Huyện Sóc Sơn: Từng bước giải bài toán môi trường trong xây dựng nông thôn mới
Trước tình trạng rác thải gây ô nhiễm môi trường ngày một nhức nhối, huyện Sóc Sơn đã chỉ đạo Hội Liên hiệp phụ nữ triển khai mô hình phân loại, xử lý rác thải tại nguồn. Đây cũng là giải pháp cụ thể hóa mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao tại địa phương.
Làm điểm tại 3 địa phương
Theo thống kê của Phòng TN&MT huyện Sóc Sơn, trung bình mỗi ngày, trên địa bàn huyện phát sinh từ 160 - 190 tấn rác thải sinh hoạt. Trong đó, khối lượng rác thải hữu cơ chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên, tương ứng khoảng 100 tấn/ngày.
Hiện nay, vấn đề rác thải nói chung chưa được các hộ gia đình quan tâm đúng mức. Phần nhiều có thói quen “cái gì không sử dụng được thì vứt bỏ”, thay vì tái chế. Hành vi này làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường tại các khu dân cư nông thôn.
Trước thực trạng trên, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Sóc Sơn đã xây dựng kế hoạch thực hiện mô hình điểm phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại các hộ gia đình trên địa bàn huyện. 3 địa điểm được lựa chọn làm điểm gồm: Khu 3 (xã Phú Minh), thôn Bắc Giã (xã Phù Lỗ) và thôn Đông Hạ (xã Nam Sơn).
Chủ tịch UBND xã Phú Minh Nguyễn Kim Thanh cho biết, cụ thể hóa mục tiêu trên, địa phương đã thành lập Tổ tự quản bảo vệ môi trường Khu 3. Tổ có nhiệm vụ tuyên truyền, giám sát các hộ trong khu dân cư phân loại rác thải tại nguồn, tiến hành kiểm kê rác thải trên đường ngõ xóm hàng ngày.
Tổ cũng sẽ thực hiện việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải hữu cơ. Khuyến khích các hộ tự phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại nhà làm phân bón cho cây trồng. Đồng thời, giám sát việc thực hiện phân loại rác thải tại từng hộ gia đình để có nhắc nhở, tuyên truyền phù hợp.
Tiền đề xây dựng nông thôn mới
Để hỗ trợ việc triển khai mô hình thí điểm phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại nguồn, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Sóc Sơn đã tiến hành cấp phát miễn phí cho mỗi khu dân cư thuộc 3 xã làm điểm, mỗi địa phương 10 thùng chứa. Một cơ số chế phẩm vi sinh cũng được hỗ trợ để các Tổ tự quản bảo vệ môi trường thực hiện xử lý rác thải hữu cơ.
Hàng ngàn hộ dân thuộc 3 thôn, khu dân cư của 3 xã: Phú Minh, Phù Lỗ, Nam Sơn cũng được cấp phát tờ rơi; được cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Sóc Sơn tập huấn, hướng dẫn phương pháp phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại nguồn.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Quang Ngọc, rác thải đang trở thành vấn đề vô cùng nhức nhối, không chỉ ở địa bàn huyện mà còn trên bình diện toàn TP Hà Nội. Việc phân loại, xử lý rác thải tại nguồn là một trong những giải pháp tích cực, góp phần giảm thiểu chi phí bảo vệ môi trường.
“Không chỉ cải thiện môi trường sống, mang lại đời sống sức khỏe tốt hơn cho cộng đồng dân cư, việc giải quyết được tận gốc vấn đề rác thải sẽ là tiền đề quan trọng để các địa phương hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao …” - ông Phạm Quang Ngọc nhấn mạnh.
Để mô hình thí điểm đi vào thực tế và phát huy hiệu quả, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Quang Ngọc đề nghị UBND 3 xã: Phú Minh, Phù Lỗ, Nam Sơn quan tâm, chỉ đạo sát sao; phân công trách nhiệm cho từng ngành trong việc thực hiện các nội dung; đồng thời phối hợp với Hội liên hiệp phụ nữ các cấp tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ, thực hiện phân loại rác thải tại nguồn.
“Cấp ủy, chính quyền các thôn, khu đưa nội dung bảo vệ môi trường, phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình vào hương ước, quy ước của thôn, làng. Có thể tổ chức làm thí điểm không thu gom rác đối với các hộ không phân loại rác tại nguồn…” - Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Quang Ngọc khuyến nghị thêm về giải pháp.
“Mục tiêu quan trọng nhất của đề án đang thí điểm là tạo chuyển biến về nhận thức, hình thành thói quen phân loại, xử lý rác thải tại nguồn trong các hộ gia đình và toàn cộng đồng. Sau khi kết thúc làm điểm tại 3 khu dân cư, Hội sẽ phối hợp với UBND các xã tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm để làm căn cứ triển khai nhân rộng trên toàn huyện” - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Sóc Sơn Nguyễn Thị Thu Hương.