Huyện Sóc Sơn (Hà Nội): Tăng tốc về đích nông thôn mới
Với những nguồn nội lực đa dạng trên địa bàn huyện, kết hợp với các nguồn đầu tư của thành phố và sự hỗ trợ từ một số quận nội thành, huyện Sóc Sơn quyết tâm về đích nông thôn mới theo đúng kế hoạch đề ra trong năm 2019…
Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Phạm Xuân Phương cho biết, sau 10 năm chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện, với sự nỗ lực và quyết tâm của cả hệ thống chính trị toàn huyện, đặc biệt là sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực của nhân dân; Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao toàn diện đời sống nhân dân”, thực sự trở thành chương trình của dân, do dân và vì dân.
Kết thúc giai đoạn 1 Chương trình số 02-CTr/TU giai đoạn 2011-2015 của Thành ủy, huyện Sóc Sơn đã đạt được những kết quả rất đáng tự hào: Đầu tiên, huyện xác định dồn điền, đổi thửa là khâu đột phá trong công tác xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ trực tiếp cho phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân. Toàn huyện đã thực hiện dồn điền đổi thửa ở 121 thôn, làng của 24/25 xã với tổng diện tích là 10.845 ha, vượt 107 % kế hoạch Thành phố giao.
Sau dồn điền đổi thửa, đã hình thành 32 vùng sản xuất chuyên canh tập trung theo hướng hàng hóa, có nhiều mô hình cho giá trị kinh tế cao, thực hiện quản lý tốt 7 nhãn hiệu tập thể, 9 chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp đã tăng hiệu quả kinh tế cho người sản xuất từ 1,5-2 lần so với trước đây. Nhờ đó, giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác tăng nhanh, từ 86 triệu đồng/ha (năm 2010), đến năm 2015 là 132 triệu đồng/ha và năm 2019 tăng lên 274,3 triệu đồng góp phần tăng thu nhập bình quân năm 2010 là 18,1 triệu đồng/người lên 43,2 triệu đồng/người/năm 2018.
Ngoài ra, thực hiện phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”, huyện đã huy động tổng lực các nguồn vốn cho xây dựng nông thôn mới, ngoài nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ, huyện chú trọng huy động các nguồn vốn khác, như từ ngân hàng, doanh nghiệp và xã hội, đặc biệt là huy động nội lực trong nhân dân, như góp công lao động, hiến đất, vật liệu, tiền, đóng góp tinh thần và động viên con em thành đạt tham gia.
Tổng hợp kết quả thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện: Từ một huyện không có xã nào đạt nông thôn mới (năm 2010), đến nay đã có 20/25 xã đã hoàn thành nông thôn mới (tăng 20 xã so với năm 2010, vượt 4% chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội X là đến 2015 có 11/25 xã; tăng 8 xã so với năm 2015), 5 xã còn lại đạt và cơ bản đạt 17-18 tiêu chí, bộ mặt nông thôn khang trang, đổi mới, đời sống nông dân được nâng lên rõ rệt, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Bên cạnh đó, hiện nay huyện Sóc Sơn đã có 95,4% đường trục thôn, liên thôn; 90,6% đường ngõ xóm; 79,4% kênh mương được kiên cố hóa. 95% rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn được thu gom, vận chuyển trong ngày. 99% hộ dân dùng nước sạch hợp vệ sinh, trong đó 40% được sử dụng nước sạch…
Được biết, bước chuyển biến trên có được một phần quan trọng đến từ nguồn lực đầu tư lớn của thành phố. Cụ thể, trong 10 năm qua, thành phố đã quan tâm, hỗ trợ huyện Sóc Sơn gần 677 tỷ đồng; ngân sách huyện, xã và vốn lồng ghép thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới cũng đạt gần 2.100 tỷ đồng. Đặc biệt, huyện đã huy động được từ nguồn xã hội hóa gần 1.200 tỷ đồng và nhận được 91,5 tỷ đồng hỗ trợ từ các quận: Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng và Ba Đình, để góp phần hiện thực hóa các mục tiêu nông thôn mới…
Theo chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, thời gian tới, quá trình xây dựng nông thôn mới huyện Sóc Sơn cần đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh quy hoạch, lập quy hoạch chi tiết và đề án xây dựng nông thôn mới của các xã, gắn với quy hoạch khu đô thị vệ tinh Sóc Sơn. Đồng thời, quan tâm nhiều hơn tới bảo vệ môi trường nông thôn, thực hiện tốt trật tự, văn minh đô thị ở thị trấn. Củng cố, đổi mới hoạt động của các hợp tác xã và phát triển đa dạng các hình thức hợp tác ở nông thôn để tạo điều kiện khuyến khích các hợp tác xã hoạt động theo Luật hợp tác xã năm 2012.
Cùng với đó, phải xây dựng hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở (nhất là thôn, làng, cụm dân cư) trong sạch, vững mạnh. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm ý thức phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ công chức. Tập trung giải quyết dứt điểm, thấu đáo các vụ việc khiếu nại tố cáo, mâu thuẫn phát sinh trong nhân dân để hạn chế tối đa khiếu kiện tập trung đông người, kéo dài và vượt cấp theo tinh thần Chỉ thị 15 và Đề án 08 của Thành ủy Hà Nội.
Để hoàn thành mục tiêu nông thôn mới theo đùng kế hoạch, theo Ban Chỉ đạo nông thôn mới huyện Sóc Sơn, thời gian tới Sóc Sơn sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng nông thôn mới.
Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở ở nông thôn trong sạch, vững mạnh. Rà soát, bổ sung quy hoạch, đề án xây dựng xã nông thôn mới. Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới. Tập trung huy động các nguồn lực của Nhà nước và xã hội đầu tư thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020...
Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/huyen-soc-son-ha-noi-tang-toc-ve-dich-nong-thon-moi-97978.html