xuất nông nghiệp thông thường; chăn nuôi lợi nhuận bình quân đạt từ 500 đến 700 triệu đồng/ha/năm, gấp 2 lần so với chăn nuôi truyền thống; thủy sản lợi nhận bình quân đạt từ 500 đến 1 tỷ đồng/ha/năm.

Để tiếp tục hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ƯDCNC, mới đây, huyện Quảng Xương đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ƯDCNC huyện Quảng Xương, giai đoạn 2021-2025.

Bài và ảnh: Hương Thơm

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/khoa-hoc-cong-nghe/huyen-quang-xuong-phat-trien-nong-nghiep-quy-mo-lon-ung-dung-cong-nghe-cao/137148.htm