Huyện Sóc Sơn trả lời 256 giáo viên hợp đồng

Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn nhận được đơn kiến nghị của tập thể 256 giáo viên hợp đồng và đã có công văn trả lời những nội dung kiến nghị của giáo viên.

Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn đã ban hành công văn số 1629/ UNBD – NV: Về việc trả lời đơn kiến nghị của công dân.

Nội dung của công văn này trả lời 3 kiến nghị của 256 giáo viên hợp đồng bậc tiểu học và trung học cơ sở. 3 kiến nghị đó bao gồm:

Nội dung thứ nhất: Xin xét tuyển đặc biệt cho 256 giáo viên hợp đồng trên địa bàn huyện Sóc Sơn năm 2019 không qua thi tuyển theo Quyết định số 3455/QĐ-UBND ngày 28/6/2019.

Nội dung thứ hai: Đối với những người không đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 7, Điều 2 của Nghị định 161/2018 của Chính phủ quy định thì đề nghị Ủy ban Nhân dân xét tuyển đặc cách theo khoản a, mục 1, Điều 14 Nghị định 29/2012/NĐ-CP.

Nội dung thứ ba: Trong trường hợp cần thiết đề nghị Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn có văn bản kiến nghị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đối thoại trực tiếp với 256 giáo viên hợp đồng.

Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn ban hành công văn trả lời giáo viên hợp đồng (Ảnh:V.N)

Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn ban hành công văn trả lời giáo viên hợp đồng (Ảnh:V.N)

Trả lời những nội dung kiến nghị này, Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn cho biết:

Thứ nhất: Đối với việc xét tuyển đặc cách; Ủy ban Nhân dân huyện đã ban hành văn bản 1490/UBND – NV trong đó yêu cầu hiệu trưởng các nhà trường triển khai nội dung đến tất cả các giáo viên hợp đồng có 5 năm công tác; hướng dẫn kê khai, chuẩn bị tài liệu chứng minh, đối chiếu với toàn bộ hồ sơ cán bộ đối chiếu với điều kiện được xét đặc cách theo khoản 7 điều 2 nghị định 161/NĐ-CP.

Cũng theo báo cáo của các nhà trường 256/256 giáo viên hợp đồng không đủ điều kiện để xét tuyển đặc cách.

Thứ hai: Nghị định 161/NĐ-CP của Chính phủ đã sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập đã có hiệu lực kể từ ngày thi hành 15/1/2019.

Điều 14 của Nghị định 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 đã được sửa đổi thành khoản 7 điều 2 của Nghị định 161/NĐ-CP.

Thứ ba: Ủy ban Nhân dân huyện cho biết đã nhiều lần tổ chức họp triển khai quán triệt văn bản đến các giáo viên hợp đồng, đồng thời đã lắng nghe tâm tư nguyện vọng để thực hiện công tác tuyển dụng theo đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra công văn cũng có nêu: Ông Đầu Xuân Đàm đã nhiều lần gửi đơn lên các Báo, Đài, lên Thành phố. Vậy việc ông Đàm tự ý nhân danh 256 giáo viên hợp đồng để đưa đơn kiến nghị là không đúng quy định.

Đề nghị hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Trung Giã tuyên truyền giáo dục để ông Đầu Xuân Đàm hiểu và chấp hành theo đúng quy định pháp luật.

Theo công văn này toàn bộ 256/256 giáo viên hợp đồng tại Sóc Sơn không đủ điều kiện để xét đặc cách (Ảnh:V.N)

Theo công văn này toàn bộ 256/256 giáo viên hợp đồng tại Sóc Sơn không đủ điều kiện để xét đặc cách (Ảnh:V.N)

Ngay sau khi Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn ra công văn số 1629/ UNBD–NV, cộng đồng 256 giáo viên hợp đồng Sóc Sơn đã có nhiều ý kiến.

Thứ nhất: Theo công văn khẳng định 256/256 giáo viên hợp đồng không đủ điều kiện. Điều này khiến giáo viên hợp đồng vô cùng bức xúc.

Cô Nguyễn Thị Thơm nói:

“Khi chúng tôi nghe tin Ủy ban Nhân dân thành phố Quyết định số 3455/QĐ-UBND sẽ xét đặc cách cho 256 giáo viên hợp đồng huyện Sóc Sơn.

Chúng tôi rất mừng vì nghĩ rằng thành phố đã lắng nghe tiếng nói của mình.

Nhưng ngay sau khi có quyết định này một số luật sư đã phân tích sẽ không có giáo viên nào đủ điều kiện để xét đặc cách. Chúng tôi rất sốc.

Và việc này đã được cụ thể hóa bằng văn bản của Huyện nói rõ: 256/256 giáo viên hợp đồng không ai đủ điều kiện để được đặc cách.

Tại sao ngay từ đầu thành phố và huyện đều biết sẽ không ai đủ điều kiện để xét đặc cách lại vẫn ra văn bản nói đặc cách?

Điều này chẳng khác nào gieo cho chúng tôi hy vọng.

Chúng tôi thừa nhận giáo viên không tìm hiểu nhiều về các văn bản Luật nên họ đã đưa chúng tôi vào tình thế như hiện nay hay không?

Quyết định trên có phải đưa ra để làm đẹp dư luận hay không?

Thành phố đá quả bóng cho huyện còn huyện thì đá ra ngoài”.

Thứ hai: Theo phản ánh của nhiều giáo viên hợp đồng tại Sóc Sơn. Huyện nhiều lần làm khó giáo viên trong việc gửi đơn thư, kiến nghị lên thành phố.

Một giáo viên hợp đồng giấu tên cho biết: “Huyện nói nhiều lần tiếp xúc với chúng tôi để động viên, giải quyết tâm tư nguyện vọng là sai.

Trong hành trình này chúng tôi hoàn toàn cô độc. Thậm chí có một số người còn tung tin ra dư luận để gây lục đục nội bộ giáo viên, hướng giáo viên đến những quyết định có lợi cho họ.

Trong một số cuộc tiếp xúc cử tri chúng tôi không được nêu ý kiến. Và lãnh đạo huyện cũng chưa từng đối thoại với giáo viên hợp đồng”.

Ngoài ra công văn số 1629/ UNBD –NV: Về việc trả lời đơn kiến nghị của công dân cũng đề nghị: Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Trung Giã tuyên truyền giáo dục để ông Đầu Xuân Đàm hiểu và chấp hành theo đúng quy định pháp luật.

Chặng đường đấu tranh của 256 giáo viên hợp đồng Sóc Sơn vẫn còn đầy trắc trở (Ảnh: V.N)

Chặng đường đấu tranh của 256 giáo viên hợp đồng Sóc Sơn vẫn còn đầy trắc trở (Ảnh: V.N)

Theo một số giáo viên hợp đồng: Quyền được nêu ý kiến, kiến nghị là của công dân. Tại sao Huyện lại dùng “quyền lực mềm” để gây sức ép lên cá nhân?

Việc này có phải làm cản trở và khó khăn quá trình đấu tranh của giáo viên hợp đồng?

Nguyện vọng chung của 256 giáo viên hợp đồng huyện Sóc Sơn là được xét đặc cách theo Nghị định 29/2012/NĐ-CP.

Cô Thơm nói: “Họ ra một văn bản mà biết trước giáo viên hợp đồng sẽ không đủ điều kiện để đặc cách.

Không hiểu họ ra văn bản đó để làm gì? Nếu đã cho miễn được xét tuyển vòng 1 tại sao không cho giáo viên được đặc cách”.

Vũ Ninh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/huyen-soc-son-tra-loi-256-giao-vien-hop-dong-post201160.gd